Vào mùa lễ hội cầu ngư

Hằng năm, vào cuối tháng 3 âm lịch, bà con ngư dân phường 6, TP Tuy Hòa cùng góp công góp sức tổ chức lễ hội cầu ngư tại đình Phú Câu.

Đoàn tuồng Ngô Mây hát tuồng cổ tại lễ hội cầu ngư đình Phú Câu. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Mới đây, Ban trị sự lạch Phú Câu và bà con ngư dân ở vùng biển được ví là thủ phủ của nghề câu cá ngừ đại dương này, long trọng tổ chức lễ hội cầu ngư truyền thống năm Giáp Thìn. Đây là tín ngưỡng, nét đẹp văn hóa được bà con ngư dân gìn giữ, bảo tồn từ bao đời nay.

Nét đẹp văn hóa dân gian

Ông Mai Văn Loan, Trưởng ban lạch Phú Câu - Chánh tế cho biết: Lễ hội cầu ngư được tổ chức mỗi năm một lần, gồm phần lễ và phần hội. Đây là dịp để bà con ngư dân tỏ lòng tri ân thần Nam Hải (cá Ông) đã cứu giúp ngư dân qua các cơn hoạn nạn trên biển, cũng như tưởng nhớ các vị thành hoàng, tiền hiền đã có công lập làng, rèn luyện nghề cá và giữ nghề truyền thống.

Lễ hội cầu ngư tại đình Phú Câu có từ lâu đời, mang đậm nét đẹp văn hóa dân gian. Đây là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của ngư dân nơi đây.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, ngư dân phường 6

Năm nay lễ hội diễn ra từ 15-19/3 âm lịch, gồm các nội dung: Lễ thỉnh sắc nhập án, tiếp nghinh thần về nhập án ở đình Phú Câu... Phần hội với chương trình biểu diễn hát bội do đoàn tuồng Ngô Mây (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) biểu diễn. Trong đó, một trong những nghi thức không thể thiếu, đó là hát bả trạo, còn gọi là hò đưa linh, chèo cầu ngư, hát bạn chèo đưa Ông.

Đây là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian tổng hợp nhiều làn điệu dân ca như: hò, vè, lý, hát tuồng, nói lối… mang tính chất nghi lễ. “Bả là cầm nắm, trạo là mái chèo. Trong hát bả trạo, lời hát và động tác múa diễn tả lại quá trình đi biển, từ lúc thuyền ra khơi đánh cá cho đến lúc thuyền trở về bình yên. Trong hành trình đó có lúc sóng êm biển lặng, gió mát trăng thanh, buông câu thả lưới…; có lúc phải vất vả chống chọi lại với gió to, sóng cả, giông tố hiểm nguy”, ông Loan giải thích.

Cùng với hát bả trạo do Đội Bả trạo của phường 6 đảm nhiệm, còn có hát bội (hát tuồng) hay còn gọi là hát thứ lễ, hát án. Theo bà Phạm Thị Kiều, Trưởng đoàn tuồng Ngô Mây, chương trình biểu diễn nghệ thuật tuồng cổ được chọn trong số những pho tuồng cổ, như: Tiết Đinh Sang chinh Tây, Huê Thần Nữ dâng Ngũ Linh Kỳ, Tam Hạ Nam Đường, Ngũ Hổ bình Nam, Triệu Tử Long cứu chúa...

“Những năm qua, Đoàn tuồng Ngô Mây vào biểu diễn nghệ thuật tuồng cổ dịp lễ hội cầu ngư tại đình Phú Câu thu hút nhiều người đến xem. Mấy năm trước, sân khấu được dựng tại bãi cát gần cửa Đà Diễn, nay bãi cát không còn nữa, ban lạch dựng sân khấu trước đình Phú Câu”, bà Kiều cho biết thêm.

Ngày diễn ra phần lễ, nhiều ngư dân ngày thường tay thúng tay ghe khoác lên người bộ y phục truyền thống vào vai rước sắc thần từ cửa Đà Diễn nhập đình để hành lễ. Còn trong thời gian diễn ra lễ hội, rất đông ngư dân khu phố Lê Duẩn, Bạch Đằng… và du khách khắp nơi tham gia.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, một ngư dân có thâm niên bám biển ở phường 6 chia sẻ: Lễ hội cầu ngư tại đình Phú Câu có từ lâu đời, mang đậm nét đẹp văn hóa dân gian. Đây là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của ngư dân. Theo tôi biết, gần 100 hộ ngư dân đã đóng góp kinh phí, tham gia. Bởi lễ hội cầu ngư có ý nghĩa rất đặc biệt với bà con dân biển.

Tiếp thêm sức mạnh cho ngư dân

Hàng chục năm nay, vùng biển này trai tráng có sức thì đi câu cá ngừ đại dương, bắt tôm hùm giống, thả lưới mùa cá trích, cá hố.... Ông Phan Thuẩn, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, Trưởng ban tổ chức lễ hội cầu ngư đình Phú Câu cho hay: Lễ hội cầu ngư là dịp để ngư dân cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, luồng lạch thông thoáng, tàu thuyền ra vào an toàn, thuận lợi, bà con ngư dân đánh bắt được nhiều tôm cá trong mỗi chuyến vươn khơi, phát triển kinh tế biển, góp phần giữ gìn vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đồng thời qua đó thắt chặt tình nghĩa xóm làng, tiếp thêm sức mạnh cho những ngư dân ngày đêm bám biển, nuôi trồng thủy sản... Vì vậy, năm nào bà con cũng duy trì nét đẹp văn hóa dân gian này.

Ngồi xem phần hội, ông Trần Văn Thái, ngư dân khu phố Bạch Đằng chia sẻ: Lễ hội cầu ngư của ngư dân vùng biển, gắn với các tín ngưỡng thờ cúng cá Ông, đây là tên gọi tôn kính của ngư dân dành riêng cho cá voi, loài cá thường giúp con người vượt qua những hiểm nguy khi lênh đênh trên biển cả. Theo bà Phan Thị Bé, Phó Chủ tịch UBND phường 6, lễ hội cầu ngư đình Phú Câu là nghi thức tín ngưỡng truyền thống được bà con ngư dân địa phương giữ gìn, bảo tồn và phát huy từ bao đời nay. Ban lạch Phú Câu tổ chức lễ hội đảm bảo nội dung, hình thức, trật tự an toàn xã hội, thực hiện đúng chương trình đã đăng ký.

MẠNH HOÀI NAM

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/316085/vao-mua-le-hoi-cau-ngu.html