Tự sự của con cọp trong sở thú

Những năm tháng nằm dài trong sở thú, ta thường hay ngẫm nghĩ về tên gọi và thân thế của mình. Có lẽ trong muông thú, ít loài nào có nhiều tên gọi như cọp. Ở Việt Nam, loài cọp có gần 30 tên gọi. Ða số dân Nam Trung Bộ trở vô kêu ta là ông Cọp (bất kể cọp cái, cọp đực gì cũng là ông ráo). Những người từ Bắc mới vô Nam cũng kêu ta là ông Hổ. Mấy cụ Nho cũng thích kêu vậy cho văn vẻ trang trọng. Còn trong 12 con giáp, ta có tên là Dần. Mấy bà già đếm tuổi con cháu thường bắt đầu từ “tí, sửu, dần, mẹo…”. Mấy ông thầy bói cũng thường nói: “Dần - thân - tỵ - hợi tứ hành xung. Tuổi tác xung khắc, lấy nhau không đặng. Nhưng không đáng lo lắm đâu. Khó khăn gì thầy cũng giải được”.

Ngoài ba tên gọi phổ biến trên, ta còn có vô số tên khác. Có khi, người ta đặt tên căn cứ vô tiếng gầm “Hùm…”. Ví dụ: Nơi này lắm hùm beo, chốn hầm thiêng, coi chừng ông Cà Um, bạch hổ đánh nhau với con hạm… Có khi, người ta căn cứ vô màu lông để kêu: ông Gấm, ông Vằn, ông Mun, ông Bạch… Trong số đó, người ta tôn kính ông Bạch hơn cả. Nên có nhiều truyện cổ tích kể về mối quan hệ thân thiết giữa con người với bạch hổ. Có khi, người ta căn cứ vô hình dạng cơ thể để đặt tên. Nếu tính từ đầu đến cuối đuôi, ta rất dài nên được kêu là ông Dài. Nếu bị cụt đuôi thì được kêu là ông Cụt. Chỉ còn ba chân thì được đặt tên Ba Cụt.

Có ba móng thì được đặt tên là Ba Ngoe. Trong số đó, con người ngán nhất là ông Ba Cụt. Bởi vì khi mất một chân, ổng không thể rượt đuổi nai, thỏ, không tấn công trâu bò được. Ổng chỉ còn hy vọng ăn thịt con người, vì loài này chạy chậm, yếu ớt. Có khi, con người căn cứ vô tính cách mà đặt tên. Họ thấy ta dữ dằn nên đặt tên là ông Chằn, ông Kẹ… Và lấy mấy cái tên đó ra để dọa trẻ con. Những nhà khoa học thì xếp ta vô họ nhà mèo. Bởi vậy, ta còn có tên là Mèo lớn. Còn Mèo nhỏ có tên là tiểu Hổ (mượn oai hùm). Ngoài ra, ta cũng không hiểu vì sao con người đặt cho loài cọp những cái tên như: ông Khái, ông Kễnh, ông Chồn…

Sở dĩ loài cọp có nhiều tên như vậy cũng có phần do con người ngại kêu tên thiệt. Họ tin rằng, cọp rất linh thiêng, hễ nhắc tên là có mặt nên tránh kêu tên ta. Nhưng quan trọng hơn là do tục kỵ húy thời phong kiến. Người dân không được dùng từ trùng với tên những người trong hoàng tộc. Họ phải nói chệch đi, như hoa phải nói là huê, hoàng phải nói là huỳnh… Mà nói gì tới vua chúa, ngay cả dân đen cũng tránh phạm húy. Họ không kêu tên anh Tuấn, chị Mai mà phải nói là ba thằng Tèo, má con Gái, anh Hai, cô Út… Ðến cả động vật to lớn, họ cũng kiêng kêu tên thiệt. Ví dụ như cá voi ở biển thì kêu là cá Ông, cá heo nước ngọt thì kêu là ông Nược. Rồi đến tên cọp, họ cũng kiêng nốt: “Bữa trước vô rừng, tui có gặp ông Dần, ổng gầm gừ một hồi lâu rồi bỏ đi”, “Tối hôm qua, Ngài có dìa làng bắt heo”. Còn tên gọi ông Ba Mươi có nhiều cách giải thích khác nhau. Có người nói là do tục cúng thần cọp vào ngày 30 tết. Có người cho rằng, do cọp phá làng, giết hại gia súc nên chánh quyền hứa thưởng 30 quan tiền cho ai giết được cọp. Nhưng trước khi thưởng, người đó phải bị phạt đánh 30 trượng vì tội giết hại sinh linh. Việc trừng phạt như vậy sẽ làm cho linh hồn của cọp không tức giận, báo thù con người.

