Tương lai của người máy

Vài năm trở lại đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, khái niệm về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư càng trở nên quen thuộc. Bên cạnh niềm vui công nghệ đột phá tạo điều kiện cho các quốc gia ứng phó và xử lý hiệu quả hơn các thách thức toàn cầu, an ninh, kinh tế, xã hội… thì viễn cảnh máy móc tự động hóa, robot (người máy), trí tuệ nhân tạo (AI)… sẽ dần thay thế con người cũng đã gây ra những bất an với nhiều người.

Có thể nói đại dịch Covid-19 đã tác động lớn, làm thay đổi toàn bộ cấu trúc vận hành của nền kinh tế toàn cầu, phát lộ ra nhiều vấn đề và xu hướng mới, trong đó có máy móc, robot hóa dây chuyền sản xuất tại nhiều doanh nghiệp để ngăn chặn đứt gãy chuỗi sản xuất đã làm thay đổi nền tảng, thúc đẩy các nền kinh tế truyền thống chuyển đổi sang kinh tế tri thức và đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, để máy móc, robot thay thế con người hoàn toàn thì lại là vấn đề không nhỏ, không dễ.

Rào cản trước tiên sẽ là giá thành. Chi phí cho robot hoạt động đắt hơn lao động chân tay thì liệu có thay thế con người hoàn toàn được không? Rào cản tiếp đó là về phương diện xã hội, nếu robot hóa các nhà máy thì vai trò của người lao động giải quyết ra sao? Lao động dư thừa bỏ đi đâu? Vấn đề xã hội này là một rào cản nhạy cảm mà nếu nhìn lại trong lịch sử thế giới với các cuộc cách mạng công nghiệp trước cũng không dễ dàng vượt rào được ngay. Đơn cử như ở nước Anh thời phát minh ra động cơ hơi nước thì máy móc cũng phải mấy thập kỷ sau mới áp dụng được trong các ngành như dệt may.

Sự phát triển của khoa học công nghệ đã nâng cấp các phiên bản robot ngày càng hiện đại và “giống người” hơn. Chúng có thể làm thay con người nhiều việc, kể cả lao động trí óc, như robot tích hợp trí tuệ nhân tạo chatGPT xuất hiện gần đây. So với con người, robot tuy có những khả năng vượt trội: làm việc không biết mệt mỏi, chịu được môi trường độc hại... nhưng robot vẫn không thể so sánh được với con người. Công nghệ cho dù có tiến bộ đến đâu thì cũng không dễ dàng để robot có sự sáng tạo độc lập. Con người sinh ra đã có cảm xúc, robot không thể có cảm xúc như con người.

New York Post ngày 27.12.2023 đưa tin: vào năm 2021, một kỹ sư phần mềm của hãng xe điện Tesla bị thương nặng do bị một robot hoạt động sai chức năng tấn công.

Robot là sản phẩm của con người tạo ra, vậy con người có dùng nó để chống lại hay gây hại cho con người không? Theo suy nghĩ của tôi, robot sẽ không phải là lực lượng lao động chính yếu trong xã hội, không thay thế được hoàn toàn con người. Robot chỉ sản xuất được những sản phẩm, những khâu ráp nối, theo lập trình sẵn và với sản phẩm giống nhau y như một, còn những sản phẩm tinh xảo, vẫn phải dùng óc sáng tạo, bàn tay con người.

Ngay tại Mỹ, nơi tự động hóa nền sản xuất rất cao, nhiều ngành tưởng rằng có thể robot hóa nhưng rồi vẫn không làm được. Nguyên nhân là sức ép việc làm quá lớn. Đến nay, chúng ta vẫn còn thấy nhiều cuộc biểu tình phản đối toàn cầu hóa diễn ra ở Mỹ, một phần nguyên nhân cũng vì vấn đề này. Hơn nữa, về chi phí, máy móc hiện nay vẫn chưa rẻ hơn so với nhân công và máy móc cũng chưa linh hoạt như con người. Đơn cử như nước Mỹ, một trong những quốc gia có nền sản xuất công nghệ hàng đầu thế giới nhưng họ cũng chưa robot hóa thay thế triệt để con người. Nhiều hãng của Mỹ vẫn phải mở nhà máy ở các nước như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia... để gia công sản phẩm của họ.

