Từ truyền thống 'nhất gia bán thiên hạ'

Trong suốt chiều dài lịch sử, truyền thống hiếu học của con người xứ Đông xưa - Hải Dương nay luôn là một trong những điểm sáng của giáo dục và đào tạo nước nhà.

Văn miếu Mao Điền - một trong những biểu tượng của đạo học xứ Đông. Ảnh: TC

Tiếp nối truyền thống tôn trọng đạo học của các bậc hiền tài thuở trước, các thế hệ nhà giáo, học sinh, sinh viên của Hải Dương ngày nay đang dốc sức để hiện thực hóa mục tiêu đưa giáo dục tỉnh nhà lên một tầm cao mới.

Chuyện kể rằng có khoa thi thời phong kiến, trong số những người đỗ tiến sĩ có tới một nửa là người làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng (Bình Giang). Vì thế vua Tự Đức từng khen người làng Mộ Trạch "nhất gia bán thiên hạ" (một nhà bằng nửa nước), cũng hàm ý làng Mộ Trạch có nhiều người đỗ đạt. Với cả tỉnh Đông, con số này còn gấp nhiều lần và kéo dài trong suốt chiều dài lịch sử.

Vang danh khoa bảng

"Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao. Nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp". Đó là lời tựa của tấm bia tiến sĩ đầu tiên tại Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Ngược về quá khứ, năm 1075, khoa thi tuyển chọn nhân tài bậc cao đầu tiên của đất nước đã được tổ chức tại Kinh thành Thăng Long và khoa thi cuối cùng về nho học vào năm 1919, các triều đại đã tuyển chọn được nhiều người tài cho đất nước. Trong 9 thế kỷ thi tuyển, nho sĩ Hải Dương đã đạt thành tích thật vẻ vang. Điển hình là khoa thi tiến sĩ năm Thịnh Đức thứ ba (1656), sĩ tử cả nước về Thăng Long dự thi ngót 3.000, kết quả chỉ có 6 người trúng tuyển, thì có 3 người làng Mộ Trạch.

Theo sách "Tiến sĩ nho học Hải Dương", từ khoa thi đầu tiên đến khoa thi cuối cùng, Hải Dương có số tiến sĩ nho học lớn nhất cả nước, tính theo đơn vị tỉnh, thành phố. Sau khi thi đỗ, hầu hết các vị đại khoa đều tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, nhiều người làm nên sự nghiệp lớn, trở thành danh nhân, nêu gương sáng cho đời sau.

Tại Hải Dương còn hiện hữu những công trình, những con đường, những miền quê, di tích gắn với khoa bảng, với tên các vị đại khoa nhiều công trạng với quốc gia. Trong đó phải kể đến Văn miếu Mao Điền ở Cẩm Giàng hay núi Phượng Hoàng và đền thờ thầy giáo Chu Văn An, người không sinh ra tại đây, nhưng lấy Hải Dương làm nơi ẩn cư dạy học rồi để lại tên tuổi cho muôn đời. Ở Chí Linh còn có nữ tiến sĩ đầu tiên của nền khoa bảng Việt Nam - "bà chúa sao sa" Nguyễn Thị Duệ...

Trong lịch sử khoa bảng, nếu Mộ Trạch là "làng tiến sĩ" thì Nam Sách lại là "huyện tiến sĩ". Theo bảng thống kê tiến sĩ nho học các huyện, thành phố, thị xã của Hải Dương, huyện Nam Sách có tới 125 vị, tiếp đến là Bình Giang 101 vị, Cẩm Giàng 50 vị...

Nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê hiếu học

Hải Dương có nhiều học sinh thuộc diện nhà nghèo, mồ côi cha mẹ, bệnh tật, hoàn cảnh éo le… nhưng lại giàu ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên. Em Nguyễn Quang Minh, cựu học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi (Nam Sách) vừa trúng tuyển vào lớp 10 Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi là con nông dân. Hiểu được sự vất vả của bố mẹ, Minh quyết tâm học tập để báo đáp công ơn. Trong 4 năm học cấp 2, điểm bình quân các môn học của em đều đạt từ 9,7-9,9 điểm. “Em ấy thậm chí chẳng bao giờ đi học thêm vì biết gia đình còn khó khăn. Trong sự nghiệp của mình, tôi chưa bao giờ gặp một học sinh nào đặc biệt ấn tượng như Minh”, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi Dương Hồng Hạnh cho biết.

Nguyễn Hồng Sáng là học sinh nghèo, mồ côi cha ở thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng). Dù học giỏi, ngoan ngoãn, nhưng nếu không có sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, nhà trường và xã hội thì có lẽ em sẽ không theo học được đến lúc này. Đợt thi vừa qua, em đã đỗ vào Trường THPT Cẩm Giàng với số điểm cao trong niềm vui mừng của thầy cô và gia đình. Còn Nguyễn Hải Dương, học sinh ở xã Cẩm Đoài mồ côi cả cha mẹ, sống cùng ông bà ngoại, nhà nghèo, học giỏi, song chưa biết lấy tiền đâu để tiếp tục con đường học tập thì nhận được sự hỗ trợ kịp thời của Hội Chữ thập đỏ huyện. Một công ty sữa còn tài trợ em mỗi tháng 1 triệu đồng. Vừa qua, em đã đỗ vào Trường THPT Cẩm Giàng với số điểm rất cao.

Trong những năm qua, Hải Dương được đánh giá là một trong những tỉnh, thành phố làm tốt nhất công tác khuyến học, khuyến tài. Cuối năm 2015, toàn tỉnh có 2.064 Chi hội Khuyến học thôn, làng, khu dân cư, trường học thì đến nay có trên 3.200 chi hội. Số Ban khuyến học dòng họ cuối năm 2015 là 5.540 thì đến nay đã có trên 7.300 ban; tổng số trên 607.000 hội viên khuyến học.

Quỹ Khuyến học từ cơ sở đến huyện, thị xã, thành phố đều tăng nhanh, các mô hình xây dựng "Quỹ Khuyến học Mạc Đĩnh Chi", "Quỹ Khuyến tài An Phát” của huyện Nam Sách, "Quỹ Khuyến học Nguyễn Đình Bể" ở huyện Kim Thành… ngày càng được mở rộng. Nhiều dòng họ hiện có số dư quỹ từ 100 đến trên 300 triệu đồng. Tổng Quỹ Khuyến học các cấp trong tỉnh khoảng 124 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, các trường hợp học sinh nghèo đã được hỗ trợ kịp thời giúp các em viết tiếp ước mơ đến trường.

Qua các thời kỳ lịch sử, ngọn lửa đam mê với sự học của các thế hệ người Hải Dương chưa bao giờ thôi bùng cháy. Kế tiếp các vị cha anh đỗ đạt, nhiều học sinh, sinh viên người Hải Dương ngày nay đã được xướng tên trên các đấu trường trí tuệ trong nước và thế giới. Thành tích và chất lượng giáo dục của Hải Dương luôn nằm trong nhóm đầu cả nước.

TIẾN HUY

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/giao-duc/tu-truyen-thong-nhat-gia-ban-thien-ha-212658