Trung tướng Phạm Kiệt: Một bản lĩnh, một nhân cách lớn

Trong đội ngũ tướng lĩnh Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc từ 1945-1975, Trung tướng Phạm Kiệt là một vị tướng đặc biệt. Điều đặc biệt đó, không chỉ vì ông là Đội trưởng Đội du kích Ba Tơ huyền thoại, khiến kẻ thù khiếp sợ mỗi khi nghe đến tên Tê-đơ (T.deux, T2, bí danh của đồng chí Phạm Kiệt), một học trò gần gũi của Bác Hồ, được Người dành cho tình cảm và niềm tin đặc biệt, được Người tặng cho 3 bảo vật vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ - 1954, mà ở ông, còn có mối quan hệ sâu sắc và thân tình với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, một nhân duyên lớn, mẫu mực về tình bạn chiến đấu, tình cảm chân thật, trọn vẹn nghĩa tình của ba vị tướng - ba con người huyền thoại...

Từ trước đến nay, đã có nhiều cuốn sách, bài viết về Trung tướng Phạm Kiệt, song cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn những đóng góp cho đất nước; tìm hiểu đầy đủ hơn về nhân cách và bản lĩnh lớn của một con người suốt đời vì đại nghĩa, tận tụy với Tổ quốc và nhân dân. Ở bài viết này, người viết cũng chỉ mong đóng góp một phần rất nhỏ về chân dung một vị tướng tài, đức của Quân đội nhân dân Việt Nam, của lực lượng Công an nhân dân vũ trang - Bộ đội Biên phòng.

Phạm Kiệt - tên thật là Phạm Quang Khanh, cất tiếng khóc chào đời ngày 10-1-1910, trong một gia đình nông dân yêu nước ở làng An Phú, nay là thôn Minh Thành, xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Quê hương ông là vùng đất linh khí của núi Ấn, sông Trà tụ hội. Nơi đây chính là cái nôi văn hóa đầu tiên hình thành nhân cách con người Phạm Kiệt, là cội nguồn bồi đắp cho ông những giá trị tinh thần cao quý và là điểm tựa vững vàng cho ông trong mọi hoàn cảnh, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng về sau. Cũng như bao con người trên quê hương Quảng Ngãi, qua thử thách trong môi trường xã hội và tự nhiên khắc nghiệt, Trung tướng Phạm Kiệt đã tự rèn đúc cho mình một ý chí vươn lên, một tính cách mạnh mẽ, dám xông pha, chịu gian khổ, sẵn sàng hy sinh để xây dựng cuộc sống và luôn ý thức vì nghĩa lớn, vì cộng đồng đất nước.

Trung tướng Phạm Kiệt.

Dường như chính sự nghèo khó của quê hương và truyền thống gia đình đã tạo nên tính cách gan góc, kiên cường, thẳng thắn, chính trực, nhưng giàu lòng nhân ái và sâu nặng nghĩa tình của những người con ưu tú như Trung tướng Phạm Kiệt. Sinh ra trong một gia đình nghèo, lớn lên trên vùng đất có bề dày lịch sử-văn hóa và truyền thống cách mạng, đồng chí Phạm Kiệt đã mau chóng giác ngộ, trở thành người cộng sản kiên cường.

15 tuổi, binh lửa tràn ngập khắp quê hương, chàng trai Phạm Kiệt đã sớm tham gia "Phong trào văn thân" chống Pháp, hoạt động yêu nước và từ đó dấn thân vào con đường cách mạng cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng. Quê hương và gia đình là "cái nôi" được coi là tác nhân cực kỳ quan trọng đến nhân cách của một con người. Sự tác động giữa quê hương và gia đình cũng là nhân tố chính tạo nên đặc trưng nhân cách trong con người đồng chí Phạm Kiệt. Từ một quê hương, một gia đình như thế đã hình thành ở Trung tướng Phạm Kiệt một nhân cách lớn: Trung thực, khiêm tốn, giản dị, sống có tình người, một lòng một dạ thương yêu nhân dân, yêu thương cán bộ, chiến sĩ, luôn đặt lợi ích của nhân dân, Tổ quốc lên trên hết.

Điểm nổi bật của Trung tướng Phạm Kiệt là tính khiêm tốn. Khi xem hồi ký "Từ núi rừng Ba Tơ" của ông, mọi người đều có cùng nhận xét, ông ít nói về mình, không khoe công mình, mà chỉ xem phần đóng góp của mình như một giọt nước giữa đại dương bao la. Về sau cũng vậy, ông rất khiêm nhường, không quan cách, tôn trọng anh em. Trong cuộc sống, ông rất biết kiềm chế để tự chiến thắng mình, không bao giờ kiêu ngạo. Ông luôn thể hiện là người có nhân cách, sống theo ý tưởng cao đẹp, càng trải nghiệm nhiều, hiểu biết nhiều càng không kiêu ngạo. Đó là sự khiêm nhường của một nhân cách lớn.

Ông cống hiến nhiều, con người huyền thoại nhưng lại vô cùng bình dị. Ông sống đơn giản. Trong từng bữa ăn, trang phục, sinh hoạt cho thấy bản thân ông là một tấm gương cần kiệm. Món ăn thường ngày ưa thích của ông là cá bống kho, thịt rim, rau, dưa..., những thứ vốn là sản vật của miền núi Ấn, sông Trà như lúc ông còn ở quê nhà. Với gia đình, ông không để lại về vật chất, tài sản gì cho vợ con, nhưng ngược lại ông thường quan tâm, lo cho người khác hơn là lo cho người thân của mình. Ở ông, những ai đã gặp thường để lại ấn tượng về sự thân thiện, dễ gần.

