Từ 'người giữ đền' khổng lồ đến những người 'giữ hồn' dân tộc

GS. Trần Văn Khê vừa như một người 'giữ đền' khổng lồ với ngôi đền thiêng âm nhạc dân tộc; vừa là vị kiến trúc sư thiết kế những đường dẫn nghệ thuật - văn hóa - âm nhạc để mở cửa, hội nhập và truyền bá tri thức, bản sắc, quan trọng là đi cùng bản lĩnh của người Việt với toàn cầu.

1.

Không phải ngẫu nhiên khi Hoài Lâm vừa xuất hiện ở cuộc thi “Gương mặt thân quen” năm 2014, ở tuổi 19, cậu đã chiếm trọn cảm tình của công chúng. Bởi trước khi hóa thân xuất sắc trong vai diễn Trưng Trắc (vở Tiếng trống Mê Linh) của NSƯT. Thanh Nga thì Lâm đã có màn “nhuộm răng đen” và đổ hột xuất thần trong hình tượng nghệ nhân Hà Thị Cầu - báu vật sống của nghệ thuật ca trù. Cái tài của một người trẻ đã đành, cái tình say mê những giai điệu cội nguồn mới là điểm chạm đến cảm xúc người nghe, người xem. Dù chỉ thoáng xuất hiện trong một cuộc thi thố kèm yếu tố gameshow của nhà đài thì sự lựa chọn ấy ở Lâm đã mang về cho cậu những tiếng “tom - chát” trong lòng công chúng - một cách tán thưởng của người thưởng ngoạn hát ca trù.

Những ngày đầu Sài Gòn chớm nhiễm dịch Covid-19, năm 2020, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã kết nối các nhà tài trợ và cùng 2 nghệ sĩ nhân dân là Kỳ nữ Kim Cương và Cải lương chi bảo Bạch Tuyết đến thăm, trao quà cho các nghệ sĩ, công nhân hậu đài của nghệ thuật hát bội. Trong cơn ngặt nghèo chung của làng kịch nghệ thành phố thì hát bội lại càng khốn khó.

Hiểu điều đó nên trong niềm xúc động sâu sắc, NSƯT. Ngọc Dung - một tài danh hát bội đã kể cho chúng tôi nghe tin vui của chị, đó là có một doanh nhân trẻ mấy tháng trước có mời chị về tư gia để dạy cho cậu các thể thức căn bản của hát bội. “Vui vì có người trẻ còn yêu và muốn tìm hiểu về hát bội, cảm động vì cách cậu ấy trân trọng nghệ thuật”.

Sau 8 năm, di nguyện của GS-TS. Trần Văn Khê đã được thực hiện với giải thưởng và học bổng Trần Văn Khê trao tặng lần đầu tiên ngày 23.7.2023. Ảnh: Nguyễn Á

Trong niềm vui hạnh ngộ sau nửa thế kỷ của “hai mẹ con” Bạch Tuyết - Ngọc Dung (họ từng đóng vai mẹ con trên sân khấu Dạ Lý Hương), người hát bội ca cải lương, người cải lương trở bộ hát Khách, tôi sực nhớ đến phong trào “cải lương hát bội” của cụ Lương Khắc Ninh hơn trăm năm trước.

Và mới đây, ngày 17.7, tại buổi họp báo giới thiệu cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ” lần thứ 18 năm 2023, Trưởng ban Văn nghệ Đài Truyền hình TP.HCM, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, đạo diễn Nguyễn Minh Hải đã thừa nhận “Chuông vàng vọng cổ” ngày càng “sóng gió” khi phải “đãi cát tìm vàng tại sa mạc” để kiếm tìm thí sinh.

*

Cuộc đãi cát tìm vàng giữa sa mạc mà ông đạo diễn vừa nêu ấy, đã được giáo sư - tiến sĩ, “người khổng lồ” Trần Văn Khê đau đáu dự cảm từ hơn 30 năm trước. Cũng như những “hạt châu” nằm trong “chéo áo” nghệ thuật âm nhạc dân tộc nói riêng, văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung đã được ông lần hồi tự khai phá cho chính mình - trong những ngày dài dưỡng bệnh - mà tìm ra, mà xác quyết một lựa chọn, một con đường trở về cội nguồn của gia tộc, của dân tộc của chàng sinh viên y khoa.

