Trường đại học nào có số giáo sư, phó giáo sư được công nhận nhiều nhất 2023?

Sau khi Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023 cho 630 nhà giáo, Hội đồng Giáo sư nhà nước sẽ giao các cơ sở giáo dục đại học có ứng viên đạt chuẩn tổ chức công nhận và trao quyết định.

Trong số 630 nhà giáo được nhận quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023 năm nay (trong đó 58 giáo sư, 572 phó giáo sư), Đại học Quốc gia TP.HCM là đơn vị có số lượng Giáo sư, Phó Giáo sư được công nhận nhiều nhất (2 Giáo sư và 36 Phó Giáo sư).

Tiếp đến, trong top 10 gồm các đơn vị: Đại học Quốc gia Hà Nội (7 Giáo sư và 27 Phó Giáo sư); Đại học Bách khoa Hà Nội (5 Giáo sư và 29 Phó Giáo sư); Đại học Thái Nguyên (2 Giáo sư và 27 Phó Giáo sư); Trường Đại học Cần Thơ (3 Giáo sư và 21 Phó Giáo sư); Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (4 Giáo sư và 14 Phó Giáo sư); Đại học Huế (1 Giáo sư và 17 Phó Giáo sư); Đại học Đà Nẵng (18 Phó Giáo sư); Học viện Kỹ thuật Quân sự (1 Giáo sư và 14 Phó Giáo sư); Trường Đại học Y Hà Nội (4 Giáo sư và 9 Phó Giáo sư).

So sánh số giáo sư và phó giáo sư của các đơn vị trong top 10 cho thấy số lượng của các đơn vị này chiếm tỷ lệ lớn với 230/630 trong tổng số giáo sư, phó giáo sư được công nhận trên cả nước năm 2023. Trong đó 201 phó giáo sư và 29 giáo sư. Riêng số lượng giáo sư của top 10 chiếm khoảng 50% số giáo sư được công nhận năm nay.

Ba tân giáo sư trẻ nhất năm nay cùng sinh năm 1984 (39 tuổi), gồm: Thầy Trần Xuân Bách, Giáo sư ngành Y học, Giảng viên cao cấp, Phó Trưởng Bộ môn Kinh tế Y tế, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội; Thầy Nguyễn Đại Hải, Giáo sư ngành Hóa học, Phó Viện trưởng kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ, Viện Công nghệ Hóa học, Viện Hàn Lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam; Thầy Đoàn Thái Sơn, Giáo sư ngành Toán học, Quyền Viện Trưởng Viện Toán học, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Đáng chú ý, trong số các tân giáo sư năm nay, bà Tạ Thị Hoài An (sinh năm 1972) - nghiên cứu viên cao cấp Viện Toán học (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) trở thành nữ giáo sư toán học thứ ba của Việt Nam trong gần 70 năm qua.

Năm nay, các ngành không có giáo sư nào gồm: sử - khảo cổ học - dân tộc học; ngôn ngữ học; văn học, dược học, giáo dục học; liên ngành triết - khảo cổ - dân tộc học.

So với năm 2022, số lượng giáo sư, phó giáo sư được thông qua năm nay tăng gấp 1,6 lần. Đây cũng là năm có số lượng ứng viên được thông qua nhiều nhất trong vòng 5 năm qua. Cụ thể, số lượng các giáo sư, phó giáo sư đạt chuẩn các năm trước lần lượt là: 383 (năm 2022), 405 (năm 2021), 339 (năm 2020) và 425 (năm 2019).

Hội đồng Giáo sư Nhà nước yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học có ứng viên đạt chuẩn trong danh sách tổ chức công nhận và trao quyết định.

Theo quy định, nhiệm kỳ bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư là 5 năm. Hết thời hạn 5 năm kể từ ngày có quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn, nếu ứng viên không được bổ nhiệm lại chức danh giáo sư, phó giáo sư tại cơ sở giáo dục đại học, quyết định này hết hiệu lực.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/truong-dai-hoc-nao-co-so-giao-su-pho-giao-su-duoc-cong-nhan-nhieu-nhat-2023-16923112207524071.htm