Ukraine cược lớn vào chiến lược mới sau cuộc phản công thất bại

Mỹ và Ukraine đang đánh giá lại chiến lược chiến trường sau khi cuộc phản công của Kiev không đạt kết quả như kỳ vọng. Washington và Kiev bên đang xây dựng kế hoạch mới cho năm 2024 nhưng vẫn chưa thống nhất về các chi tiết cụ thể.

Các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ và Ukraine đang tìm kiếm một chiến lược mới có thể bắt đầu thực hiện vào đầu năm 2024 nhằm thay đổi tình thế của Kiev trên chiến trường.

Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine đã đến Washington hôm 11/12 để sắp xếp các cuộc gặp trong tuần này với Tổng thống Joe Biden và Quốc hội Mỹ, thảo luận về hướng đi tiếp theo. Hai nhà lãnh đạo đã cố gắng thể hiện sự đoàn kết và nhất trí tăng cường hỗ trợ cho Kiev vào thời điểm quan trọng, cả trên chiến trường ở Ukraine và trên Đồi Capitol của Mỹ.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: NY Times

Đảng Cộng hòa tại Mỹ hiện phản đối với việc tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Ukraine. Trong khi đó, một số quan chức cấp cao của Mỹ bày tỏ lo ngại nếu bế tắc trên chiến trường Ukraine kéo dài sang năm 2024, Nga sẽ giành được lợi thế.

Quân đội Nga hiện đang xây dựng lại sức mạnh của họ. Moscow hiện đã có thêm quân, đạn dược và tên lửa, đồng thời tăng cường lợi thế về hỏa lực với đội UAV chiến trường.

“Chúng ta không thể để Nga thắng. Bất kỳ sự gián đoạn nào trong việc viện trợ cho Ukraine của chúng tôi rõ ràng sẽ củng cố vị thế của Moscow”, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh vào tuần trước khi thúc giục Quốc hội thông qua gói viện trợ mới cho Ukraine.

Ukraine muốn cược lớn

Mỹ đang đẩy mạnh việc cố vấn quân sự trực tiếp cho Ukraine khi cử một vị tướng 3 sao tới Kiev với thời gian ở trên thực địa nhiều hơn so với trước đây. Các quan chức quân đội Mỹ và Ukraine hy vọng sẽ vạch ra các chi tiết về chiến lược mới vào tháng tới trong một loạt cuộc tập trận dự kiến được tổ chức tại Wiesbaden, Đức.

Theo New York Times, Mỹ muốn thúc đẩy một chiến lược bảo thủ, tập trung vào việc nắm giữ lãnh thổ mà Ukraine đang kiểm soát, đào sâu và xây dựng nguồn cung cấp cũng như lực lượng trong suốt cả năm.

Kiev muốn tiếp tục tấn công trên bộ hoặc tấn công tầm xa, với hy vọng thu hút sự quan tâm của thế giới.

Tuy nhiên, đây là một ván cược rất lớn. Các quan chức Mỹ cho rằng, nếu không có chiến lược mới và nguồn tài trợ bổ sung, Ukraine có thể thua trong cuộc xung đột hiện nay. Moscow đang đặt cược vào việc Mỹ sẽ giảm bớt hỗ trợ cho Ukraine. Tổng thống Nga Putin gần đây tuyên bố, nếu Ukraine hết đạn do NATO cung cấp, Nga sẽ chiếm ưu thế chỉ trong vài ngày.

Mỹ đã hỗ trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine hơn 111 tỷ USD trong 2 năm qua. Nhiều thành viên đảng Cộng hòa đã tuyên bố phản đối viện trợ thêm cho Kiev, trong khi một số người khác cho biết họ đang xem xét một chiến lược mới trước khi bỏ phiếu cho bất kỳ khoản viện trợ bổ sung nào. Nhiều quan chức Mỹ cảnh báo rằng, Ukraine có thể sẽ phải chiến đấu với ngân sách eo hẹp hơn trong thời gian tới.

Một số chỉ huy của Mỹ muốn Ukraine theo đuổi chiến lược “giữ và xây dựng”, tức là tập trung vào việc giữ lãnh thổ mà nước này kiểm soát và xây dựng khả năng sản xuất vũ khí vào năm 2024.

Washington tin rằng chiến lược này sẽ cải thiện khả năng tự cung tự cấp của Ukraine và đảm bảo Kiev đang ở vị thế có thể đẩy lùi mọi nỗ lực mới của Nga. Mục tiêu là tạo ra một mối đe dọa đủ để khiến Nga phải cân nhắc tham gia vào các cuộc đàm phán có ý nghĩa vào cuối năm 2024 hoặc trong năm 2025.