Một nhà văn Lỗ Tấn xứ Trung Hoa đã từ bỏ nghề y bởi “Làm bác sĩ thì chỉ chữa bệnh cho một số người. Làm nhà văn thì chữa bệnh cho cả một dân tộc, thậm chí cả nhân loại”. Và ông đã có truyện ngắn “Thuốc” với tiếng kêu gần như bất lực khi không thể cứu chữa nổi căn bệnh của dân tộc Trung Hoa cận đại khi nhân dân thì “ngủ say trong một cái nhà hộp bằng sắt”, người cách mạng thì “bôn ba trong chốn quạnh hiu”.

Trần Văn Khê gác lại việc học y, tìm đến âm nhạc và kịch nghệ dân tộc như một “phương thuốc” trong những ngày ông nằm viện. Và khi đã lành bệnh, tức ông tự chữa cho mình, ông thọ ơn là một nhẽ, ông biết ơn cả một phả hệ âm nhạc từ nhã nhạc cung đình Huế - ông cụ cố Trần Quang Thụ, người đã lập gánh hát đầu tiên của miền Nam Đồng Nữ Ban đến 3 thế hệ tiếp nối dòng chảy âm nhạc phương Nam. Sau ông - còn truyền nhân Trần Quang Hải; từ ông, nhờ ông còn cả một sự tiếp nối…

Vì thế, giải thưởng và học bổng Trần Văn Khê lần đầu tiên được trao cho những truyền nhân thế hệ mới, trước khi (hoặc đằng sau) tôn vinh giá trị vĩnh hằng là nuôi dưỡng tình yêu, trách nhiệm giữ gìn di sản âm nhạc, kịch nghệ, văn hóa dân tộc thì chí ít, nhỏ bé và khiêm cung nhứt cũng là lòng biết ơn từ tiền nhân họ Trần đến hậu bối. Đó là khi âm nhạc dân tộc, văn hóa cội nguồn đã đạt đến thiên chức cứu rỗi cho tất cả chúng ta.

Những năm tháng cuối đời, GS Trần Văn Khê vẫn đọc sách báo, tài liệu rất nhiều dù mắt đã yếu đi. Ảnh tư liệu: Nguyễn Á

2.

Lần đầu tiên, vở kịch (nói) - múa Hồn thơ ngọc ra mắt công chúng tại sân khấu thể nghiệm 5B, cô đào Tuyết Thu vốn xuất thân cải lương nhưng đài từ lại không là thế mạnh, múa trở thành sở trường được đạo diễn Khánh Hoàng khai thác triệt để và Thu thể hiện thành công. Nhưng, sức hút của Hồn thơ ngọc ngoài kịch bản văn học đỉnh cao (của tác giả Lê Duy Hạnh) thì phần trình diễn thực - ngay trên sân khấu của bộ môn trống, qua người nghệ sĩ tài hoa Nhứt Dũng lại tạo nên một điểm nhấn đầy ấn tượng.

Tiếng trống giục giã những bàn chân đất áo vải xông trận. Trống dẫn đường che chở cho mẹ con công chúa Ngọc Hân trở về quê ngoại. Trống vọng lại tình yêu, nghĩa thủy chung của khúc ngâm Ai tư vãn…

Nhạc sĩ Nhứt Dũng (còn sở hữu ngón kèn trác tuyệt) là con người bạn chí cốt Tám Nhứt của GS. Trần Văn Khê và cũng là môn đệ của thầy Khê. Ông đã phát hiện ra cậu bé Nhứt Dũng thạo trống cơm, cho đến ngày phong vị nhạc lễ Sóng thần Gò Vấp (ban nhạc lễ của gia đình Tám Nhứt) chính thức công diễn tại Paris, thầy nhận ra đứa bé trống cơm năm nào. Ông mừng như bắt được vàng ròng. Di nguyện của ông “khi thầy mất, con đem dàn nhạc qua phục vụ tang lễ cho thầy”.

Nhạc sĩ âm nhạc dân tộc -ThS. Phan Nhứt Dũng độc tấu đàn cò ngay sau khi nhận giải thưởng Trần Văn Khê. Ảnh: Nguyễn Á

Bởi, ngay khi phát hiện trống cơm chịu ảnh hưởng từ Chiêm Thành - Ấn Độ thì GS. Trần Văn Khê cũng chỉ rõ trong tay người Việt, tiếng gõ lại có một sắc âm riêng biệt. Cũng là bộ gõ nhưng từ sênh tiền đến song lan trong dàn nhạc cổ truyền dân tộc lại là sự phối trộn - sáng tạo cực kỳ đặc sắc. Nó vừa là phép cộng của kim khí (sắt) và gỗ, vừa phép nhân của thanh âm gõ, cọ quẹt hai miếng kim loại và rung, tạo nên sự đa điệu trên bề mặt của một nhạc cụ nhìn tưởng là đơn điệu. Hoặc như tiếng gõ song lan, dụng lực rất ít nhưng hiệu ứng âm thanh lại rất vang.

