Trưởng đoàn thanh tra Đỗ Thị Nhàn và phó chánh thanh tra đổ lỗi cho nhau

Trưởng đoàn thanh tra Đỗ Thị Nhàn nói nhận chỉ đạo từ cựu phó chánh thanh tra Nguyễn Văn Hưng để chỉnh sửa số liệu thực trạng yếu kém của Ngân hàng SCB nhưng ông Hưng phủ nhận.

Ngày 14-3, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị cáo khác về những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan.

Phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi của luật sư bào chữa cho các bị cáo. Trước khi bắt đầu phiên tòa, chủ tọa cũng thông báo trong buổi sáng sẽ cố gắng xong phần xét hỏi của luật sư, chiều nay, HĐXX sẽ tiến hành xét hỏi đối với các bị hại và người liên quan trong vụ án. Chủ tọa cũng lưu ý đối với tất cả các bị cáo, trong quá trình xét hỏi nếu những câu hỏi nào bất lợi cho mình hoặc bản thân không rõ thì có thể không trả lời.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II) thuộc NHNN, trưởng đoàn thanh tra Ngân hàng SCB) có năm luật sư bào chữa. Theo đó, các luật sư của cựu cục trưởng thanh tra tập trung xét hỏi các bị cáo liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của bị cáo này để làm rõ vai trò trong vụ án.

Khi được các luật sư của bị cáo Đỗ Thị Nhàn xét hỏi, bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu phó chánh thanh tra phụ trách cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN) cho biết với vai trò là phó chánh thanh tra, bị cáo không chủ động và không chỉ đạo bị cáo Nhàn sửa số liệu về thực trạng của ngân hàng SCB. "Bị cáo không trực tiếp là người đi thanh tra mà chỉ là người ký quyết định thanh tra", ông Hưng nói.

Bị cáo Nguyễn Văn Hưng, cựu phó chánh thanh tra phụ trách cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng (thuộc NHNN) phủ nhận chỉ đạo Đỗ Thị Nhàn chỉnh sửa số liệu thanh tra tại ngân hàng SCB. Ảnh: HOÀNG GIANG

Bị cáo Hưng cũng giải thích thêm: "Theo quy định của pháp luật, thì tôi ra quyết định thanh tra còn đoàn thanh tra phải có trách nhiệm thực hiện thanh tra theo kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt".

LS của bà Nhàn hỏi: "Ông xác nhận lại một lần nữa là ông có chỉ đạo bà Nhàn chỉnh sửa số liệu về thực trạng yếu kém, những sai phạm của ngân hàng SCB hay không? Cạnh đó, sau khi thanh tra hai lần, ông có nhận được hai báo cáo liên quan đến kết quả thanh tra của hai đợt đó không?".

"Không! Tôi không chủ động, không chỉ đạo làm sai lệch, sửa đổi kết quả thanh tra tại SCB. Đối với hai báo cáo của đoàn thanh tra, tôi đã được nhận các báo cáo này, còn việc báo cáo của đoàn thanh tra (trưởng đoàn Đỗ Thị Nhàn ký báo cáo) có trung thực hay không thì trong cáo trạng và kết luận điều tra đã nêu rõ nên không trả lời lại".

Trước phần trình bày trên của Nguyễn Văn Hưng, bị cáo Đỗ Thị Nhàn đã có quan điểm trái ngược. Bà Nhàn cho rằng bản thân được nhận chỉ đạo từ ông Hưng để chỉnh sửa số liệu tại ngân hàng SCB.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn, trưởng đoàn thanh tra ngân hàng SCB khai nhận chỉ đạo từ Nguyễn Văn Hưng để chỉnh sửa báo cáo kết luận thanh tra. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cụ thể, bị cáo Đỗ Thị Nhàn dẫn chứng: "Cáo báo cáo thanh tra được hoàn thành vào ngày 11-1-2018 đã được trình lên anh Hưng kèm theo hai tờ trình. Ở tờ trình này các thành viên trong đoàn thanh tra đã đề nghị anh Hưng thành lập một bộ phận độc lập với đoàn để kiểm tra lại và tham mưu trước khi ban hành dự thảo kết luận thanh tra nhưng anh Hưng không thực hiện việc này và anh Hưng chỉ đạo sửa các hệ số an toàn của SCB. Sau đó, tôi đã chỉ đạo cấp dưới là Nguyễn Thị Phụng và tổ tổng hợp gồm: Vũ Khánh Linh, Nguyễn Tuấn Anh… sửa trong báo cáo kết luận thanh tra. Đồng thời, trong cáo trạng và kết luận điều tra cũng đã nêu rõ vấn đề này".

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn cũng trình bày thêm tại thời điểm ban hành kết luận thanh tra số 3959 ngày 4-12-2018, nếu ngân hàng SCB thực hiện nghiêm những kiến nghị tại kết luận thanh tra đó thì đã không có chuyện như ngày hôm nay.

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 14-3. Ảnh: HOÀNG GIANG

LS bào chữa cho bị cáo Lưu Quốc Thắng (cựu trưởng ban kiểm soát Ngân hàng SCB) tập trung xét hỏi các bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu chủ tịch HĐQT), Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) và Trương Khánh Hoàng (quyền tổng giám đốc SCB) để xác định lại trách nhiệm cho thân chủ của mình.

LS cho biết các bản khai trong quá trình điều tra và trong hồ sơ vụ án thể hiện tại thời điểm Lưu Quốc Thắng làm trưởng ban kiểm soát Ngân hàng SCB hàng tháng đều có các báo cáo cảnh báo về nhiều vi phạm trong các khoản vay tuy nhiên ban lãnh đạo ngân hàng SCB và HĐQT đều không có phản hồi.

Bị cáo Bùi Anh Dũng thì cho biết không nhớ có nhận được các báo cáo từ ban kiểm soát hay không. Còn Võ Tấn Hoàng Văn khai không nhớ chính xác nhưng về chức năng nhiệm vụ của ban ban kiểm soát thì việc gửi báo cáo cảnh báo là quyền hạn của ban kiểm soát, nếu ban kiểm soát có yêu cầu tổng giám đốc giải trình thì bị cáo sẽ giải trình.

Trương Khánh Hoàng thì khai trong thời gian làm quyền tổng giám đốc có nhận được các văn bản báo cáo của kiểm toán nội bộ và ban kiểm soát. Sau khi nhận được những kiến nghị này Hoàng cũng đã phân công cho cấp dưới đi kiểm tra và HĐQT cũng đã tổ chức các cuộc họp liên quan đến các vấn đề này.

"Những vấn đề mà anh Thắng nêu không phải là không đúng mà trong đó có cả những khách hàng bên ngoài và khách hàng vay của nhóm chị Lan nên khi bị cáo nhận được các báo cáo này bị cáo đã phân công cho cấp dưới đi kiểm tra các khoản vay tại các chi nhánh"- bị cáo Hoàng trình bày.

HỮU ĐĂNG - YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/truong-doan-thanh-tra-do-thi-nhan-va-pho-chanh-thanh-tra-do-loi-cho-nhau-post780333.html