Vì sao người trẻ lắc đầu khi bị giục 'đẻ đi chờ chi'?

Tùng Lâm, Mai Hoa chỉ là một trong rất nhiều người trẻ nói 'không' với việc sinh con. Những áp lực về mặt tài chính, tâm lý khiến họ từ chối việc được làm cha mẹ.

Thu Thảo (29 tuổi, quận 4, TP.HCM) vừa hoàn tất quy trình trữ đông trứng, tiếp tục kéo dài cuộc sống độc thân. Đang phấn đấu để giành vị trí trưởng phòng, cô không muốn con đường thăng tiến bị ảnh hưởng bởi kế hoạch kết hôn, mang thai và sinh em bé.

Thu Thảo cho biết quá trình mang thai khiến cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi, ảnh hưởng xấu đến hiệu suất công việc. Đó là chưa tính đến 6 tháng nghỉ thai sản, tức cô sẽ gần như vắng mặt khỏi công việc.

Vì vậy, nếu biết Thu Thảo dự định làm mẹ, lãnh đạo cấp cao sẽ không cân nhắc bổ nhiệm cô vào vị trí quản lý.

Ngoài ra, nữ nhân viên văn phòng 29 tuổi này lớn lên trong một gia đình không hạnh phúc. Bố mẹ ly hôn từ khi cô tròn 10 tuổi. Quá trình trưởng thành của Thu Thảo không nhận được đầy đủ tình yêu thương và sự quan tâm từ cả 2 phía.

Không muốn con mình phải chịu hoàn cảnh tương tự, cô chỉ tự tin sinh em bé khi có thể dành nhiều thời gian chăm sóc, ở bên cạnh con.

"Nếu có con trong giai đoạn này, tôi khó hoàn thành tốt trách nhiệm của một người mẹ", Thu Thảo tâm sự.

Với nhiều người, việc có con có thể ảnh hưởng đến sự phát triển sự nghiệp của họ. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels.

Không chỉ Thu Thảo, nhiều người trẻ cũng trì hoãn hoặc không muốn có con.

Nhiều người lo lắng rằng môi trường sinh sống, giáo dục không đủ tốt cho trẻ, trong khi một số khác lại ưu tiên sự thăng tiến, phát triển sự nghiệp cá nhân, không tự tin có đủ điều kiện tài chính và thời gian cho con cái.

Muôn vàn lý do

Theo số liệu của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, từ năm 2000 đến năm 2022, tỷ suất sinh của thành phố liên tục giảm. Nếu như năm 2000, tỷ suất sinh là 1,76 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thì đến năm 2022, con số này chỉ còn 1,39.

Chia sẻ với Tri Thức - ZNews, TS.BS Nguyễn Hữu Trung, Trưởng khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, nhận định thực trạng giới trẻ ngại kết hôn, sợ sinh con là vấn đề nhìn thấy rõ trong khoảng một thập kỷ gần đây.

"5-10 năm trở lại đây, người trẻ dần trở nên ngại chuyện kết hôn. Cùng với sự phát triển của các phương pháp hỗ trợ sinh sản (như thụ tinh nhân tạo), ngày càng nhiều sản phụ sinh con khi độ tuổi đã ngoài 35, thậm chí là 40", tiến sĩ Trung nhận xét.

Với chuyên gia, việc các phương pháp hỗ trợ sinh sản ngày một tiến bộ và phát triển là một thành tựu đáng ghi nhân của y khoa đối với xã hội. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến độ tuổi sinh sản của nhiều phụ nữ Việt bị già hóa.

Mai Hoa chỉ là một trong rất nhiều người trẻ quyết định không có con.

Nhưng Mai Hoa (28 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn kiên định với quyết định chưa vội sinh con của mình.

Sau một năm kết hôn, hai vợ chồng cô vẫn chung sống cùng nhà nội do chưa đủ điều kiện kinh tế mua căn hộ riêng. Dù bố mẹ hai bên liên tục giục giã chuyện sinh em bé, cô luôn bỏ ngoài tai, “ậm ừ” cho qua chuyện.

Vì chưa có không gian riêng, Mai Hoa ái ngại khi nghĩ đến chuyện có thêm thành viên. Cô luôn lo lắng rằng sự khác biệt trong quan điểm nuôi dạy con của mình và gia đình chồng có thể gây ra bất đồng.

"Phụ nữ dễ mắc trầm cảm sau sinh. Tưởng tượng đến cảnh vừa cho con bú, vừa tranh cãi với bố mẹ chồng, tôi cảm thấy hoang mang và sợ hãi", Mai Hoa nói.

Hơn nữa, sau 6 tháng nghỉ thai sản, Mai Hoa cũng phải trở lại với guồng quay công việc. Nếu tiếp tục sống cùng gia đình chồng, cô buộc phải để em bé ở nhà cho ông bà nội chăm lo.