Những giá trị lõi ấy, đã được ông tìm tòi, kết nối, truyền dạy và lan tỏa đi khắp năm châu. Đổi lại, thay cho lời tri ân mà ông vốn không mong, chẳng màng; chỉ bấy nhiêu tiếng gõ đa điệu, đa thức một lần trước khi giã từ, đêm cuối cùng lưu lại trên dương thế.

(hoặc) Không biết bao nhiêu lần tôi được ngồi tận hưởng tiếng đàn tranh Hải Phượng, có lẽ cây đàn ấy sinh ra vốn dành riêng cho… phụ nữ, cái dáng vẻ nghiêng nghiêng, mềm mại và thanh âm “chuột chạy cũng thành suối nhạc” đã tạc thành một tác phẩm người-đàn-bà-ngồi-đờn. Đẹp và trong ngần.

Nhưng một giây lắng lại, tôi đã phải dừng nơi bậc cửa để nhìn cho thật lâu hơn cái hình ảnh mẹ con cô giáo Thúy Hoan - Hải Phượng cúi mình trên những bậu đàn, chỉ dạy cho từng phím nhấn, phím rung. Họ ân cần và thầm lặng như thế bao năm qua, cho tới khi tôi được tận mắt, không rõ. Mãi cho đến ngày tôi cũng tập làm một đứa học trò vụng về, ngồi trước 16 dây đàn thì mới hiểu vì sao họ tận tụy. Bởi đơn giản, âm nhạc dân tộc, với chừng ấy ký âm hò xự xang xê cống đôi khi nó chữa lành con người một cách vi diệu.

Từ cây đàn gốc của Trung Quốc, khi sang Việt Nam, đàn tranh lại được trình tấu trong những nốt rung, nhấn đặc thù. Cái đặc thù không chỉ về mặt nhạc tính mà cả cách ứng dụng, biến thể luôn được người nhạc sĩ - nghệ nhân - nhạc công sáng tạo không ngừng. Từ ngón đờn tranh tuyệt mỹ của Bảy Bá (soạn giả Viễn Châu) đến NSND. Thanh Hải, đã làm nên một thanh âm không thể thiếu trong dàn nhạc cải lương.

Chuyện tôi nghe kể lại, khi dựng Thái hậu Dương Vân Nga, đến phân cảnh bà thái hậu độc diễn ở Sơn lăng, dàn nhạc đang chạy, nghệ sĩ Bạch Tuyết nói lối trên dây của bài Nam Xuân thì NSND. Phùng Há đứng bật dậy đề nghị với đạo diễn Lưu Chi Lăng: “Anh Bảy cho tôi rao một tiếng đàn tranh chỗ Bạch Tuyết chuẩn bị nói lối…”. Quả nhiên, thần sầu. Ông đạo diễn sau lớp tập xuống hỏi bà cố vấn “sao chị Bảy lại nghĩ ra rao một tiếng đàn tranh ở đó?”. Bà Bảy Phùng Há cười: “Tôi không biết nữa, chỉ thấy nó cần một tiếng đệm lẻ loi ở chỗ đó cho Bạch Tuyết dễ vô dây…”.

NSƯT-TS. Nguyễn Thị Hải Phượng độc tấu đàn tranh ngay sau khi nhận giải thưởng Trần Văn Khê. Ảnh: Nguyễn Á

Cái “không biết nữa” ấy của vị Tổ sống cải lương Phùng Há chính là một cách tạo nên, lưu giữ và phát triển bản sắc âm nhạc đúng nghĩa. Sự tiếp nhận và chọn lọc tinh hoa trên nền của tính chủ động, chấp nhận cái khác mình, cái khác từng là của mình (hay người khác) để phù hợp và hữu dụng cho một hoàn cảnh, đời sống mới. Nó động, trước khi và trong khi tạo lập cái tĩnh - định hình mà tiếp biến, phát triển.

Nhìn lại hành trình khảo cứu, truyền dạy, trình diễn… của GS. Trần Văn Khê, cái hay, cái giỏi, cái tài của một người tâm huyết, trí thức, hùng biện, tài hoa đã đành. Hơn thế, ông vừa như một người “giữ đền” khổng lồ với ngôi đền thiêng âm nhạc dân tộc; vừa là vị kiến trúc sư thiết kế những đường dẫn nghệ thuật - văn hóa - âm nhạc để mở cửa, hội nhập và truyền bá tri thức, bản sắc, quan trọng là đi cùng bản lĩnh của người Việt với toàn cầu.

