Về Điện Biên mùa chiến thắng

Những ngày này, cả nước hướng về Điện Biên - mảnh đất cách đây 70 năm đã diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến thắng 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng thắp hương viếng liệt sĩ đồi A1. Ảnh:N. Hà

Tham dự Hội thảo khoa học về 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ do Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng phối hợp với tỉnh Điện Biên tổ chức mới đây, chúng tôi ghi nhận được nhiều câu chuyện xúc động về những người đã góp phần làm nên lịch sử.

Những người góp phần làm nên lịch sử

Cựu chiến binh (CCB) Đường Minh Tỵ, 95 tuổi, được bổ sung cho lực lượng thông tin của Trung đoàn 209 - Đoàn Sông Lô anh hùng (Đại đoàn 312) là nhân chứng đánh địch ngay trận mở màn cứ điểm Him Lam. Ông Tỵ kể lại, đơn vị của ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp đến giao nhiệm vụ đánh cứ điểm Him Lam mở đầu vào chiều 13-3-1954. Sau lệnh của Đại tướng, mọi cán bộ, chiến sĩ đều viết quyết tâm thư, thể hiện ý chí dũng cảm, đánh thắng kẻ thù. Các công việc như: đào hầm, hào, kéo pháo đều diễn ra với phương châm là phải tuyệt đối giữ gìn lực lượng, bí mật, bất ngờ.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã hoàn thành chương trình 5 ngàn ngôi nhà hỗ trợ hộ nghèo cùng nhiều chính sách an sinh xã hội khác, góp phần giảm hộ nghèo của tỉnh xuống còn 25,68%.Cựu chiến binh khắp mọi miền đất nước về thăm di tích Đồi A1 trong những ngày tháng 5 lịch sử.

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Hữu Tài (95 tuổi) trước đây là Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209 - Đoàn Sông Lô, Đại đoàn 312. Ông cho biết, được làm việc trực tiếp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp 2 ngày nhưng giống như “một đợt chỉnh quân thực sự”. Điều này đã củng cố tinh thần quyết tâm đánh giặc và thắng giặc của cán bộ, chiến sĩ Đoàn Sông Lô anh hùng.

Ông Tài cho hay, sau 2 lần Đoàn Sông Lô đề nghị, được Bộ Chỉ huy Đại đoàn 312 chuẩn y và ra lệnh nổ súng vào 14h ngày 7-5; đồng thời lệnh các đơn vị pháo binh của đại đoàn yểm trợ cho Trung đoàn 209 tấn công cứ điểm 507 và thắng lợi sau hơn 1 giờ chiến đấu. Trên đà thắng lợi, trung đoàn tiến công làm chủ cứ điểm 508, 509 - những cứ điểm bảo vệ sở chỉ huy De Castries ở Mường Thanh.

“Thắng lợi các cứ điểm 507, 508, 509 là điều kiện để 15h ngày 7-5-1954, các đại đoàn được lệnh không chờ trời tối, lập tức mở cuộc tổng công kích vào Mường Thanh. Thời cơ đến, Đại đội 360, Trung đoàn 209 đã tới bờ tả ngạn sông Nậm Rốm sát chân cầu Mường Thanh. Trên đà tiến công như vũ bão, Đại đội 360, Tiểu đoàn 130 do Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật dẫn đầu, vượt qua cầu Mường Thanh, xông thẳng vào sở chỉ huy địch, bắt sống De Castries và Bộ Tham mưu địch, kết thúc chiến dịch một cách oanh liệt” - đại tá Nguyễn Hữu Tài nhớ lại.

Quyết định lịch sử và viết tiếp bài ca chiến công

Sở chỉ huy Mường Phăng tọa lạc dưới những tán cây xanh. Đây là “đại bản doanh”, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận vẫn thường làm việc và nghỉ ngơi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng bào Thái ở Mường Phăng vẫn gọi nơi này với tên thân thương là “rừng Đại tướng”.

Cựu chiến binh khắp mọi miền đất nước về thăm di tích Đồi A1 trong những ngày tháng 5 lịch sử.

Trưởng bản Phăng 2, xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ Cầm Văn Tâm kể rằng, ngày diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, cha mẹ thường dặn con nếu gặp người lạ về bản mà hỏi về bộ đội Việt Minh thì phải nói “3 không” (không thấy, không nghe, không biết).

