Ukraine lo tên lửa ATACMS Mỹ mới chuyển giao sẽ sớm bị Nga khắc chế

Quan chức Ukraine thừa nhận họ chỉ có khoảng thời gian ngắn để tận dụng ưu thế của tên lửa tầm xa ATACMS vừa được Mỹ chuyển giao, trước khi Nga tìm ra phương án khắc chế.

Một quan chức Mỹ (giấu tên) hôm 24/4 tiết lộ, loạt tên lửa đạn đạo ATACMS nằm trong gói viện trợ quân sự khẩn cấp cho Ukraine trị giá 300 triệu USD được Tổng thống Joe Biden phê duyệt hồi tháng trước.

"Ông chủ Nhà Trắng yêu cầu bí mật bổ sung tên lửa vào gói viện trợ, nhằm bảo đảm an ninh tác chiến và yếu tố bất ngờ cho Kiev", người này cho hay.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan sau đó xác nhận "số lượng đáng kể" tên lửa loại này đã được chuyển đến Ukraine, nhưng cảnh báo "không vũ khí nào có thể trở thành viên đạn bạc" đủ sức thay đổi cục diện chiến sự.

Mới đây, ông Ivan Stupak, cố vấn Ủy ban An ninh, Quốc phòng và Tình báo của quốc hội Ukraine, hôm 2/5 cho biết nước này đang phải chạy đua với thời gian để tận dụng tối đa ưu thế của ATACMS.

Ông Ivan Stupak nhấn mạnh rằng, lực lượng Nga bắt đầu vòng lặp "hứng chịu thiệt hại nặng và tìm ra biện pháp đối phó vũ khí mới của đối phương".

"Tất cả đều biết quân đội Nga có khả năng thích ứng trong thời gian rất ngắn. Chúng tôi còn khoảng 2 tháng để tập kích mục tiêu nhiều hết mức trước khi họ tìm ra cách đối phó", ông Ivan Stupak nói.

"Hãy nhìn vào đạn pháo dẫn đường Excalibur cỡ nòng 155 mm, độ chính xác của chúng đã giảm mạnh từ 70% xuống còn 6% do các hệ thống tác chiến điện tử Nga", ông Ivan Stupak dẫn chứng.

Một số dấu hiệu cho thấy Moscow đã bắt đầu phản ứng, khi quân đội Nga hôm 30/4 thông báo đánh chặn 6 tên lửa ATACMS dường như đang bay tới Crimea.

Washington cùng đồng minh từng chuyển giao và cam kết cung cấp nhiều vũ khí hiện đại cho Kiev, trong đó có pháo phản lực HIMARS và đạn tên lửa ATACMS.

Mỹ hồi tháng 9/2023 bắt đầu chuyển giao biến thể M39 Block I của tên lửa ATACMS có tầm bắn khoảng 165 km cho Ukraine.

Biến thể này nặng hai tấn, mang đầu đạn chùm chứa 950 quả đạn con M74, được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính, có thể khai hỏa từ pháo phản lực HIMARS và MLRS M270.

Hệ thống dẫn đường quán tính và không có thiết bị định vị vệ tinh khiến tên lửa này miễn nhiễm với các biện pháp chế áp điện tử của Nga tiến hành, vốn từng khiến bom dẫn đường JDAM-ER và rocket HIMARS của Ukraine đánh trượt mục tiêu.

Giới chức và chỉ huy quân đội Ukraine từng nhiều lần kêu gọi Mỹ viện trợ phiên bản M39A1 Block I có tầm bắn 300 km để tập kích các mục tiêu của Nga nằm cách xa tiền tuyến.

Biến thể này sử dụng đầu đạn chùm chứa 300 đạn con M74 và chỉ nặng bằng một phần ba so với đầu đạn của M39 Block I, đồng thời bổ sung hệ thống định vị vệ tinh để tăng độ chính xác.

Mỹ ban đầu từ chối chuyển mẫu ATACMS tầm bắn 300 km do lo ngại Ukraine tập kích sâu vào lãnh thổ Nga, làm leo thang chiến sự và dẫn đến xung đột trực tiếp giữa Nga và phương Tây.

Quan chức Mỹ giấu tên nói rằng Mỹ thay đổi thái độ sau khi "Nga sử dụng tên lửa đạn đạo Triều Tiên hồi cuối năm 2023 và mở chiến dịch tập kích hạ tầng thiết yếu của Ukraine".

Quân đội Mỹ cuối tháng 1 cũng tìm ra phương án bảo đảm khả năng chiến đấu, giúp chính quyền Tổng thống Biden thúc đẩy nỗ lực cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine.

Vị quan chức này cho biết, ông Biden được Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Ngoại trưởng Antony Blinken và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Charles Brown khuyên gửi tên lửa tầm xa cho Ukraine.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích động thái này là "một sai lầm khác của Mỹ".

Tổng thống Putin tuyên bố, những tên lửa này của Mỹ không thể thay đổi tình hình trên chiến trường, mà chỉ kéo dài nỗi đau của Ukraine.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ukraine-lo-ten-lua-atacms-my-moi-chuyen-giao-se-som-bi-nga-khac-che-post575180.antd