Về đất học Lâm Thao

Người dân Lâm Thao anh dũng trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong lao động, đã sớm ý thức được: 'Nhân bất học, bất tri lý' - Người không học, không hiểu biết.

Dòng họ hiếu học

Với truyền thống lịch sử hơn 500 năm, dòng họ Nguyễn Đình, làng Sơn Dương, xã Phùng Nguyên đã ghi dấu ấn trên bảng vàng học tập những tấm gương như: Anh hùng lao động Nguyễn Thị Chỉ, thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Tường Vân; nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Dung, 6 tiến sĩ, 31 thạc sĩ, 8 chuyên gia đào tạo nước ngoài và 5 học sinh đạt giải Quốc gia, quốc tế các môn Vật lí, Tin học, Toán, Ngữ văn…

Đến thăm gia đình ông Nguyễn Sơn Thủy, làng Sơn Dương vốn có truyền thống nhiều đời theo nghề dạy học. Mặc dù tuổi đã gần 90 nhưng cụ ông râu tóc bạc phơ nói chuyện vẫn rất minh mẫn. Vốn xuất thân cũng là thầy giáo, gia đình ông vẫn theo nề nếp xưa. Theo ông, điều quan trọng nhất là phải giảng giải cho các con, các cháu thấm nhuần tầm quan trọng của việc học. Có lẽ, thấu hiểu những lời răn dạy, các con cháu ông có một người là tiến sĩ kinh tế và hai người là thạc sĩ. Gia đình ông đã 2 lần được vinh danh là gia đình học tập tiêu biểu cấp huyện.

Về đất học, chẳng thể không nhắc đến tấm gương gia đình chị Nguyễn Thị Thoa. Gia cảnh vốn nghèo khó nhưng bản thân chị luôn nhắc nhở, động viên các con cố gắng học tập. Chị nói: “Có thời điểm gia đình ăn không đủ no, nhưng vẫn phải cố gắng để cháu nó đi học vì tôi hiểu phải học thì mới thoát nghèo được”. Không phụ lòng mong mỏi của mẹ, em Nguyễn Tiến Dũng, từng là học sinh Trung tâm GDTX Lâm Thao đã đạt giải Nhất tại Kỳ thi Giải toán trên máy tính Casio, Vinacal cấp tỉnh và thi đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, em nằm trong top 10 trong tổng số 300 sinh viên được lựa chọn tu nghiệp tại Nhật Bản.

Từ năm 2003, với mục đích động viên, hỗ trợ con em học hành, dòng họ Nguyễn Đình đã thành lập Ban khuyến học. Từ nguồn đóng góp của các hộ gia đình, gần 20 năm qua, dòng họ duy trì nền nếp: Cứ vào dịp Quốc khánh 2/9 hàng năm con cháu xa gần lại tề tựu để biểu dương, khen thưởng con em có thành tích trong học tập. Phần thưởng không nhiều nhưng rất có ý nghĩa trong việc động viên con em trong họ học hành, phấn đấu; nhắc nhở các gia đình trong họ bên cạnh việc làm kinh tế phải quan tâm, chăm lo việc học hành của con em.

“Qua hoạt động khuyến học anh em, con cháu trong họ đoàn kết, gắn bó hơn. Nền nếp gia phong, tôn ti trật tự, truyền thống trên kính dưới nhường của dòng họ nhờ vậy được giữ gìn”, ông Nguyễn Xuân Thành - Trưởng Ban khuyến học dòng họ Nguyễn Đình chia sẻ.

Lan tỏa phong trào khuyến học

Nhằm đưa hoạt động khuyến học, khuyến tài trở thành phong trào sâu rộng, tích cực tham gia xây dựng xã hội học tập từ cơ sở theo tinh thần xã hội hóa, các cấp Hội khuyến học trên địa bàn huyện đã tích cực triển khai các nội dung như: Hỗ trợ giáo dục trong nhà trường, tham gia xây dựng, phát triển trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, thị trấn; đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập; xây dựng và phát triển quỹ khuyến học và các hình thức hỗ trợ, khuyến khích giáo dục.

Toàn huyện Lâm Thao có 12 hội khuyến học cơ sở với 458 chi hội và ban khuyến học. Trong đó, có 239 ban khuyến học dòng họ; 138 chi hội khu dân cư, 51 chi hội nhà trường, 14 ban khuyến học cơ quan, 16 ban khuyến học các tổ chức khác với tổng số 30.289 hội viện, đạt tỷ lệ gần 30% dân số tham gia - là một trong những đơn vị có tỷ lệ tập hợp hội viên cao nhất cả tỉnh.

Là một trong những đơn vị đi đầu trong phong trào khuyến học, khuyến tài toàn huyện, ông Nguyễn Đình Luận - Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Xã, Chủ tịch Hội Khuyến học cho biết: Hội Khuyến học xã luôn đồng hành cùng các trường học, các tổ chức đoàn thể duy trì và tổ chức tốt các hoạt động khuyến học, khuyến tài.

Cùng với đó, Hội còn phát triển phong trào tự học và giáo dục học sinh ở khu dân cư với những hành động thiết thực như triển khai thí điểm mô hình công dân học tập, phối hợp với chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, từng bước đáp ứng nhu cầu “cần gì học nấy”, học để làm ngay ở cộng đồng nhân dân. Chỉ trong vòng một tháng đầu năm 2021, Hội đã vận động đóng góp xã hội hóa được gần 7,8 tỉ đồng vào Quỹ khuyến học, khuyến tài xã và Quỹ học bổng Hoàng Thị Đức. Bên cạnh việc khen thưởng cho các học sinh có thành tích xuất sắc, Quỹ còn dành 50-60 suất học bổng từ 500-600 nghìn đồng cho các em học sinh nghèo vượt khó hàng năm.

Hoạt động khuyến học đã góp phần tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp giáo dục từng bước phát triển. Đã có nhiều học sinh đạt giải cao qua kỳ thi học sinh giỏi các cấp, nhiều em đã là thủ khoa tại các kỳ thi tuyển sinh, tốt nghiệp THPT trên toàn tỉnh. Cơ sở vật chất từng bước được tăng cường, toàn huyện hiện có 49/49 trường đạt chuẩn Quốc gia, trong đó có 19 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Tự hào là “đất học, đất văn”, mỗi người con Lâm Thao đều luôn nỗ lực cố gắng học tập và làm việc, góp phần xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh. Để rồi đi về đâu ai cũng nhớ, cũng tự hào về một miền quê có truyền thống hiếu học như thế!

Thanh Trà - Tú Anh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-vi-dat-to/202108/ve-dat-hoc-lam-thao-178877