Trong khi đó, các quan chức Ukraine đang xem xét chiến lược được xây dựng dựa trên các cuộc tấn công sâu vào Crimea vào mùa thu. Kiev đang tìm cách để khiến Nga mất cân bằng thông qua các cuộc tấn công nhằm vào các nhà máy vũ khí, kho vũ khí và tuyến đường sắt vận chuyển đạn dược, đồng thời tạo được những chiến thắng mang tính biểu tượng. Một quan chức quân sự cấp cao của Ukraine từ chối thảo luận về các đề xuất chi tiết nhưng cho biết kế hoạch mới đang được hoàn thiện và “rất táo bạo”.

Tướng Christopher G. Cavoli, tư lệnh hàng đầu của Mỹ ở châu Âu, ngày càng đóng vai trò lớn hơn trong việc phối hợp với các quan chức Ukraine. Lầu Năm Góc cũng đã quyết định cử Trung tướng Antonio A. Aguto Jr., người chỉ huy lực lượng hỗ trợ Ukraine từ một căn cứ ở Đức, đến Kiev trong thời gian dài. Các quan chức Mỹ cho biết Tướng Aguto sẽ làm việc trực tiếp hơn với giới lãnh đạo quân sự Ukraine.

Mặc dù Nhà Trắng quyết định không cử cố vấn quân sự Mỹ thường trực ở Ukraine, nhưng việc Tướng Aguto thường xuyên tới Kiev sẽ dần dần thay đổi hạn chế đó.

Nguồn lực viện trợ sẽ “eo hẹp” hơn

Một trong những vấn đề phức tạp hiện nay là bất đồng giữa Ukraine với các cố vấn Mỹ về mặt trận chủ chốt. Các quan chức Ukraine, trong đó có ông Tổng thống Zelensky, cho rằng khu vực phía Đông là chiến trường quan trọng nhất vì lực lượng Nga tập trung nỗ lực ở đó.

Trong khi đó, Washington cho rằng miền Đông Ukraine, bao gồm cả khu vực Donbass, về mặt chiến lược kém quan trọng hơn so với bờ biển phía Nam.

Mỹ muốn Ukraine tập trung vào phía Nam, phá vỡ hoặc đe dọa sự kiểm soát của Moscow trên dải đất giữa Crimea và Nga. Bộ chỉ huy Ukraine cho rằng những hệ thống phòng thủ của Nga ở hướng này quá kiên cố và khó chọc thủng, việc xuyên qua các bãi mìn ở đây cũng sẽ khiến Kiev chịu thương vong lớn.

Kết quả là Ukraine phân tán lực lượng trên cả hướng Đông và hướng Nam thay vì thực hiện một hướng tấn công chính. Nhưng cuộc phản công trên nhiều hướng đồng thời như vậy đã không mang lại đột phá, thậm chí khiến tình hình trở nên bế tắc.

Chiến dịch phản công năm 2023 không phải là một thất bại hoàn toàn. Washington đánh giá tích cực về cuộc tấn công của Ukraine vào Crimea, cho rằng nó đã chứng tỏ sự nguy hiểm của Kiev khi gây ra thiệt hại cho Hạm đội Biển Đen và các sở chỉ huy quân sự của Nga. Các chiến lược gia Mỹ tin rằng Ukraine có thể tiếp tục phát huy thành công đó trong năm 2024.

Tại căn cứ quân sự Mỹ ở Wiesbaden, Đức, các chỉ huy cấp cao của Mỹ, bao gồm Tướng Cavoli và Tướng Aguto, đã gặp hai quan chức hàng đầu của Ukraine vào tuần trước để thảo luận về những nét chung của chiến lược trong năm tới.

Cả Washington và Kiev đều không tiết lộ chi tiết kế hoạch mới. Nhưng bất kể thỏa thuận cuối cùng là gì, việc thay đổi động lực là rất quan trọng. Theo các nhà phân tích, nếu bế tắc càng kéo dài, việc đảm bảo nguồn viện trợ từ Mỹ sẽ càng khó khăn hơn.

Các quan chức Mỹ cũng đang cố gắng chuẩn bị cho Ukraine trong năm tới và đã nói với Kiev rằng bất kỳ khoản viện trợ nào được Quốc hội phê duyệt đều không thể bằng với những tài trợ mà Washington đã cung cấp trong 2 năm qua.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo NY Times

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ukraine-cuoc-lon-vao-chien-luoc-moi-sau-cuoc-phan-cong-that-bai-post1065240.vov