Song có một chuyện mà dân bản ở đây luôn ý thức rõ và bảo vệ chính là hầm Đại tướng và câu chuyện về bức mật thư quyết định vận mệnh dân tộc. CCB Nguyễn Công Dinh, nguyên sĩ quan tác chiến Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ là người được giao trọng trách mang bức mật thư về báo cáo Bác Hồ tại An toàn khu Định Hóa - Thái Nguyên.

Ông Dinh kể lại, khi nhận nhiệm vụ Đại tướng giao, ông luôn nhớ lời căn dặn: “Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, tuyệt đối bí mật, bằng mọi cách phải đưa được thư này cho Bác Hồ. Đi đến nơi, về đến chốn. Thư này mà lộ ra thì rất nguy hiểm. Cố gắng đi càng nhanh càng tốt. Bác Hồ đợt này đang họp, cậu xuống chưa chắc đã được gặp Bác ngay. Nếu chưa được gặp Bác thì xin gặp anh Văn Tiến Dũng, báo cáo với anh Văn Tiến Dũng để anh ấy đưa vào gặp Bác. Nếu Bác chưa tiếp được thì đưa thư đó cho anh Văn Tiến Dũng để anh ấy đưa cho Bác…”.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân đội ta đã huy động 5 đại đoàn tham gia chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ gồm: Đại đoàn 308, Đại đoàn 312, Đại đoàn 316, Đại đoàn 304 và Đại đoàn Công - Pháo 351 cùng hàng ngàn dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, du kích…

CCB Nguyễn Công Dinh kể tiếp: “Xe chúng tôi qua khỏi đèo Pha Đin, qua được Sơn La, Nà Sản, về đến phà Âu Lâu, anh lái phà thấy chiếc xe con thì biết đó là xe chỉ huy nên lái phà vào ngay. Phà qua được nửa sông thì nghe kẻng báo động, lúc đó tôi cũng sợ đấy, nhưng không dám nói. Tôi bảo anh lái xe nổ máy sẵn, khi phà vừa chạm đất xe vọt lên ngay, chạy được mấy chục thước thì nghe bom nổ phía sau thật, nhưng nổ trên sông, chứ không trúng phà - đúng là chuyến đi “có 1, không 2” trong đời mà tôi không thể nào quên”.

CCB Phạm Đức Cư, 94 tuổi, nguyên là cán bộ thông tin thuộc Tiểu đoàn 394, Trung đoàn pháo cao xạ 367, Đại đoàn công pháo 351. Ông trực tiếp tham gia đánh trận Điện Biên Phủ ngay đợt đầu cho đến khi toàn thắng. Nhắc nhớ kỷ niệm về bức mật thư, ông kể: “Khi đơn vị tôi nhận lệnh tham gia Chiến dịch Trần Đình - mật danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi chỉ biết đi mà không biết đi đâu. Mãi sau ngày giải phóng mới biết đó là mật danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ và quyết định lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm thay đổi vận mệnh dân tộc”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường cho hay, phát huy tinh thần “quyết chiến, quyết thắng” Điện Biên Phủ, đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu (nay là Điện Biên và Lai Châu) đã đóng góp nhiều công sức vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Toàn tỉnh có 700 cá nhân xuất sắc; 9 xã điển hình, 38 bản gương mẫu được Trung ương, Khu ủy Tây Bắc và tỉnh khen thưởng về công tác phục vụ chiến đấu.

Kế thừa truyền thống anh hùng trong kháng chiến, ngày nay những địa danh đồi Him Lam, đồi A1, hầm Đại tướng, Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh cùng nhiều địa danh huyền thoại của một thời khói lửa đã trở thành những di tích lịch sử, những điểm du lịch gắn với giáo dục truyền thống cách mạng thu hút nhiều du khách tham quan, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Thanh, người dân thành phố Điện Biên Phủ, xúc động chia sẻ: “Tôi rất tự hào khi được sống tại mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, nơi diễn ra sự kiện trọng đại 70 năm trước nên gia đình luôn ý thức giữ gìn truyền thống, nỗ lực cùng đóng góp xây dựng quê hương”.

Nguyệt Hà

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202405/ve-dien-bien-mua-chien-thang-b4e4af5/