Khi tôi làm cố vấn cho Nike, doanh nghiệp Mỹ chỉ tham gia hai khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm là thiết kế và phân phối. Một đôi giày Nike, ví dụ có giá 100 USD, các hãng gia công tham gia vào chuỗi chỉ hưởng lợi 10 - 20 USD, còn khâu thiết kế, phân phối của doanh nghiệp Mỹ kiếm được 80 - 90 USD. Bây giờ thử đặt giả thiết họ mua robot để đưa nhà máy gia công về Mỹ để thu trọn thì liệu họ có làm không? Việc gì họ phải đi tự động hóa khi khâu gia công đang chiếm giá trị gia tăng quá thấp, trong khi đầu tư máy móc lại tốn chi phí quá lớn.

Một đơn cử khác tại nước Nhật, các nhà máy ô tô như Toyota có tỷ lệ tự động hóa hầu như gần hết nhưng cũng không thể hoàn toàn. Họ vẫn chuyển những khâu gia công giá trị thấp sang các nước thứ ba như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc... để giảm chi phí, giá thành. Rõ ràng, với việc sản xuất những chi tiết quá phức tạp hoặc đòi hỏi sáng tạo, hay một sản phẩm phụ có giá thành thấp mà lại lựa chọn cách đầu tư máy móc hay robot thì quá tốn kém. Phương án cuối cùng vẫn là bàn tay con người. Kỹ thuật có thể ngày càng tiến đến tự động hóa nhưng sản phẩm làm ra từ máy móc sẽ không rẻ hơn, lợi thế hơn so với con người.

Ở đâu đó người ta nói có hiện tượng doanh nghiệp rút khỏi những nơi có giá trị thặng dư cao, tạo giá trị gia tăng lớn thì cũng không phải là hiện tượng chứng minh máy móc thay thế con người, mà là do các vấn đề thương mại, chính trị của các nước lớn, toan tính chiến thuật, chiến lược. Lẽ thường không ai muốn những sản phẩm giống nhau 100% mà họ muốn những sản phẩm có tính cá nhân hóa, tinh xảo. Vậy, máy móc có thể thay đổi được lập trình nhanh không? Máy móc có tạo ra được những sản phẩm như nghệ nhân, thợ lành nghề hay không? Đó là chưa nói đến tài nguyên toàn cầu để sản xuất ra máy móc, dây chuyền cũng có hạn, ví dụ như sản xuất robot cần có vật liệu cao, đất hiếm, vật liệu hiếm... Thế giới chưa giải được bài toán này.

Robot dù thông minh đến mấy thì vẫn do con người sáng tạo ra và con người chắc chắn sẽ tìm ra phương thức quản lý robot hiệu quả trước khi trí tuệ nhân tạo đạt đến trình độ thông minh tổng quát.

Một con người từ khi có năng lực sản xuất là 15 tuổi, thành thục là từ 18 tuổi, họ có thời gian làm việc chính thức lên 60 tuổi, tức có hơn 40 năm làm việc, thay đổi, thích ứng. Điểm mạnh của con người là năng động, linh hoạt với sự vận động của lịch sử, thời cuộc. Với một cỗ máy, khi người ta tạo ra trong năm này có thể ứng dụng vào sản xuất, đem lại giá trị gia tăng, năng suất cao. Tuy nhiên 3 - 5 năm sau lại có nghiên cứu mới, có máy móc mới, tiết kiệm điện hơn, hiệu quả hơn, doanh nghiệp có dám thay đổi, bỏ hết máy móc cũ đi hay không? Nếu bỏ đi thì máy móc cũ tính sao, nếu doanh nghiệp ôm lấy cỗ máy cũ, lại không gia tăng cạnh tranh được với doanh nghiệp đầu tư máy móc mới. Trong khi đó, mua máy móc mới sẽ phải đặt bài toán chi phí đầu tư, khấu hao, chi phí cố định lớn...