Ông rất nghiêm khắc nhưng khiêm nhường. Ở ông, ta luôn thấy được một phong thái điềm tĩnh, cởi mở, giọng nói trầm ấm, thân tình, rất dễ gần và dễ mến. Trung tướng Phạm Kiệt là người sống đầy tình người. Trong ông, tình yêu quê hương, gia đình, tình mẫu tử là vô cùng thiêng liêng, không có thứ tình cảm nào thay thế được. Chính tình yêu thương đó đã cho ông sức mạnh để sống bao dung và vượt qua những thử thách lớn lao. Vì vậy, trong mọi sinh hoạt, trong từng lời nói và việc làm, ông luôn quan tâm tới mọi người, đặc biệt là người lính. Ông có tác phong sâu sát, dân chủ, lắng nghe ý kiến cấp dưới, tìm hiểu rất kỹ con người và sự việc, tôn trọng sự thật và chân lý.

Ngay từ những ngày đầu tham gia cách mạng, Trung tướng Phạm Kiệt đã sớm bộc lộ những phẩm chất thiên tư bẩm sinh tốt đẹp, phẩm chất đó dần được định hình và ngày càng thể hiện rõ là một người chỉ huy kiên quyết, táo bạo, tính quyết đoán, chủ động nắm bắt thời cơ, không chờ đợi; tư duy nhìn xa trông rộng và tính cách trung thực, dám nói, dám làm vì nghĩa lớn.

Tính quyết đoán, chớp thời cơ của Trung tướng Phạm Kiệt được thể hiện tiêu biểu trong khởi nghĩa Ba Tơ, trong những chuyến tháp tùng Bác Hồ đi công tác, trong chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân vũ trang bắn rơi hàng trăm máy bay Mỹ; đánh, bắt hàng trăm toán gián điệp biệt kích Mỹ-ngụy tung ra miền Bắc, trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc.

Đức tính thẳng thắn, trung thực, vì nghĩa lớn là một trong những phẩm chất của Trung tướng Phạm Kiệt. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: "Ông được nhiều người yêu quý, vì là một con người trung thực, thẳng thắn, lúc nào cũng dám nói thẳng, nói thật, không úp mở, rào chắn, bởi trách nhiệm cao trong phụng sự nhân dân, Tổ quốc". Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sau khi nắm chắc tình hình, ông là người đồng tình ủng hộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp về chủ trương chuyển hướng chiến lược từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, thắng chắc và là người có vai trò tích cực trong kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện chủ trương chuyển hướng chiến lược này.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Sau này mới biết có cán bộ lo ngại, nhưng khi đó không một ai nói lên ý nghĩ thật của mình vì ngại cho là dao động. Tôi đánh giá rất cao ý kiến của anh Phạm Kiệt... Tôi càng thấy rõ anh Kiệt là một cán bộ có trình độ chính trị và quân sự, có tinh thần kiên định, lại có bản lĩnh vì nghĩa lớn, nói lên sự thật không chút ngần ngại. Anh đã để lại cho chúng ta một tấm gương về đức tính, về bản lĩnh của người đảng viên cộng sản".

Điều đó cho thấy, Trung tướng Phạm Kiệt là một nhà quân sự có nhãn quan đặc biệt, sống trung thực, tất cả vì nghĩa lớn. Phẩm chất này, về sau ông vẫn thường nhắc đi nhắc lại với đồng đội và các con của mình: "Nói thẳng, nói thật cũng phải dũng cảm hy sinh không kém gì xông pha trên chiến trường".

Trong cuộc sống, Trung tướng Phạm Kiệt đã để lại trong lòng nhiều thế hệ người lính quân hàm xanh và biết bao người khác về hình ảnh một vị tướng thẳng thắn, trung thực, sống giản dị, giàu lòng vị tha, được cán bộ, chiến sĩ và mọi người vô cùng yêu mến.

Trong chiến đấu, ông là vị chỉ huy có bản lĩnh, dũng cảm, thông minh, có nhiều cách đánh sáng tạo, có hiệu quả. Ông là một vị Tướng luôn đặt lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc lên trên hết.

13 giờ ngày 23-1-1975, trái tim đầy nhân hậu của người anh hùng huyền thoại-Trung tướng Phạm Kiệt đã ngừng đập nhưng nhân cách và bản lĩnh của ông đã để lại huyền thoại về một con người tận trung với nước, chí hiếu với dân, một bài học lớn vô ngần về đức tính trung thực, dám nhìn thẳng vào sự thật, dũng cảm nói lên sự thật, vì đại nghĩa dân tộc, hạnh phúc nhân dân; tính cách dứt khoát, kiên quyết trong lãnh đạo, chỉ huy, nhưng trái tim đầy nhân hậu vẫn mãi ngời sáng. Tổ quốc đã ghi công ông. Các thế hệ đồng chí, đồng đội đã noi theo tấm gương và hình ảnh cao đẹp của ông, tiếp bước con đường ông đang đi dở.

Với những công lao đóng góp cho nhân dân, cho đất nước, Trung tướng Phạm Kiệt được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh (23-1-1975). Gần 40 năm sau khi ông về cõi vĩnh hằng, ngày 25-7-2012, Đảng, Nhà nước đã truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Trung tướng Phạm Kiệt. Đây là phần thưởng xứng đáng cho công lao cống hiến của ông, nhằm tôn vinh người anh hùng suốt cả cuộc đời đã tận tụy vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Nhân cách, bản lĩnh và công lao của vị danh tướng tài ba Phạm Kiệt đã và sẽ sống mãi trong lòng quê hương, đất nước và cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang, Bộ đội Biên phòng ngày nay.

PHẠM HUY TẬP

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/trung-tuong-pham-kiet-mot-ban-linh-mot-nhan-cach-lon-768073