Vì sao Đà Nẵng cứ mưa to là ngập?

Nhiều năm qua, Đà Nẵng thường xuyên đối mặt với tình trạng ngập lụt trong đô thị mỗi khi có mưa lớn.

Ngập nặng sau mưa lớn

Sau hai lần ngập liên tiếp trong các ngày 14 và 17/10, bà Phạm Thị Ba (trú đường Mẹ Suốt, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) phải bỏ ra ba ngày mới dọn dẹp xong nhà cửa.

Đường phố Đà Nẵng ngập nặng trong đợt mưa lớn ngày 14/10/2023

"Nhà ở vùng trũng nên cứ mưa lớn là ngập, vừa rồi nhà tôi bị ngập sâu đến 1,5 mét. Nước dâng rất nhanh, không thể trở tay kịp", bà Ba ngán ngẩm nói.

14/10/2023 cũng là thời điểm tròn một năm Đà Nẵng đón trận mưa và ngập lụt lịch sử gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Năm nay, Đà Nẵng lại có mưa lớn khiến nhiều nơi bị ngập nặng. Đường Hoàng Diệu, đoạn giao Nguyễn Trường Tộ là một trong những vị trí thường xuyên bị ngập sau mỗi trận mưa.

Cụ thể, gần trưa 13/10, sau cơn mưa lớn kéo dài hơn 1 tiếng, đoạn đường này ngập trên 20cm, nước mấp mé tràn lên vỉa hè.

Người dân khu vực này cho biết, chỉ cần mưa lớn là một đoạn dài đường Hoàng Diệu bị ngập khiến giao thông qua vị trí này hỗn loạn.

Đường Nguyễn Văn Linh, một trong những trục chính dẫn ra sân bay Đà Nẵng, hay đường Tôn Đức Thắng, trước bến xe trung tâm Đà Nẵng cũng là những tuyến đường thường xuyên bị ngập. Thậm chí bị ngập sớm hơn những nơi khác.

Còn tại các khu dân cư, khu vực Khe Cạn (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê), khu dân cư ven đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) cũng là những nơi ngập sâu nhất tại Đà Nẵng trong mỗi đợt lụt.

Riêng khu dân cư đường Mẹ Suốt, chỗ ngập cao nhất sâu đến 2m. Trong đợt ngập vừa qua, lực lượng công an, quân đội phải túc trực hỗ trợ người dân bị mắc kẹt. Chính quyền phải sơ tán hàng nghìn nhân khẩu đến nơi an toàn.

Các vùng trũng như khu dân cư đường Mẹ Suốt thường xuyên bị ngập sâu

Theo tìm hiểu, từ tháng 9/2023, để ứng phó với mưa lũ, Đà Nẵng đã đồng loạt ra quân nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước, tổng dọn vệ sinh môi trường.

Tuy nhiên, tình trạng ngập lụt tại Đà Nẵng vẫn nặng nề sau đợt mưa lớn vào hôm 13 - 14/10 vừa qua.

Rà soát bất cập, bảo vệ hạ tầng thoát nước

Theo Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, trên địa bàn thành phố có khoảng 10 điểm ngập úng trọng điểm và một số điểm ngập cục bộ.

Qua rà soát, nhiều tuyến cống thoát nước trung tâm thành phố được xây dựng từ lâu, hiện nay đã xuống cấp. Một số tuyến cống được xây dựng bằng cống gạch vòm, sau này xây bằng đá hộc đã bị sụt lở, tắc nghẽn làm hạn chế khả năng thoát nước…

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Cửu Loan, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng cho rằng, nguyên nhân đô thị Đà Nẵng ngập sau mỗi lần mưa lớn là do hệ thống thu gom nước tắc nghẽn, các trạm bơm công suất thấp lại lệ thuộc vào hệ thống điện, hệ thống hố ga thu nước cũng tắc nghẽn do đất, rác thải sinh hoạt, buôn bán dùng bạt che đậy để ngăn mùi.

