Ukraine ồ ạt mở 'chiến dịch' kinh tế, tiết lộ điểm bất ngờ khó tin, Kiev không cần lo bị vỡ nợ bởi lý do này

Một điểm bất ngờ đến khó tin trong nền kinh tế Ukraine lúc này - là 'không có nguy cơ vỡ nợ mặc dù nợ công của Kiev đã tăng lên đáng kể', có thể đạt mức cao nhất là 100,7% vào năm 2025.

Ukraine ‘mở chiến dịch’ kinh tế, điểm bất ngờ khó tin, Kiev không cần lo bị vỡ nợ bởi lý do này. (Nguồn: ubn.news)

Tăng trưởng GDP tháng 9/2023 so với tháng 9 năm ngoái của Ukraine - quốc gia đang chìm trong cuộc xung đột quân sự với Nga là khoảng 9,1%.

Như vậy, nền kinh tế Ukraine tiếp tục phục hồi bất chấp cuộc xung đột đã kéo dài hơn một năm qua với Nga. Nhờ tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng 9 vừa qua, mà trong giai đoạn tính từ tháng 1 đến tháng 9/2023, mức tăng trưởng của nước này ước đạt 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Bộ Kinh tế Ukraine, trong tháng 9, hầu hết các hoạt động kinh tế trọng điểm đều có kết quả tích cực.

“Tôi muốn lưu ý rằng, nhờ các chương trình của chính phủ nhằm kích thích phát triển kinh doanh, hoạt động kinh tế đang phục hồi ở nhiều lĩnh vực sản xuất. Nhìn chung, lĩnh vực sản xuất vốn chịu tổn thất và tàn phá nặng nề đang dần phục hồi", Phó Thủ tướng thứ nhất, Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko cho biết.

Lĩnh vực dịch vụ cũng đã đóng góp tích cực đáng kể vào GDP trong tháng 9. Trong đó, có sự kết hợp của nhiều yếu tố.

Đầu tiên, đó là lĩnh vực dịch vụ thương mại, hiện được số hóa và linh hoạt hơn trong hoạt động, do đó nhanh chóng thích ứng với điều kiện và nhu cầu mới của thị trường.

Thứ hai, lĩnh vực dịch vụ cũng bao gồm hành chính công và quốc phòng - là những lĩnh vực được ưu tiên tài trợ trong thời kỳ diễn ra xung đột quân sự với Nga.

Bộ trưởng Svyrydenko lưu ý, trong tháng 9, các công ty chế biến thực phẩm đã đạt được tăng trưởng sản lượng ấn tượng. Kết quả này đạt được trong bối cảnh cơ sở nguyên liệu thô từ sản xuất nông nghiệp ngày càng gia tăng và hình thành các tuyến cung ứng mới.

Động lực tích cực cũng được thấy trong các ngành chế tạo máy và vật liệu xây dựng, nơi tăng trưởng được thúc đẩy bởi các dự án tái thiết, bao gồm cả chương trình eHome của chính phủ Ukraine. Tiếp sau đó là sự tăng trưởng bất ngờ trong ngành khai thác mỏ, được giải thích là do mục tiêu tăng trữ lượng than và khí đốt cho mùa Đông.

Đồng thời, “chiến dịch” sửa chữa các cơ sở phát điện và lưới điện, lưới điện bị hư hỏng vĩnh viễn do chiến sự ở một số khu vực và điều kiện thời tiết ấm áp bất thường đã “ủng hộ”đã việc tăng cường sản xuất, đồng thời hạn chế tiêu thụ điện năng (so với tháng 9/2022).

Cũng theo Bộ Kinh tế Ukraine, vấn đề an ninh, tình trạng các cơ sở sản xuất bị phá hủy tại một số doanh nghiệp (chủ yếu ở miền Đông) và những hạn chế về hậu cần đối với các nhà xuất khẩu vẫn là những hạn chế lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế Ukraine trong tháng 9.

Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP của Ukraine trong 9 tháng qua, kết hợp một số yếu tố thuận lợi đang là cơ sở để Kiev đặt ra kỳ vọng tăng trưởng năm 2023 đạt 4-5%.

Trước đó, trong khuôn khổ cuộc họp thường niên của Nhóm Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các định chế tài chính hàng đầu này kỳ vọng, GDP của Ukraine sẽ vượt dự báo nhờ những nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi hoạt động kinh tế. IMF dự kiến mức tăng trưởng năm 2023 của Ukraine sẽ dao động từ 1% đến 3%.

Trong đó, Đại diện IMF cũng bày tỏ sự tin tưởng vào việc triển khai gói hỗ trợ quốc tế trị giá 115 tỷ USD cho Ukraine trong 4 năm tới, đúng như cam kết của IMF và các nước thành viên.

Ngoài ra, có một điểm bất ngờ đến khó tin trong nền kinh tế Ukraine lúc này - là “không có nguy cơ vỡ nợ mặc dù nợ công của Kiev đã tăng đáng kể”. Theo nhận định của chuyên gia tài chính Serhiy Fursa có trụ sở tại Ukraine, do nhu cầu vay thêm thường xuyên, nợ công của Ukraine chắc chắn sẽ tăng lên cả về số lượng tuyệt đối lẫn quy mô GDP quốc gia.

“Nếu trong giai đoạn bình thường, tôi sẽ nói đây sẽ là một vấn đề. Chúng ta đã quen với việc phải sống với khoản nợ khoảng 50-60%. Nhưng trong một cuộc xung đột quân sự đang diễn ra, đòi hỏi nguồn lực khổng lồ mà chúng ta không thể làm gì được. Tuy nhiên, thậm chí đến cuối năm sau, nợ công cũng chỉ đạt khoảng 100% GDP. Và con số này thấp hơn số nợ tích lũy của một số quốc gia ở Nam Âu”, theo phân tích của chuyên gia tài chính Serhiy Fursa.

Vị chuyên gia này cho rằng, không có sự tăng trưởng nợ đáng kể nào có thể khiến nước này bị coi là vỡ nợ. Chẳng hạn, Sri Lanka – quốc gia hiện đang đàm phán tái cơ cấu nợ - “Chương trình của IMF... với những cải cách phức tạp... và mục đích là đạt được khoản nợ ở mức 95% GDP trong 10 năm”.

Đó là lý do, nhà phân tích tài chính Serhiy Fursa kết luận, trong bối cảnh xung đột quân sự vẫn đang tiếp diễn, kinh tế Ukraine vẫn đang tốt hơn nhiều so với Sri Lanka.

Đồng thời, ông nhắc lại rằng, phần lớn hỗ trợ tài chính mà Ukraine nhận được từ các đối tác quốc tế, bao gồm hỗ trợ tài chính từ Mỹ, là tiền trợ cấp nên họ không phải hoàn trả.

Còn đối với các khoản vay nhận được từ EU, dù cần phải trả lại nhưng sẽ không trở thành gánh nặng cho đất nước này. Bởi các khoản hỗ trợ đều được trao cho Ukraine với các điều kiện ưu đãi - lãi suất thấp trong thời hạn 30 - 35 năm. Trong khi đó, 10 năm đầu tiên sẽ được xóa bỏ bằng các khoản chi tiêu khác của EU.

Ngoài ra, với một số lý do, theo vị chuyên gia này, “có vẻ như trong vòng 10-15 năm tới, những khoản nợ này sẽ không còn là vấn đề gì nữa đối với Ukraine”.

Trước đó, IMF dự tính, tổng nợ công của Ukraine sẽ tăng lên 88,1% GDP vào cuối năm 2023, tăng lên 98,6% vào năm sau và cao nhất là 100,7% vào năm 2025, sau đó sẽ bắt đầu giảm dần.

(theo Ukrinform)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ukraine-o-at-mo-chien-dich-kinh-te-tiet-lo-diem-bat-ngo-kho-tin-kiev-khong-ca-n-lo-bi-vo-no-bo-i-ly-do-na-y-247495.html