Phật giáo và quyền con người: Những giá trị đạo đức nhân văn cao đẹp

Ngày 17/5, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội phối hợp với Viện Trần Nhân Tông - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo Phật giáo và quyền con người.

Mục đích và ý nghĩa của hội thảo là nhằm nghiên cứu, làm rõ những giáo lý của Phật giáo với những ý nghĩa thực tiễn trong việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước về nhân quyền.

Hòa thượng Thích Thanh Quyết.

Hòa thượng Thích Thanh Quyết.

Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương, Viện trưởng Học viện PGVN tại Hà Nội cho biết, mục đích và ý nghĩa của hội thảo là nhằm nghiên cứu, làm rõ những giáo lý của Phật giáo với những ý nghĩa thực tiễn trong việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước về nhân quyền.

PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật - ĐH Quốc gia Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật - ĐH Quốc gia Hà Nội.

Báo cáo đề dẫn, PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, chủ đề của hội thảo đã phản ánh mối liên hệ sâu sắc giữa đạo và đời, thể hiện tâm nguyện của các cơ quan đồng tổ chức trong việc kết nối và làm sáng tỏ hai vấn đề rất quan trọng, không chỉ ở nước ta mà còn trên toàn thế giới, đó là: Các quyền con người với tính chất là những giá trị phổ quát, là ngôn ngữ, mục tiêu chung của toàn nhân loại; Phật giáo, với triết lý sống hàm chứa những giá trị đạo đức nhân văn hết sức cao đẹp.

Theo bà Quế Anh, hội thảo đặt ra hai mục tiêu nghiên cứu: Thứ nhất là sự tương đồng và đặc biệt là các giá trị nhân đạo, nhân quyền trong giáo lý của Phật giáo; thứ hai là việc vận dụng giáo lý của Phật giáo để làm sáng tỏ các giá trị nhân đạo, nhân quyền trong xã hội.

Bà hy vọng, các ý kiến được gửi tới cũng như phát biểu trực tiếp tại hội thảo sẽ góp phần giải quyết một phần những câu hỏi quan trọng này.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Bảo, Viện Trần Nhân Tông - Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, đi sâu nghiên cứu, ông nhận thấy Phật giáo có ảnh hưởng đến những quyền lợi của người dân trong chính sách tạo lệ thời Lê Trung Hưng.

Thứ nhất, giá trị di sản văn hóa của những di tích khiến triều đình đưa ra chính sách tạo lệ, ban cấp đặc quyền và ngoại lệ cho người dân để gắn nghĩa vụ chăm lo bảo tồn di tích, phụng thờ danh nhân.

Thứ hai, bản thân tín đồ Phật giáo cũng tham gia trực tiếp vào quá trình xin triều đình ban cấp lệnh chỉ để nhận được những đặc quyền và ngoại lệ trong chính sách tạo lệ.

Theo ông Bảo, từ những đúc rút trên sẽ đặt ra vấn đề nghiên cứu về ảnh hưởng của Phật giáo đối với pháp luật trong thời đại hiện nay, đặc biệt là làm sao quản lý hiệu quả di tích tự viện, khai thác và phát huy những giá trị của nó.

Từ góc nhìn về triết lý nhân sinh - triết lý văn hóa của Phật giáo, Đại đức Thích Nguyên Toàn (Học viện PGVN tại Hà Nội) cho rằng, quyền con người về văn hóa dưới góc nhìn Phật giáo sẽ bao gồm: Con người được tôn trọng và phát huy những giá trị của mình, tự do trong đời sống, không phân biệt địa vị, tôn giáo và sắc tộc; con người cần phải sống tự do, tự do theo hướng chân-thiện-mỹ, tự do phát triển và nâng cao giá trị chân thật…

Ảnh: Học viện PGVN

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/phat-giao-va-quyen-con-nguoi-nhung-gia-tri-dao-duc-nhan-van-cao-dep-2281844.html