VCCI: 60 năm vì sự nghiệp phát triển doanh nghiệp

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng lưu ý, doanh nhân phải tuân thủ pháp luật, đặt lợi ích của doanh nghiệp, cá nhân gắn liền với lợi ích của đất nước, lợi ích cộng đồng.

Ngày 26/4, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống với sự chứng kiến, tham dự và chúc mừng của đông đảo đại diện Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương cùng các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại Lễ Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ghi nhận những đóng góp liên tục, đầy ý nghĩa của VCCI trong chặng đường hình thành, xây dựng và phát triển vừa qua. VCCI đã hoàn thành nhiệm vụ được giao phó, hỗ trợ, thúc đẩy sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

VCCI đã chủ động tham mưu cho Chính phủ trong xây dựng chính sách, hội nhập quốc tế, góp ý phản biện, giám sát, nghiên cứu và công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cũng như hoạt động tư vấn cho Đảng và Nhà nước; thúc đẩy cải cách hành chính, khai thác các hiệp định thương mại tự do…

Đến nay, Việt Nam đã có lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân lớn mạnh, có thể cạnh tranh ở khu vực và trên trường quốc tế. Sự nỗ lực của VCCI cùng cộng đồng doanh nghiệp đã đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế quy mô lớn nhất thế giới, góp phần để nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay…

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với các đại biểu dự Lễ kỷ niệm. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Song song đó, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng đề nghị VCCI tập trung nâng cao năng lực, khắc phục những hạn chế, tồn tại để tiếp tục vươn lên, làm tốt vai trò, chức năng của mình cũng như đóng góp nhiều hơn nữa trong hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển kinh tế; thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; tiếp tục xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân xứng tầm thời đại và hướng tới chất lượng, có ý thức, kiến thức nhằm tham gia cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp…

Thời gian tới, VCCI và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cần nỗ lực hơn nữa, tạo sức mạnh của thương hiệu Việt trên thương trường, hội nhập quốc tế thành công mở rộng liên kết hợp tác với đối tác quốc tế trên tinh thần cùng thành công. Mỗi doanh nhân phải nhận thức rõ vai trò trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đoàn kết, hợp tác với công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh.

Chủ tịch nước lưu ý, doanh nhân phải tuân thủ pháp luật, luôn đặt lợi ích của doanh nghiệp, cá nhân gắn liền với lợi ích của đất nước, lợi ích cộng đồng. Đây là điều kiện để doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững. Mỗi doanh nhân phải nhận thức sâu sắc về pháp luật, biết điều gì đúng nên làm để phát huy, điều gì sai không nên làm.

Chia sẻ với doanh nghiệp, doanh nhân về thách thức, khó khăn đang gặp phải, Chủ tịch nước cho rằng, thách thức này cũng chính là cơ hội để doanh nghiệp doanh nhân đổi mới để trở nên mạnh mẽ hơn, vượt qua khó khăn. Từ đó xây dựng thương hiệu Việt để hàng hóa Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, tròn 60 năm trước, vào ngày 14/3/1963, Đại hội đầu tiên của Phòng Thương mại được tổ chức tại Hà Nội với 93 hội viên đầu tiên. Đại hội đã thông qua Điều lệ, bầu Ban Trị sự và ngày 27/4/1963 Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Quyết định số 58-CP phê duyệt Điều lệ.

Từ đó ngày 27/4 hàng năm đã trở thành ngày Truyền thống Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Sau khi thống nhất đất nước, VCCI đã mở rộng hoạt động trên phạm vi cả nước, bên cạnh việc thúc đẩy ngoại thương. VCCI cũng có thêm nhiệm vụ hỗ trợ phục hồi, phát triển các ngành công nghiệp, tái thiết nền kinh tế sau chiến tranh.

Vì vậy, năm 1982, Phòng Thương mại được đổi tên thành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Từ 93 hội viên ban đầu, đến nay VCCI đã có mạng lưới hội viên toàn quốc gồm trên 200 nghìn doanh nghiệp và trên 200 hiệp hội doanh nghiệp. Tháng 12/2021, Đại hội VCCI lần thứ VII đã đưa ra tầm nhìn: "Doanh nghiệp vững mạnh-Quốc gia thịnh vượng". Để thực hiện điều này, VCCI sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chính sách, tham gia hoàn thiện môi trường thể chế để nuôi dưỡng, phát triển đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp.

Thời gian qua Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp, nhưng còn nhiều việc cần phải làm trong thời gian tới, nhất là tiếp tục hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt trong giai đoạn mới cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng, an toàn để doanh nhân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế an tâm phát triển.

Nhìn lại chặng đường phát triển 60 năm, VCCI tự hào về những đóng góp to lớn, có ý nghĩa tiên phong của các thế hệ hội viên, cán bộ, nhân viên VCCI đối với công cuộc đổi mới, đối với sự phát triển của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. VCCI vinh dự, tự hào đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều Huân chương, phần thưởng cao quý khác, ông Phạm Tấn Công chia sẻ.

Thời gian tới, VCCI sẽ tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy doanh nhân, doanh nghiệp tự nỗ lực vươn lên phát triển, xứng đáng với vai trò là lực lượng nòng cốt trong thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh thúc đẩy phát triển số lượng, cần vun đắp hình thành các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu ngành, những “sếu đầu đàn” dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, góp phần xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập thành công.

Một trọng tâm lớn nữa mà VCCI cùng cộng đồng doanh nghiệp sẽ nỗ lực thực hiện trong thời gian tới, đó là xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh để tự định vị bản sắc và vị thế của mình trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp quốc tế.

Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam cần được xây dựng dựa trên kết hợp những tinh hoa của văn hóa Việt Nam với tinh hoa văn hóa kinh doanh thế giới. Văn hóa phải trở thành sức mạnh mềm, soi đường và tiếp sức cho doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, có vị thế và uy tín ngày càng cao ở trong nước cũng như quốc tế.

Nhân dịp này, VCCI cho ra mắt của Hội đồng Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, với 21 thành viên đầu tiên. Hội đồng có chức năng tập hợp, liên kết, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp lớn, đầu ngành của Việt Nam; mở rộng hợp tác trong và ngoài nước, phát huy vai trò của các doanh nghiệp đầu ngành trong phát triển các ngành, địa phương và dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Qua đó, góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.

Hội đồng có 3 đồng Chủ tịch là: Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, Chủ tịch Tập đoàn THACO Trần Bá Dương và Chủ tịch FPT Trương Gia Bình. Hội đồng được thành lập trên cơ sở nhóm công tác doanh nghiệp đầu ngành đã được Ban Chấp hành VCCI thành lập từ ngày 26/5/2022, do ông Trần Bá Dương làm Trưởng Nhóm./.

Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/vcci-60-nam-vi-su-nghiep-phat-trien-doanh-nghiep/289235.html