Người xưa tin rằng vạn vật hữu linh. Những vật càng lớn, càng dữ thì càng linh thiêng. Cây cổ thụ được coi là linh thiêng. Lửa cũng linh thiêng nên người ta thờ vua lửa - ông Táo. Nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long tôn cá sấu làm thủy thần. Còn loài cọp được thờ cúng khắp nơi. Có khi vì cọp giúp người, có khi vì cọp có nghĩa nên con người thờ cúng giống như thờ cúng người thân quá cố. Một gia đình có thể thờ nhiều đối tượng: ông bà tổ tiên, các vị thần, bạch xà, bạch hổ… Ở ngoài đình làng, cọp cũng được dành một chỗ thờ riêng. Con người khắc tên ta bằng chữ Hán: Sơn lâm chúa tể, Sơn quân mãnh hổ, Sơn lâm hổ lang chi thần, Sơn quân chi thần, Sơn quân chúa xứ, Sơn quân chúa động, Chúa xứ sơn lâm, Sơn lâm đại tướng quân, Ngũ hổ đại tướng quân, Mãnh hổ đại tướng quân, Lý Nhĩ đại tướng quân, Ngũ vị thống chế… Họ thờ cúng ta như thờ cúng một vị thần. Họ kêu ta bằng xưng danh tôn kính như ông Thầy, ông Cả… Có làng cứ vào chiều 30 tết là làm lễ cúng và tôn cọp giữ chức lý trưởng, hương cả, hương quản… Họ nghĩ rằng, có được ngôi vị cao như vậy, ta sẽ phù hộ cho dân làng yên ổn.

Ngày xưa, nơi đâu có rừng thì nơi đó có cọp. Ở đồng bằng Bắc Bộ, rừng rậm đã lùi xa từ thuở ngày xửa ngày xưa. Từ nhiều thế kỷ trôi qua, con người không còn bị ám ảnh về thú dữ nên cũng ít kể chuyện về cọp. Còn người Việt vô miền Tây Nam Bộ khai mở rừng rú vào thế kỷ XVIII. Họ vẫn còn ám ảnh cảnh “Dưới nước đỉa lềnh, sấu lểnh nghểnh/ Trên bờ cọp rống, muỗi vo ve”, “Xuống sông hốt trứng sấu, lên bờ xỉa răng cọp”. Mà nói chi xa, ngay giữa thế kỷ XX, cá sấu và cọp vẫn còn nhiều ở rừng U Minh, Cần Giờ, An Giang, Tây Ninh… Nhiều nhà báo đã kịp thời ghi chép, chụp lại hình ảnh của chúng.

Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cũng sưu tầm được hàng trăm truyện liên quan tới cọp. Các tỉnh như Bến Tre, Cà Mau… lưu truyền khá nhiều truyện cọp liên quan đến các địa danh trong tỉnh. Nam Bộ là vùng đất đa văn hóa nên cũng có truyện cọp của người Việt, người Khmer, người Chăm… Cọp có trong thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười, tục ngữ, thơ ca hò vè… Nhưng truyện dân gian Nam Bộ có cái dở là ngôn từ không được trau chuốt, cốt truyện lộn xộn, không có lớp lang bài bản như truyện cổ Bắc Bộ. Những người sưu tầm, biên tập cũng làm thay đổi phương ngữ. Ví như phải nói là: “Tụi tui vô gừng coi thử con cọp ra làm sao” thì người sưu tầm, biên tập lại ghi là “Chúng tôi vào rừng xem thử con hổ như thế nào”. Thành thử, cọp cứ phải bị đổi tên thành hổ.

