Vang mãi bản hùng ca

Ca khúc truyền thống cách mạng là dòng nhạc tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam ra đời từ sau năm 1945. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, âm nhạc đã đồng hành suốt chặng đường đầy gian nan máu lửa, để hàng triệu trái tim cất lên khúc khải hoàn ca 'nước non liền một dải'.

Dư âm khúc tráng ca

Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường những năm thập niên 1980, qua sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi rất yêu thích những bài hát truyền thống cách mạng. Nghe qua vài lần là có thể cùng nhóm bạn hòa tấu, hay cùng say mê đàn hát lại những giai điệu hào hùng bằng cây đàn guitar cũ. Qua đây để cảm nhận rằng, những ca khúc truyền thống cách mạng nói chung, dù trữ tình hay hành khúc đều có giai điệu đẹp, trong sáng, lạc quan, đậm tính anh hùng ca, dễ đi vào lòng người.

Một tiết mục tốp ca múa của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh tại lễ khai mạc Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Bình Phước lần thứ VI năm 2022

Vào thập niên những năm 1990, nhạc truyền thống cách mạng còn được gọi dân dã là “nhạc đỏ”. Gọi theo tên này để phân biệt với các dòng nhạc khác đang thịnh hành tại Việt Nam như: nhạc xanh (blue), nhạc tiền chiến, nhạc bolero và nhiều dòng nhạc khác… Có thể nói, nhạc truyền thống cách mạng là một kho tàng quý giá, gắn liền với 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc Việt Nam. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, nhạc truyền thống cách mạng được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1945-1954, thời kỳ chống Pháp; từ 1955-1975, giai đoạn chống Mỹ cứu nước. Ở 2 giai đoạn này xuất hiện nhiều nhạc sĩ tên tuổi, với hàng trăm ca khúc đã trở thành bất hủ, mang tính kinh điển về học thuật và toát lên lý tưởng cao đẹp của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh ác liệt. Không chỉ để lại dấu ấn sâu đậm trong nền âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX, được lịch sử nước nhà tôn vinh, mà nhạc truyền thống cách mạng còn mãi lắng đọng trong trái tim công chúng yêu nhạc.

Nhạc truyền thống cách mạng được xếp vào dòng nhạc thính phòng. Đề tài chủ yếu nói về tình yêu người lính, tình yêu quê hương, đất nước. Các bài hát đa số theo nhịp điệu hành khúc và trữ tình. Tính chất này rất phù hợp với khí thế hào hùng của thời kỳ kháng chiến, cả dân tộc sục sôi “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Các chiến sĩ hay đoàn văn công chỉ cần một cây đàn guitar hoặc mandolin là có thể cùng nhau đàn hát say sưa trong chiến khu, nơi chiến trường đầy khói lửa.

Mỗi ca khúc truyền thống cách mạng là một câu chuyện được kể bằng âm thanh, hội đủ yếu tố: giai điệu đẹp, cảm xúc, mới lạ, tính trong sáng, lạc quan, ca từ súc tích giàu chất thơ, dễ nhớ, dễ thuộc. Nhạc truyền thống cách mạng đã góp phần quan trọng, khích lệ tinh thần quân và dân ta đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, sau đó là cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 và biên giới Tây Nam 1975-1978. Những nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc truyền thống cách mạng như: nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Văn Cao, Tô Hải, Nguyễn Văn Tý, Phạm Tuyên, Huy Du, Xuân Hồng, Hoàng Việt, Hoàng Vân, Phan Huỳnh Điểu, Chu Minh, Hoàng Hiệp, Hoàng Hà, Trần Kiết Tường...

Với những cống hiến ấy, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Bình Phước khúc hát tự hào

Riêng quê hương Bình Phước, có 2 ca khúc gắn liền với địa danh lịch sử tỉnh nhà, đó là nhạc phẩm “Mỗi bước ta đi” của nhạc sĩ Thuận Yến và “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của nhạc sĩ Xuân Hồng. Hai nhạc phẩm này ra đời vào năm 1965. Trong đó, nhạc phẩm “Mỗi bước ta đi” đã được Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước (nay là Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV)) chọn làm nhạc hiệu của BPTV từ ngay khi tái lập tỉnh năm 1997. Địa danh sóc Bom Bo với âm vang tiếng chày giã gạo nuôi quân của đồng bào S’tiêng năm xưa, giờ đây đã trở thành điểm đến khá nổi tiếng và có một ngôi trường mang tên “Xuân Hồng” - người nhạc sĩ đã chắp bút cho nhạc phẩm.

Ca sĩ Thanh Xuân, Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Bình Phước biểu diễn ca khúc cách mạng trong một sự kiện của tỉnh

Không thể không nhắc đến các nhạc sĩ thời còn tỉnh Sông Bé cũ. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đã có nhiều cây viết nổi bật và gắn bó với phong trào văn nghệ địa phương. Có thể kể đến như các nhạc sĩ: Phan Huỳnh Điểu với “Sông Bé đêm ngát hương”; Giáp Văn Thạch với “Cánh hoa bay”, “Quê hương”, phổ thơ Đỗ Trung Quân; Võ Đông Điền với “Anh sẽ về thăm lại quê em”; Lê Trung Hiếu với “Thành phố miền cao”, lời Trung Tín; Đặng Quang Vinh với “Hát về một dòng sông”…

Năm 1997, tỉnh Bình Phước được tái lập. Miền đất mới thời kỳ xây dựng, phát triển và hội nhập đã xuất hiện thêm những nhạc sĩ mới, sáng tác nhiều ca khúc về quê hương Bình Phước, nhận được tình cảm nồng nhiệt của khán, thính giả trong và ngoài tỉnh, như các nhạc sĩ A Khuê với “Chiều xuân Thác Mơ”; Hữu Xuân với “Bình Long một khúc ca dao”; Quang Vượng với “Quê hương biết mấy tự hào”; Đức Hòa: “Chào xuân Bình Phước”; Trần Đức Lâm: “Hạt vàng quê hương”; Nguyễn Quang Thuyết với “Ánh mắt S’tiêng”, lời Thanh Nga; Nguyễn Quốc Bảo với “Đêm trăng Bình Phước”; Mai Quảng với “Hát bên rừng cao su”; Nguyễn Hải với “Về miền yêu thương”; Trần Đinh Lăng với “Suối tình Đăk Ka”; Trần Cao Vân với “Dệt thổ cẩm”… và nhiều nhạc sĩ khác. Tính đến nay có trên 200 ca khúc viết về quê hương Bình Phước, đã được BPTV dàn dựng thu âm, ghi hình, quảng bá trên sóng phát thanh, truyền hình trong suốt nhiều năm qua.

Có thể nói, những nhạc sĩ thế hệ tiền bối, đã để lại hàng trăm ca khúc cách mạng, có tính kinh điển, mang tầm thời đại và cả giá trị lịch sử. Những nhạc phẩm đã ghi dấu ấn thời hào hùng đầy cam go thử thách của toàn dân tộc ta, với quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại độc lập, hòa bình cho đất nước. Những nhạc sĩ chính là “những chiến sĩ” luôn đồng hành, sát vai cùng quê hương, đất nước, cống hiến hết mình bằng những giai điệu dạt dào cảm xúc, nhưng cũng là vũ khí sắc bén trên mặt trận văn hóa tư tưởng.

Đức Hòa

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/143391/vang-mai-ban-hung-ca