'Việt Nam là quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về phát triển năng lượng tái tạo'

Đó là khẳng định của Tiến sĩ Dư Văn Toán - Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Để thực hiện cam kết 'Đạt phát thải ròng bằng 0' vào năm 2050, việc phát triển năng lượng tái tạo là một trong những điểm mấu chốt.

 Tiến sĩ Dư Văn Toán - Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo. (Ảnh: NVCC).

Tiến sĩ Dư Văn Toán - Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo. (Ảnh: NVCC).

PV: Thưa Tiến sĩ, hiện nay Việt Nam đang khai thác và sử dụng những nguồn năng lượng tái tạo nào? và đã có những thành tựu, bước tiến gì?

Tiến sĩ Dư Văn Toán: Ở Việt Nam, các nguồn tài nguyên để khai thác năng lượng tái tạo khá đa dạng, phong phú, điển hình như thủy điện, năng lượng phát điện từ mặt trời, từ sức gió… Ngoài ra, có thể kể đến các nguồn khác như năng lượng từ sinh khối, năng lượng điện nhiệt; trên biển có năng lượng thủy triều, sóng, dòng chảy, thủy nhiệt…

Tính đến năm 2022, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo ở nước ta lên đến 20.626 MW, được đánh giá là một trong những quốc gia phát triển năng lượng tái tạo nhanh trên thế giới.

Chính nhờ sự tiến bộ và giảm giá thành của các loại hình công nghệ phát điện từ năng lượng tái tạo, Việt Nam trong giai đoạn 2019 - 2020 đã có khoảng gần 20 nghìn MW điện mặt trời được lắp đặt và cung cấp vào hệ thống lưới điện quốc gia. Bên cạnh đó, trong 2 - 3 năm gần đây, nhờ chính sách hỗ trợ về giá mà năng lượng gió cũng đạt hơn 5 nghìn MW. Điều này cho thấy nước ta có sự đa dạng về các nguồn năng lượng tái tạo. Trên tổng thể khu vực ASEAN, Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 1, thứ 2 về phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo mới từ gió, mặt trời.

Ngoài ra, chúng ta còn sử dụng thêm nguồn năng lượng sinh khối, có khoảng 400 MW điện sinh khối đã được cung cấp. Trong tương lai, với sự phát triển của công nghệ, nước ta có thể bổ sung thêm nhiều nguồn năng lượng tái tạo mới, đặc biệt, năng lượng gió ngoài khơi đang có tiềm năng lớn trong khai thác và sử dụng. Việc ngành năng lượng tái tạo nói chung tham gia phát điện, sản xuất năng lượng xanh phục vụ lưu trữ, phục vụ phương tiện giao thông… sẽ góp phần thay thế dần các nguồn năng lượng hóa thạch như dầu, khí, than đá… Điều này cũng đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.

PV: Năm 2023, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”. Tại đây, nhiều chuyên gia đã cho rằng cần có một bộ luật riêng về năng lượng tái tạo. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

Tiến sĩ Dư Văn Toán: Theo quan điểm cá nhân, tôi ủng hộ việc nên có một bộ luật về năng lượng tái tạo. Trong đó, cần có các quy định cụ thể về những dạng năng lượng mới như năng lượng gió, năng lượng mặt trời… vì sự đa dạng về công nghệ, thời gian, tần suất phát điện, chúng đều có những đặc thù riêng. Chẳng hạn như điện năng lượng mặt trời ở các trang trại lớn, có thể đạt công suất lên đến hàng nghìn MW. Điện gió cũng vậy, có nhiều dạng khác nhau như điện gió trên bờ, điện gió gần bờ, điện gió ngoài khơi… Bên cạnh đó, năng lượng tái tạo cần có sự liên ngành, kết hợp với nhiều lĩnh vực khác, nhằm ứng dụng một cách hiệu quả các dạng năng lượng vào đời sống thực tế, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ thay đổi liên tục.

Hiện nay, một số quốc gia dẫn đầu thế giới trong việc sử dụng năng lượng tái tạo như Đức, Trung Quốc… đã có bộ luật riêng về ngành này. Việt Nam chúng ta cũng nên xem xét vấn đề trên, ban đầu có thể chỉ là luật dành cho các dạng năng lượng đang khai thác và sử dụng, sau này, khi công nghệ phát triển, các năng lượng khác được đưa vào cuộc sống, sẽ tiến hành bổ sung luật.

Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực ASEAN về phát triển năng lượng tái tạo. (Ảnh: Internet).

Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực ASEAN về phát triển năng lượng tái tạo. (Ảnh: Internet).

PV: Mùa hè năm 2023 miền Bắc phải trải qua một đợt thiếu điện khá nghiêm trọng trên quy mô rộng. Và có một số ý kiến cho rằng, năng lượng tái tạo nên “chịu” một phần trách nhiệm đối với vấn đề này với tư cách là một trong những nguồn năng lượng chính tại Việt Nam? Ông đánh giá như thế nào về nhận định trên?

Tiến sĩ Dư Văn Toán: Nguyên nhân dẫn đến việc thiếu điện khá phức tạp, không riêng ở miền Bắc mà bất kể khu vực nào tại Việt Nam đều có thể xảy ra tình trạng này. Nó xuất phát từ việc hỏng đường dây, thiếu nguồn phát, hoặc hư hỏng cơ sở hạ tầng của ngành điện. Ở miền Bắc, thực sự nguồn năng lượng tái tạo dùng để phát điện không lớn so với toàn Việt Nam. Nếu tính tổng thể về dự trữ năng lượng tái tạo, miền Bắc chỉ chiếm chưa đến ⅓ so với toàn quốc; có tần suất và công suất cũng tương đối yếu.

Tính đến thời điểm hè năm 2023, miền Bắc hầu như không có những trang trại điện mặt trời hay điện gió lớn, chủ yếu là thủy điện, chiếm đến 2/3 nguồn thủy điện của nước ta. Vậy nên, nếu “đổ” tại năng lượng tái tạo nói chung hoặc nói cụ thể ra là năng lượng gió hay năng lượng mặt trời không đủ, hay gây xáo trộn cơ sở hạ tầng điện ở miền Bắc thì cũng không phải.

PV: Ông đánh giá như thế nào về điện gió ngoài khơi? Tại sao nguồn điện này sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với tương lai năng lượng sạch của Việt Nam?

Tiến sĩ Dư Văn Toán: Tính đến thời điểm hiện tại, điện gió ngoài khơi trên thế giới đã phát triển khoảng 30 năm với những dự án ban đầu ở phía Bắc Âu, cũng có những dự án được hình thành, xây dựng và tháo dỡ sau 25 năm phát điện. Như vậy, loại năng lượng này đã được đưa vào thử nghiệm và chứng minh hiệu quả kinh tế tại châu Âu. Gần đây, các tổ chức quốc tế, hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu đã có nhiều cam kết, biện pháp cụ thể để giảm thiểu carbon và thành lập các lưới điện quốc gia về phát triển điện gió ngoài khơi. Việt Nam có sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề này, đồng thời cũng nghiên cứu, xây dựng một lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi của ngân hàng thế giới, đã hoàn thành trong giai đoạn vừa rồi. Chúng ta còn đề xuất được những hợp phần, cấu phần và xử lý các văn bản pháp lý để phát triển điện gió ngoài khơi thành công với giá thành phù hợp cho một giai đoạn dài, từ giờ đến năm 2030.

Theo dự báo của các tổ chức năng lượng, đặc biệt các tổ chức quốc tế từ Liên Hợp Quốc, đến năm 2050, điện gió ngoài khơi sẽ đạt công suất lên đến hàng nghìn MW. Khu vực châu Á, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Việt Nam… là những quốc gia có tài nguyên gió tương đối tốt để phát triển nguồn năng lượng tái tạo tiềm năng này. Chính vì vậy, điện gió ngoài khơi ở Việt Nam gần đây cũng được phê duyệt trong quy hoạch phát triển điện lực VIII (5/5/2023). Nhiều quốc gia xung quanh chúng ta như Singapore, Malaysia còn mong muốn được nhập khẩu điện gió ngoài khơi của Việt Nam, đây cũng là cơ hội để chúng ta có thêm nguồn ngoại tệ…

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Tú Trinh(thực hiện)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/viet-nam-la-quoc-gia-dan-dau-dong-nam-a-ve-phat-trien-nang-luong-tai-tao-711564.html