Không nhà tư bản nào muốn đổ lượng tiền vào chi phí cố định lớn cả, đó là rủi ro. Thời thế thay đổi nhanh, vòng đời của các máy móc, robot sẽ rút ngắn và sự lạc hậu sẽ diễn ra nhanh hơn nếu các nhà máy, xí nghiệp ứng dụng hoàn toàn máy móc. Trong khi đó, với lao động là con người, giới chủ không phải bỏ chi phí cố định, chỉ bỏ ra chi phí hàng tháng để nuôi họ, để họ sản xuất và điều chỉnh họ theo cách của mình.

Nếu con người luôn chủ động rèn luyện đôi tay và trí óc thì chúng ta vẫn sẽ luôn giữ vững vị thế làm chủ trên mọi mặt trận. Ảnh minh họa: Tesla

Xu hướng máy móc thay thế con người chắc chắn sẽ diễn ra, nhưng là trong tương lai xa và diễn ra ở những ngành khác nhau, mức độ khác nhau và với những nước khác nhau. Sẽ có một số công việc do robot chiếm lĩnh nhưng cũng sẽ có những công việc chỉ duy nhất con người mới có thể làm. Máy móc vẫn chỉ có tính chất dập khuôn. Một nhà máy mà ứng dụng hết máy móc thì cực kỳ tốn tiền, phải cỡ tập đoàn lớn mạnh mới dám dùng, và cũng chỉ sử dụng robot cho tùy bộ phận, phân xưởng, dây chuyền nào phù hợp. Còn về tính linh hoạt, tính năng động và biến hóa, con người vẫn vượt trội. Con người luôn có lợi thế cho dù xu hướng của thế giới đang đi đến ngưỡng cửa máy móc hóa nhiều phân xưởng, nhiều dây chuyền.

Không thể phủ nhận những lợi ích mà robot nói riêng hay công nghệ nói chung mang lại cho con người. Nỗi lo về sự xâm chiếm của robot là có thật. Thế nhưng nếu xu hướng máy móc, robot thay thế hoàn toàn con người trong các nhà máy, dây chuyền sản xuất diễn ra, thì lỗi đó không phải ở máy móc hay robot mà chính là ở năng lực các quốc gia chưa đào tạo ra được những con người có kỹ năng làm việc có thể cạnh tranh với robot. Nếu con người luôn chủ động rèn luyện đôi tay và trí óc thì chúng ta vẫn sẽ luôn giữ vững vị thế làm chủ trên mọi mặt trận. Sự sáng tạo kết hợp với sự linh hoạt trí tuệ khiến con người trở nên đặc biệt và trở thành sinh vật thành công nhất trên hành tinh này. Dù trong lĩnh vực hay ngành nghề nào, công việc quan trọng nhất mà con người thực hiện sẽ luôn là công việc sáng tạo.

Tương lai của robot là tốt hay xấu còn tùy vào góc nhìn mỗi người. Máy móc hay robot hóa sự phát triển ngành, lĩnh vực sẽ tùy thuộc quốc gia, tùy thuộc nguồn lực mỗi nước. Robot dù thông minh đến mấy thì vẫn do con người sáng tạo ra và con người chắc chắn sẽ tìm ra phương thức quản lý robot hiệu quả trước khi trí tuệ nhân tạo đạt đến trình độ thông minh tổng quát.

Vì thế, sự lo ngại về an ninh con người bởi sự tiến bộ của robot vẫn còn đang ở phía trước. Điều quan trọng là chúng ta cần nhận thức xu thế đó một cách rõ ràng để có sự chuẩn bị phù hợp cho tương lai gần và xa.

GS-TS. Võ Đại Lược

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tuong-lai-cua-nguoi-may-42570.html