Ông tận tâm, tài tình, tuyệt trí bởi không chỉ với tư cách người nghệ sĩ, người Việt mà còn là phẩm tính nhân văn phụng sự cho một thế giới đại đồng được sống và chan hòa trong âm nhạc, trong phẩm hạnh của cái đẹp, cái thiện, cái chân.

Vì thế, giải thưởng và học bổng Trần Văn Khê lần đầu tiên được công bố rộng rãi, tìm được những người xứng đáng được nhận bởi ở đó còn là sự truyền đi một giá trị sống, một lòng trung trinh với lựa chọn “cứu rỗi thế giới”.

3.

Không hẹn mà gặp, trong tháng Bảy đầy ý nghĩa này có hai sự kiện: một là lần đầu tiên một bảo tàng tư nhân - Ký ức Biệt động Sài Gòn được chính thức công nhận và một giải thưởng - học bổng do tư nhân vận động, thành lập và điều hành (phi lợi nhuận) ra mắt. Tôi nhớ hôm Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đến thăm cơ sở Biệt động Sài Gòn ở đường Đặng Tất, ông có dặn cháu bé hướng dẫn viên nhí (là cháu nội anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Văn Lai) khi thuyết minh về các di vật, chứng nhân Biệt động Sài Gòn là “cháu hãy tìm hiểu để hiểu và nói bằng chính cái hồn của mình, hiểu vì sao thời điểm ấy ông cha mình làm được những kỳ tích, có phải vì lòng yêu nước?”.

Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, tặng hoa cho đại diện Ban sáng lập và Hội đồng quản lý Quỹ học bổng Trần Văn Khê, chúc mừng lễ trao tặng giải thưởng và học bổng Trần Văn Khê. Ảnh: Nguyễn Á

Khi hồ sơ phục dựng, bảo tồn di sản quần thể Hoàng thành Huế và Nhã nhạc cung đình Huế được trình và UNESCO thông qua, GS. Trần Văn Khê sau lời cảm ơn ông nói “đó mới chỉ là phục dựng cái xác - cung đình, còn phần hồn của nó là thi-ca-vũ-nhạc thì sẽ như thế nào, xác không hồn thì chỉ là cái xác”. Và ông đã cần mẫn, mẫn cán để bao năm tìm lại, giữ lấy và cho đi cái “phần hồn” miên viễn ấy.

Một, cái hồn để lưu giữ ký ức thời chiến loạn để quý trọng hơn cái giá của hòa bình.

Một, cái hồn lưu truyền để mai sau không lạc loài nguồn cội, tìm được con đường mà trở về, mà nương tựa, mà “sánh văn minh”.

Cho nên, giải thưởng và học bổng Trần Văn Khê lần đầu tiên được trao, được vinh thăng ngay vị trí nhà hát trung tâm của Sài Gòn - TP.HCM, tôi lại nhìn thấy sau vầng ánh sáng ấy là những nốt trầm, những “đổ hột” của những con người phụng sự cái đẹp, tận hiến cho văn hóa dân tộc. Khi “ông” nhà nước còn bận bịu tháo gỡ cơ chế đầu tư hợp tác công tư (PPP) cho lĩnh vực văn hóa - thể thao (thông qua Nghị quyết 98 của Quốc hội) thì những con người thầm lặng, bền bỉ và… “mang lấy nghiệp vào thân”, nặng lòng vì một di sản Trần Văn Khê nói riêng, âm nhạc dân tộc nói chung đã không quản ngại, nề hà và nhẫn nại đến cùng cực để tự phục dựng, bảo tồn và truyền đi một di nguyện Trần Văn Khê; hơn thế là một ngọn nguồn văn hóa được khơi dòng qua “bốn ngàn năm ròng rã buồn vui. Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi… Nước ơi... Tiếng nước tôi...” (Phạm Duy - Tình ca).

Cho nên, lần đầu tiên xin được ngước nhìn những con người nối tiếp sự nghiệp “giữ đền” của GS. Trần Văn Khê và… cúi đầu biết ơn cả những người “giữ hồn” cho ngôi đền ấy mãi thiêng và trường tồn.

Lê Huyền Ái Mỹ

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tu-nguoi-giu-den-khong-lo-den-nhung-nguoi-giu-hon-dan-toc-40394.html