Không yên tâm với phương pháp giáo dục của bố mẹ chồng, Hoa đoán rằng cô sẽ lo lắng, bất an, bồn chồn trong suốt 8 tiếng ở công ty.

Hơn nữa, cô và ông xã đang nỗ lực tiết kiệm, dành dụm tiền để mua nhà. Tài chính eo hẹp cũng là nguyên nhân dẫn đến quyết định trì hoãn sinh em bé của Mai Hoa.

“Ai cũng mong con uống sữa, dùng tã giấy chất lượng cao, theo học các bộ môn nghệ thuật từ bé. Tôi không phải ngoại lệ”, Hoa chia sẻ.

Những người trẻ thuộc cộng đồng LGBTQIA+ cũng không muốn nghĩ tới chuyện lập gia đình, chẳng hạn như Tùng Lâm (27 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Tùng Lâm đã chung sống cùng bạn trai hơn 3 năm, nhưng cả hai đều không muốn tổ chức đám cưới hay lập gia đình. Anh biết về lựa chọn nhận con nuôi dưới tư cách cá nhân, song lo ngại về thủ tục pháp lý.

Hiện nay, hôn nhân đồng giới chưa được công nhận ở Việt Nam. Điều này dẫn đến việc các cặp đồng tính chưa có quyền lợi hợp pháp như việc kế thừa, quản lý tài sản hay bảo hiểm y tế như các cặp dị tính.

Nhiều đôi thuộc cộng đồng LGBTQIA+ cũng ngần ngại trong việc xin con vì các thủ tục pháp lý, hoặc lo lắng về việc em bé bị kỳ thị, đối xử thiếu công bằng. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels.

Trong trường hợp có con, quyền lợi nuôi dưỡng và chăm sóc con cũng có thể bị hạn chế. Chẳng hạn, em bé có thể phải đối mặt với khó khăn khi nhập học hay thăm khám tại bệnh viện.

Ngoài ra, Tùng Lâm cũng lo lắng con mình phải chịu sự đối xử bất công khi lớn lên trong một gia đình đặc biệt. Ánh mắt dò xét, tò mò của những người xung quanh dễ ảnh hưởng xấu đến tâm lý, sức khỏe tinh thần của con trẻ trong quá trình trưởng thành.

“Hiểu rằng không thể bảo vệ con 24/7 nên tôi chưa từng nghĩ đến việc có em bé, dù cũng từng mong điều này”, Tùng Lâm chia sẻ với Tri thức - ZNews.

Nỗi sợ sinh con

Theo chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An, nghiên cứu sinh ngành tâm lý học, trường Đại học Sư phạm TP.HCM, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người trẻ ngày càng "lười yêu, cưới muộn, sợ sinh con".

Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An cho rằng người trẻ không nên xem có con là một nghĩa vụ để làm hài lòng bố mẹ, ông bà.

Đầu tiên, anh Tâm An cho biết có một từ khóa được nhiều người trẻ quan tâm trong thời gian qua chính là DINKs - double income, no kids (tạm dịch: gấp đôi thu nhập, không có con). Những người này có quan điểm rằng việc đầu tư cho sự phát triển, sở thích, đam mê của bản thân sẽ tăng lên nếu không phải lo cho con trẻ.

"Đến nay, tư tưởng này vẫn sẽ bị đánh giá là ích kỷ. Song, ai trong chúng ta cũng nhận ra một sự thật rằng quan niệm nuôi con giờ đây không còn là 'đủ ăn, đủ mặc' mà đã chuyển sang 'ăn ngon, mặc đẹp'. Nhưng điều này lại diễn ra trong bối cảnh kinh tế khó khăn, chính vì thế gây ra những áp lực tài chính cho bậc phụ huynh trong tương lai và trở thành lo ngại hàng đầu của họ", anh nói thêm.

Cũng theo chuyên viên tâm lý, khi người trẻ tiếp nhận nhiều kiến thức hơn, đồng nghĩa với việc họ không còn muốn xem con cái như một "cuốn sổ bảo hiểm tuổi già”, nghĩa là không nghĩ đến việc có con chỉ để mong chờ được con trả hiếu, nuôi dưỡng mình.

Vì vậy, khi chưa thật sự cảm thấy sẵn sàng, người trẻ sẵn sàng từ chối việc trở thành cha mẹ.

Theo chuyên viên, trong bối cảnh xã hội Việt Nam, vẫn có những sự xung đột về mặt thế hệ trong việc có hay không có con.