Tình trạng ngập lụt đô thị tại Đà Nẵng xảy ra thường xuyên trong những năm gần đây

Hệ thống cấp điện, cấp nước, cáp quang lắp đặt chạy ngang qua cửa thu nước, hố ga, qua cống làm giảm khả năng thoát nước…

"Yếu tố nữa là việc tăng bê tông hóa đô thị, thiếu dư địa để ứng phó việc ngập lụt từ đó dẫn đến tình trạng ứ đọng, ngập nước cục bộ trên mặt đường", ông Loan cho hay.

Theo ông Loan, vai trò kiểm soát, dự báo tầm nhìn tăng trưởng dân số cho từng khu vực ở trung tâm thành phố chưa được chặt chẽ.

"Ví dụ anh ở ngôi nhà 2 - 3 tầng trên khu phố với 4 nhân khẩu. Nay xây dựng lên 10 tầng với gần 60 nhân khẩu và cả khu phố cũng tương tự như thế mà hạ tầng không thay đổi thì không thể đáp ứng được", ông Loan cho biết thêm.

Ngoài ra, ông Loan cho rằng, vai trò giám sát phát triển các khu đô thị mới cũng chưa được thiết thực, chỉ biết xây dựng, còn yếu tố cao độ nền không liên kết, khớp nối được khu vực kế cận, tạo ra thị giác gãy khúc, cao thấp, không dành quỹ đất để tạo hành lang thoát lũ, cống thoát nước vẫn còn chung..

Lực lượng cứu hộ sơ tán người dân vùng ngập nặng đến nơi an toàn

Tại văn bản chỉ đạo công tác phòng chống ngập úng trong đô thị, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đánh giá, các đơn vị vẫn chưa hoàn thành công tác khơi thông, nạo vét cửa thu, cống thoát nước theo phạm vi, phân cấp quản lý. Còn nhiều cửa thu, mương thu bị xây bít hoặc đầy bùn đất hoặc đã bị che đậy, trám lấp, các đơn vị hầu như chỉ tập trung ưu tiên nạo vét, khơi thông tại những khu vực ngập úng…

Chủ tịch Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra tính thông suốt, hiệu quả của hệ thống thoát nước, từ hố ga đến cống thoát nước, bảo đảm không để tái diễn tình trạng trám lấp cửa thu sau khi được khơi thông, nạo vét.

Theo ông Nguyễn Cửu Loan, trước mắt Đà Nẵng cần tập trung vào công tác nạo vét cống thoát nước.

Trong đó, khảo sát toàn bộ các bất cập hiện nay về hệ thống cống thoát nước, đặc biệt tại khu vực đô thị cũ để có phương án cải tạo phù hợp, xử lý nghiêm trường hợp đổ chất thải xây dựng vào hệ thống thoát nước.

Về lâu dài cần đánh giá lại các hiện trạng quy hoạch thoát nước, thoát lũ, giám sát chặt chẽ các công trình thoát nước hạ tầng kỹ thuật xây dựng mới, đầu tư nâng cấp hệ thống công trình thoát cũ, ưu tiên dành quỹ đất mở rộng các hồ điều tiết, trữ nước, không san lấp sông, suối, ao hồ… hạn chế tối đa bê tông hóa.

Trả lời ý kiến cử tri về công tác chống ngập lụt đô thị vào tháng 6/2023, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, thành phố đang lên phương án tổng thể chống ngập úng, dự kiến hơn 1.000 tỉ đồng.
Theo đó, từ nay đến cuối năm sẽ nạo vét các kênh mương, khơi thông cống rãnh. Ngoài ra TP sẽ khơi thông các hồ trong sân bay để dự trữ nước, đầu tư hệ thống thoát nước xung quanh sân bay.
Đối với các dự án thoát nước và thu gom nước thải của thành phố như dự án thoát nước phía đông Sơn Trà, dự án thu gom nước Nguyễn Tất Thành và 2 tháng 9, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng đang hoàn tất các thủ tục để quyết toán và bàn giao.

Vĩnh Nhân

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-da-nang-cu-mua-to-la-ngap-192231020112115682.htm