Giúp con tránh khủng hoảng tâm lý trước kỳ thi cuối cấp

Mỗi năm, cứ đến gần kỳ thi cuối cấp là lại có nhiều học sinh mắc các chứng bệnh tâm lý. Không chỉ áp lực do gia đình mà một số học sinh còn tự gây áp lực cho chính mình trong cuộc đua vào những trường tốp đầu.

Ảnh minh họa

Theo tìm hiểu tại một số trung tâm tư vấn sức khỏe tâm thần và tâm lý tại Hà Nội, thời gian này, số người đến để được tư vấn về việc học tập, thi cử khá nhiều. Đa số là những học sinh bị áp lực tâm lý, rơi vào trạng thái lo lắng, khủng hoảng hoặc buông xuôi.

Đưa con đến một trung tâm tư, phụ huynh của em Trần Gia Linh, học sinh lớp 9 tại một trường THCS quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết, từ khi bắt đầu bước vào học kỳ 2, Linh phải tham gia một số cuộc thi khảo sát tại trường. Sau vài bài thi bị điểm thấp, em rơi vào trầm cảm. Linh thường đóng cửa mỗi khi đi học về, không giao lưu với bố mẹ, anh chị em trong gia đình, trốn tránh, ngại giao tiếp với các bạn. Khi thấy có có dấu hiệu trầm cảm, gia đình đã đưa con đi tư vấn sức khỏe tâm thần.

Khi không có phụ huynh ở bên cạnh, một mình trao đổi với bác sĩ chuyên khoa, Linh mới bộc bạch: "Bố mẹ luôn đặt kỳ vọng cao ở cháu, định hướng cho cháu thi vào những trường THPT tốp đầu của thành phố. Mặc dù trước đây cháu là học sinh giỏi của lớp nhưng cháu tự biết lực học của mình. Vì không phải người quá giỏi nên cháu phải học nhiều, học gấp đôi các bạn mới có được kết quả như vậy, song bố mẹ cháu không hiểu. Bố mẹ quá kỳ vọng nên cháu lo lắng, sợ hãi, chỉ sợ nếu không đỗ thì rất xấu hổ".

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Đại Hải trong một buổi tư vấn tâm lý tuổi teen

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Đại Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư và phát triển Tài năng Việt, cho biết, ở giai đoạn này thường có 2 khối học căng nhất là khối 9 thi vào 10 và khối 12 vào đại học.

"Không ít em rơi vào trạng thái không muốn giao lưu và kết nối, đóng mình. Ví dụ một em học sinh lớp 9 rơi vào trạng thái chán đời muốn tự tử. Học sinh này đã tự tử 3 lần không thành, sau đó đóng cửa, bỏ học. Em mất kết nối với gia đình và dựa vào tình cảm với người yêu. Nhưng lại bị người yêu bỏ nên không còn gì để bấu víu. Lời khuyên chung cho phụ huynh là không nên đặt nặng kỳ vọng với con, hãy giúp con có thời gian thư giãn, tạo không khí vui vẻ và tạo điều kiện cho con đi chơi cùng gia đình, bạn bè".

Bên cạnh việc phụ huynh gây áp lực cho con, chuyên gia Nguyễn Đại Hải cũng cho biết, có nhiều trường hợp học sinh tự gây áp lực cho chính mình. Ví dụ em Lê Thanh Tùng, học sinh lớp 12 đang học một trường quốc tế ở Hà Nội. Tùng có mong muốn đi du học tại Mỹ nên hôm nào em cũng tự học đến 1-2 giờ sáng. Lo lắng cho con, phụ huynh phải thức cùng, thấp thỏm chờ đợi và tắt đèn để con đi ngủ vì sợ con học quá nhiều. Tùng có dấu hiệu lo lắng và "cuồng học" trong suốt thời gian dài.

Theo vị chuyên gia này, trong các trường hợp đó, bố mẹ nên cùng con xác định lại mục tiêu. Cần làm cho con hiểu thành quả tốt nhất của cuộc sống không phải là các trường "top" mà chính là sức khỏe, tinh thần. Ngay bản thân phụ huynh cũng phải cần tham vấn chuyên gia tâm lý để biết phương hướng giải quyết các vấn đề cùng con.

Phát hiện sớm dấu hiệu ở con để kiểm soát bệnh tốt hơn

Vậy đâu là thủ phạm khiến học sinh gặp những vấn đề về sức khỏe tâm thần do thi cử? Theo ThS.BS Lê Công Thiện - Trưởng phòng Điều trị tâm thần trẻ em, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia - trước đây nhiều người bệnh đến điều trị có thể vì những lý do như sợ điểm thấp, không thi được, không vào được trường này hay trường kia.

ThS.BS Lê Công Thiện - Ảnh: Đặng Xuân Thắng

Người bệnh thường rối loạn cảm xúc, buồn, căng thẳng hay suy nghĩ. Nhiều nhất là các trường hợp lo lắng, căng thẳng, bi quan, thu mình, ít tiếp xúc, ít tương tác với người khác, nặng hơn là không thích đến trường.

BS Lê Công Thiện cũng cho rằng, quan trọng là phụ huynh không nên gây áp lực cho con mà cần giúp con tìm hướng đi phù hợp với năng lực, làm sao cho con đủ sức khỏe để tham gia các kỳ thi.

Dẫn chứng một số trường hợp, bác sĩ cho biết, đa số người bệnh đến điều trị giai đoạn sớm tại bệnh viện sẽ ổn định trở lại. Các trường hợp điều trị muộn có thể phải điều trị ngoại trú, uống thuốc và tham gia các buổi tư vấn.

"Phát hiện sớm dấu hiệu ở con để kiểm soát bệnh tốt hơn. Thường học sinh rơi vào tình trạng này sẽ có những biểu hiện như học không tập trung, không hoàn thành bài tập, nợ bài... Lúc này, bố mẹ phải nghĩ đến áp lực thi cử. Còn với các biểu hiện khác như căng thẳng, mất ngủ, buồn chán... ở giai đoạn thi cử thì bố mẹ nên cho con ăn đủ chất, thức ăn dễ tiêu hóa, phân bổ thời gian hợp lý để con không rơi vào trạng thái căng thẳng, trầm cảm", bác sĩ Thiện khuyến cáo.

Đồng thời, bác sĩ khuyên bố mẹ nên phối hợp, nghe tư vấn để cùng bác sĩ giải quyết vấn đề của con, không tự ý mua thuốc điều trị sẽ có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.

Hoàng Duy

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/giup-con-tranh-khung-hoang-tam-ly-truoc-ky-thi-cuoi-cap-20240503170833737.htm