"Theo quan điểm của tôi, lý do 'làm hài lòng bố mẹ, ông bà' không nên trở thành một nghĩa vụ. Việc có con đòi hỏi những người trẻ phải chuẩn bị về mặt tài chính lẫn tâm thế vững vàng, trưởng thành, có kiến thức trong việc giáo dục, nuôi dạy một đứa trẻ phát triển bền vững", anh nói với Tri Thức - ZNews.

Việc thúc ép từ gia đình có thể khiến những phụ huynh trẻ áp lực, mệt mỏi, thậm chí chuyển hóa thành những hành vi tiêu cực trong việc đối xử, nuôi dạy con cái, theo chuyên viên tâm lý.

Theo TS Trung, nhiều người trẻ quan niệm ổn định kinh tế mới đủ điều kiện chăm sóc con.

Tuy nhiên, việc này lại vô tình tạo ra khoảng cách độ tuổi tác rất xa giữa cha mẹ và con cái, sinh ra khoảng cách thế hệ. Lúc này, việc nắm bắt tâm lý con trẻ và giáo dục con cũng khó khăn hơn nhiều.

Theo chuyên gia, phụ nữ nên nghĩ đến chuyện lập gia đình, sinh con trong độ tuổi từ 24 đến 30. Đây là khoảng "thời gian vàng" để sinh con của người phụ nữ khi có thể đáp ứng được nhiều yếu tố về thể chất lẫn tâm lý.

Người trẻ tại các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng "sợ" có con vì nhiều lý do. Ảnh minh họa: Wu Hao/Shutterstock.

Đây không phải là câu chuyện của riêng Việt Nam, mà được ghi nhận ở nhiều quốc gia khác, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra thế hệ Millennial (sinh năm 1981-1996) ngày càng không có hứng thú với chuyện hẹn hò, tần suất quan hệ tình dục cũng ít hơn và độ tuổi kết hôn lần đầu cũng muộn hơn tất cả thế hệ trước đó. Xu hướng này sẽ còn tiếp diễn ở những người ở độ tuổi trẻ hơn.

Năm 2018, độ tuổi trung bình cho kết hôn lần đầu ở Mỹ chạm ngưỡng gần 30 (29,8 đối với nam và 27,8 đối với nữ). Con số đã tăng thêm 5 năm so với số liệu năm 1980, khi mức tuổi trung bình là 24,7 đối với nam và 22 đối với nữ.

Tại Trung Quốc, vấn đề dân số già hóa ngày càng tồi tệ hơn khi tỷ lệ sinh con và kết hôn ở quốc gia này đều đang giảm đáng kể. Tới năm 2030, sẽ có khoảng 1/4 dân số nước này ở độ tuổi trên 60.

Dù chính phủ nước này đã hủy bỏ quy định sinh một con hay đưa ra nhiều chính sách khuyến khích sinh đẻ, tình trạng vẫn chưa được cải thiện là bao.

Theo Washington Post, chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại các thành phố lớn khiến nhiều người trẻ lo cho bản thân có cuộc sống ổn định đã khó chứ chưa nói tới việc “đèo bòng” thêm một hoặc vài đứa trẻ.

Bên cạnh đó, việc các bậc cha mẹ Trung Quốc ngày càng tập trung tiền của vào việc đầu tư giáo dục cho con cái khiến nhiều người trẻ quan niệm phải có kinh tế thật vững mới “dám” có con.

Tại Hàn Quốc, chi phí tốn kém khi nuôi một đứa trẻ, tình trạng thanh niên thất nghiệp cao, số giờ làm việc một ngày nhiều, không có thời gian chăm con cái hay việc các bà mẹ gặp nhiều khó khăn khi theo đuổi sự nghiệp cũng là những nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ xứ kim chi “lắc đầu” khi nghĩ tới việc sinh nở.

Theo cuộc thăm dò ý kiến của một tạp chí tài chính và trang web tuyển dụng, hiện gần 3/4 phụ nữ Hàn Quốc trong độ tuổi 20-40 coi việc kết hôn là không cần thiết.

Trong khi đó, theo báo cáo của The Guardian, tỷ lệ sinh ở Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Có 921.000 em bé được sinh ra vào năm 2018, đây là con số thấp nhất được ghi nhận kể từ năm 1899. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp nước này có tổng số sinh dưới một triệu.

Công việc bấp bênh, chủ yếu là việc làm bán thời gian của nhiều thanh niên Nhật là một trong những nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ nước này ngại sinh con. Bên cạnh đó, đối với một bộ phận có việc làm tốt, ổn định thì lại bị cuốn vào vòng xoáy làm việc đến kiệt sức, không có thời gian dành cho việc hẹn hò, kết hôn hay sinh con.

Mỹ Trinh - Linh Vũ

Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-nguoi-tre-lac-dau-khi-bi-giuc-de-di-cho-chi-post1454916.html