TS. Phan Hữu Thắng: Việt Nam cần tiến lên mắt xích cao hơn trong chuỗi sản xuất toàn cầu

Theo TS. Phan Hữu Thắng, muốn đón được dòng vốn FDI ở những dự án đầu tư chất lượng cao nhất thì Việt Nam cần hiểu doanh nghiệp nước ngoài và có những kế hoạch để chủ động đón nhận các dòng đầu tư trong các lĩnh vực mà chúng ta mong muốn.

Xu hướng chuyển dịch đầu tư đang ngày càng rõ nét, tuy nhiên, để tận dụng xu thế này Việt Nam cần chủ động lên kế hoạch để đón những nguồn vốn chất lượng cao.

Trao đổi với chúng tôi trước thềmDiễn đàn Chuỗi Sản xuất Thông minh & Chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024 (VGMF2024) sẽ diễn ra ngày mai 26/3, TS Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Đầu tư Quốc tế ISC, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất thông minh toàn cầu đã nổi lên rất rõ.

"Trong xu thế đó, chúng ta phải hiểu doanh nghiệp nước ngoài để chủ động để đón nhận các dòng đầu tư mà chúng ta mong muốn, những dự án đầu tư chất lượng cao nhất. Việt Nam cần tiến lên mắt xích cao hơn trong chuỗi sản xuất toàn cầu", ông Thắng nói.

TS Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Đầu tư Quốc tế ISC, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài. (Ảnh: NĐT).

Trước đó, TS Phan Hữu Thắng cũng từng nhấn mạnh Việt Nam cũng có những lợi thế nhất định, tạo cơ hội thu hút nguồn vốn FDI có chất lượng. Sự ổn định và vững chắc của chính trị - xã hội đất nước, kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định và kết nối quốc tế sâu rộng sẽ tạo cơ hội thu hút FDI với quy mô ngày càng tăng.

Với vị trí chiến lược quan trọng, tiếp giáp với Trung Quốc là nơi cung ứng nguồn hàng hóa, nguyên liệu quy mô lớn và là một thị trường lớn, Việt Nam có điều kiện để nhà đầu tư tiết giảm chi phí vận chuyển và kết nối ổn định chuỗi cung ứng tại Trung Quốc.

Chính phủ và các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU đều đánh giá Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để nhận chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc.

Do đó, Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp nhận dòng vốn FDI dịch chuyển theo xu hướng “Trung Quốc +1”. Đại dịch COVID-19 gây ra nhiều tác hại nhưng cũng tạo cơ hội đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số ở mọi lĩnh vực, mọi địa phương. Đây là động lực tạo nên bước nhảy vọt trong tương lai về năng suất lao động, tạo cơ hội cho Việt Nam thu hút đầu tư có hàm lượng công nghệ cao.

Chia sẻ thêm về Diễn đàn Chuỗi Sản xuất Thông minh & Chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024, TS. Phan Hữu Thắng cho rằng các doanh nghiệp có thể tiếp cận nhiều hơn với chuỗi sản xuất thông minh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện khả năng cạnh tranh công nghiệp và đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững.

Sự kiện này có đại diện một số bộ ngành và ban quản lý khu công nghiệp của một số địa phương và các doanh nghiệp điện tử, sản xuất của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Trung Quốc đang hoạt động tại Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, bán dẫn, thiết bị của Việt Nam.

Nội dung của diễn đàn sẽ tập trung xoay quanh các vấn đề: Sản xuất thông minh, sản phẩm trí tuệ, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Vai trò của Việt Nam trong xu hướng mới công nghiệp công nghệ toàn cầu; Vị thế thuận lợi của Việt Nam trong toàn cầu hóa và chính sách hỗ trợ đầu tư nước ngoài của Việt Nam thúc đẩy sự phát triển toàn diện của ngành sản xuất Việt Nam; Xu hướng đầu tư nước ngoài vào ngành sản xuất thông minh của Việt Nam trong thời gian tới.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/ts-phan-huu-thang-viet-nam-can-tien-len-mat-xich-cao-hon-trong-chuoi-san-xuat-toan-cau.html