'Từ sớm, từ xa' với thuế tối thiểu toàn cầu

Quyết định áp thuế tối thiểu toàn cầu từ năm tài chính 2024 là một phản ứng nhanh của Quốc hội Khóa XV để bảo vệ quyền đánh thuế, cũng là biểu hiện sinh động của một Quốc hội chuyên nghiệp. Điều quan trọng tiếp theo là Chính phủ và các bộ, ngành cần duy trì tinh thần 'từ sớm, từ xa' trong việc ban hành các văn bản quy định chi tiết mà Quốc hội đã giao nhiệm vụ.

Liên quan đến việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ ít nhất phải ban hành 2 Nghị định.

Trước hết, đó là Nghị định quy định chi tiết Nghị quyết số 107/2023/QH15 của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Trách nhiệm chủ trì xây dựng văn bản này đã được Chính phủ giao cho Bộ Tài chính với thời hạn trình, ban hành trước ngày 31.10.2024. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã dự thảo Nghị định quy định chi tiết Nghị quyết 107/2023/QH15. Dự thảo đang trong quá trình xin ý kiến các đơn vị thành viên tham gia xây dựng Nghị định để hoàn thiện, trình Bộ Tài chính xin ý kiến các bộ, ngành và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Một văn bản quan trọng khác là Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư. Tại Nghị quyết Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội đã giao Chính phủ xây dựng Nghị định này trong năm 2024 và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi ban hành.

Thuế tối thiểu toàn cầu là giải pháp Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra nhằm ngăn chặn các hành vi làm xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận. Khoảng 163 quốc gia (gồm cả nước ta) đã đồng thuận với giải pháp này. Theo đó, các công ty có doanh thu toàn cầu từ 750 triệu euro trở lên sẽ bị áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu ở mức 15%. Các công ty đang hưởng thuế suất thấp hơn mức 15% tại quốc gia đầu tư sẽ phải nộp bổ sung khoản chênh lệch tại “nước mẹ” - nơi đặt trụ sở chính. Dựa trên số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, nước ta có khoảng 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu với tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp nộp bổ sung là 14.600 tỷ đồng.

Với nước ta, thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề mới. Nội luật hóa một vấn đề mới đương nhiên là việc khó. Và, liên quan đến thuế khóa, đến cạnh tranh thu hút đầu tư, đến các tập đoàn đa quốc gia cũng như các cam kết quốc tế… thì tình hình càng phức tạp hơn - nhất là ở khía cạnh kỹ thuật. Chẳng hạn, với Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng các vấn đề như: bao nhiêu thuế bổ sung sẽ được dùng để hỗ trợ doanh nghiệp; đối tượng doanh nghiệp nào được hưởng ưu đãi này; mức hỗ trợ tính toán trên cơ sở nào và mức bao nhiêu là phù hợp. Đồng thời, các biện pháp hỗ trợ cần được thiết kế hợp lý để không bị xem là lợi ích liên quan trực tiếp đến đối tượng chịu thuế tối thiểu toàn cầu.

Chính vì thế, Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư - hai bộ được giao chủ trì xây dựng hai Nghị định liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu, cần tập trung nguồn lực cho các văn bản quan trọng này với tinh thần “từ sớm, từ xa”. Yêu cầu đặt ra không chỉ là thu đúng, thu đủ để bảo vệ lợi ích quốc gia, mà còn phải tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong thực thi và bảo đảm vị thế cạnh tranh thu hút đầu tư của nước ta trong bối cảnh mới - vốn được dự báo là sẽ khó khăn và quyết liệt hơn.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/tu-som-tu-xa-voi-thue-toi-thieu-toan-cau-i361038/