Loài Hổ không còn nhiều trong tự nhiên, trong các nền văn hóa các quốc gia - Ảnh CTV

Ta vốn là con cọp hoang dã, từng sống lang thang ở rừng Tây Ninh, Bình Phước, có khi đi tìm cọp cái mà lạc qua cả Campuchia nữa. Hành động thường ngày của ta là đi dạo lang thang trong rừng. Ta không coi việc sát sinh là niềm vui và lẽ sống. Ta ăn thịt thú rừng cũng giống như con người ăn thịt cá. Nhưng con người lúc no là vác súng đi săn bắn các con vật khác. Còn ta lúc no rất hiền lành, con thỏ chạy sát mõm cũng không thèm bắt. Chỉ khi nào đói mới đi kiếm ăn. Mà để có được miếng ăn cũng không dễ dàng. Nhiều lúc, đang rình mồi, ta nghĩ: Giá như lúc nào mình cũng có sẵn thức ăn như con nai kia thì tốt biết mấy! Nó sống thanh thản, không tranh giành với ai. Còn ta phải rình rập giết chết kẻ khác mới có ăn. Ðó là một công việc nguy hiểm. Một lần nọ, ta lao đến một con bò. Nhưng ta vồ hụt và bị cái sừng nhọn của nó húc đau điếng. Ta đi khập khiễng và bị con người quây bắt. Họ đưa ta lên xe rồi chở tới vườn thú.

Miếu ông Cọp - Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới - Ảnh CTV

Bây giờ, ta kể qua chuyện vườn thú. Sống ở đây cũng có cái hay và cái dở. Những con thú không được tự do, chỉ đứng, nằm một chỗ. Lâu ngày, thịt gân mềm nhũn, nhão nhoẹt, tiếng gầm không còn âm sắc hùng hồn như thuở hoang dã. Nhiều con thú không biết rừng là gì vì được sinh ra trong vườn thú ở thành phố. Nếu trải qua nhiều đời bị nhốt trong chuồng như thế, chắc chúng sẽ không còn là thú nữa. Còn những con thú từng sống đoạn đời hoang dã thì luôn tràn ngập nỗi nhớ rừng.

Thỉnh thoảng, ta vẫn nghe du khách đọc mấy câu thơ thế nào: “Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ / Thủa tung hoành, hống hách những ngày xưa/ Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già/ Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi (...) Than ôi! thời oanh liệt nay còn đâu?/ Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu/ Ghét những cảnh không đời nào thay đổi”. Những câu thơ này đúng nỗi niềm của ta quá! Ta thèm khát tự do nhưng rồi lại nghĩ: Bây giờ đã già yếu, nếu có về rừng cũng khó tìm được thức ăn. Rừng tự nhiên đã thưa, muông thú cũng ít.

Bầy chó rừng sẽ bám theo, chờ lúc cọp già khụy xuống. Ta sẽ chết nếu tìm về chốn tự do. Chi bằng những ngày cuối đời, ta cứ sống trong vườn thú. Con người sẽ chăm sóc sức khỏe, tắm rửa, làm vệ sinh cho ta. Họ mang đến cho ta những thức ăn tươi ngon mà không cần phải đi giành giật với ai. Con người phục vụ thú nuôi như đầy tớ phục vụ cho ông chủ. Về ngôi thứ, ở đây có loài voi là to xác nhất. Nhưng chúng quen sống ngẩn ngơ, an phận thủ thường, không thèm tranh chấp quyền lực với ai. Sư tử vốn từ xứ khác tới, không ai bầu nó làm lý trưởng cả. Vả lại, nếu có tranh hùng thì ta cũng không sợ. Sư tử vốn dựa vô sức mạnh của bầy đàn. Chứ một con sư tử lẻ loi vẫn bị bò rừng châu Phi rượt chạy té khói. Còn loài cọp quen đi săn lẻ loi, dựa vào sức mình để kiếm ăn. Ðó là phẩm chất của người quân tử. Bởi vậy, ở nơi này, ta yên tâm với ngôi vị mới: “Sở thú đại tướng quân”.

Mấy ngày này, trông loài người có vẻ nhộn nhịp. Có lẽ tết sắp đến. Họ đang tất bật đón mừng năm mới, tuổi mới, chúc sống thọ... À, nhắc đến chuyện tuổi tác, ta lại nhớ đến một cách lý giải khác nữa trong tên gọi Ông Ba Mươi. Có người cho rằng loài cọp có thể sống tới 30 năm. Lại nghe mấy người dạo chơi trong sở thú nói rằng: Những con thú được chăm sóc bởi con người có tuổi thọ cao hơn những con thú hoang dã. Ðiều đó cũng tạo cho ta chút niềm vui và hy vọng trước thềm năm mới.

PHẠM NGỌC HIỀN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/270452/tu-su-cua-con-cop-trong-so-thu.html