Từ hiện tượng 'Đào, phở và piano' nghĩ đến việc đưa phim lịch sử đến gần khán giả...

Đào, phở và piano được xem là hiện tượng phòng vé chưa từng có của điện ảnh Việt. Sau khi gây sốt tại Trung tâm chiếu phim quốc gia, phim được hai đơn vị tư nhân tình nguyện phát hành.

Bộ phim 'Đào, phở và piano' vẫn đang gây sốt tại các rạp chiếu.

Đa phần khán giả đánh giá đây là một bộ phim đẹp. Đẹp về hình ảnh và nghệ thuật dàn dựng cùng câu chuyện dung dị, không “đao to búa lớn” nhưng nêu bật được tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” thông qua số phận những con người nhỏ bé, chìm khuất trong đời sống đô thị khi còn lung linh, sầm uất.

Trong những khoảnh khắc cuối cùng, họ sáng lòa nhờ sự tận hiến rất tự nhiên cho tình yêu với mảnh đất từng sống. Sự dung dị khiến khán giả cảm nhận tinh thần yêu nước mà không bị “thao túng”, hay phải cố gắng vì bất kỳ điều gì.

Tuy nhiên, câu chuyện phát hành phim Nhà nước từ đây dấy lên vấn đề sự phối hợp giữa Nhà nước và tư nhân trong công tác phát hành phim và sự nghiệp phát triển điện ảnh nước nhà.

Tôi nghĩ, câu chuyện phát hành các bộ phim được làm từ ngân sách Nhà nước ra với công chúng luôn là một bài toán khó. Trước mắt, với Đào, phở và piano, có lẽ các cơ quan quản lý điện ảnh phải tính đến một phương thức hợp tác ngắn hạn với các nhà phát hành tư nhân trên tinh thần đôi bên cùng có lợi. Làm một lần, để có cơ sở tính đến một chính sách dài hơi và dần đưa các nguyên tắc cộng tác vào Luật Điện ảnh. Việc các bộ phim được quy ước phải làm sao để đến được với khán giả khiến các nhà làm phim phải định hướng, điều chỉnh lại tư duy, học hỏi, cầu thị nhiều hơn để có những bộ phim thực sự vì khán giả mà tồn tại.

Cũng từ trường hợp phim này, có ý kiến cho rằng nên làm nhiều phim lịch sử hơn nữa để đáp ứng niềm khao khát hiểu biết lịch sử nước nhà của giới trẻ. Thực ra, đã có không ít phim lịch sử nhưng hầu như chưa phim nào gây được tiếng vang xứng đáng. Trên thế giới, không có nền điện ảnh nào dám khẳng định phim của họ làm ra là thắng, dù là phim tâm lý xã hội, phim hành động, kinh dị hoặc lịch sử. Việc giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ nên làm một cách thận trọng và tế nhị. Trong hoàn cảnh đầu tư của Nhà nước cho điện ảnh còn ít như hiện nay, đòi hỏi có nhiều phim lịch sử là không thực tế.

Người trẻ không thờ ơ với các phim khai thác đề tài lịch sử, điều quan trọng là phim cần được thực hiện nghiêm túc và có cách tiếp cận mới lạ. Phim lịch sử sẽ mãi là niềm khát khao của khán giả và là một thách đố “khó nhằn” trong sáng tác.

Có chuyên gia cho rằng, dường như chúng ta chưa chú trọng đúng mức tới khái niệm marketing cho một sản phẩm văn hóa. Đây là vấn đề bất cập trong công nghiệp văn hóa khi chỉ chú tâm làm ra sản phẩm mà chưa nghĩ tới việc đưa sản phẩm tiếp cận công chúng hiệu quả.

Nên chăng, phải “cởi trói” cho những cơ chế, thay đổi tư duy về cấp vốn cho một sản phẩm văn hóa của Nhà nước theo một lối khác. Quan trọng hơn, sự thay đổi phải đến từ cách nhìn vấn đề của hệ thống quản lý điện ảnh.

Trịnh Thanh Nhã

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tu-hien-tuong-dao-pho-va-piano-nghi-den-viec-dua-phim-lich-su-den-gan-khan-gia-262484.html