Trung Quốc trưng bày 'Titanic của phương Đông'

Triển lãm về vụ đắm tàu Tek Sing, xác tàu buôn Trung Quốc bị chìm ngoài khơi Indonesia vào thời nhà Thanh (1644-1911), đã khai mạc ngày 24/8 tại Bảo tàng Hàng hải Trung Quốc ở Thượng Hải. Triển lãm dự kiến kéo dài đến tháng 1/2022.

Mô hình con tàu đắm Tek Sing lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc

Tek Sing thường được gọi là "Titanic của phương Đông" vì đây là con tàu cánh buồm bằng gỗ lớn nhất của Trung Quốc từng được phát hiện trong lịch sử khảo cổ học biển và có số lượng lớn các di vật nguyên vẹn được phát hiện tại nơi nó bị đắm.

Triển lãm gồm bốn phần bao gồm hành trình diệt vong của tàu Tek Sing cách đây 200 năm, nơi nó được phát hiện và trục vớt bởi các đội cứu hộ nước ngoài. Các doanh nhân Trung Quốc đã nỗ lực mang lại hàng ngàn di vật được tìm thấy từ xác tàu về nước thông qua các cuộc đấu giá và các chương trình mua lại.

Đây là triển lãm quy mô lớn đầu tiên về vụ đắm tàu Tek Sing ở Trung Quốc, triển lãm trưng bày hơn 400 đồ sứ, bao gồm bát, chén, đĩa và lọ men trắng xanh, men trắng và nâu xanh.

Một chiếc bát sứ men xanh được tìm thấy trên con tàu đắm.

Vì các mảnh sứ trong đống đổ nát trên tàu đều được sản xuất tại các lò nung Đức Hoa nổi tiếng ở tỉnh Phúc Kiến, miền đông Trung Quốc, triển lãm cũng đi sâu vào lịch sử 1.000 năm của lò nung, nơi chủ yếu sản xuất đồ gốm để xuất khẩu.

Tek Sing là nhân chứng cuối cùng, một ví dụ thu nhỏ của Con đường Tơ lụa trên biển cổ đại của Trung Quốc. Tàu Tek Sing dài 50m, rộng 10 m, khởi hành từ cảng Hạ Môn vào tháng 1/1822, nhưng không may bị chìm sau khi va phải một tảng đá lớn gần Indonesia. Theo ước tính, khoảng 1.600 hành khách và thủy thủ đoàn đã cùng con tàu nằm lại mãi mãi dưới đáy biển. Đây là vụ đắm tàu có số nạn nhân lớn nhất của Trung Quốc.

Theo báo cáo của The Paper, một cuốn sách do James Horsburgh, một nhân viên của Công ty Đông Ấn Anh, viết năm 1843, ghi lại một số thông tin về vụ đắm tàu, cho biết 140 người đã được cứu khỏi tàu chìm, 1.600 người chết, độ tuổi từ 6 đến 70 tuổi.

Một số bí ẩn về vụ tàu đắm đến nay vẫn chưa có lời giải, chẳng hạn như nguyên nhân nào khiến thuyền trưởng của nó đột ngột thay đổi hướng đi so với lộ trình dự kiến ban đầu.

Hà Thu

Theo The Global Times

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/trung-quoc-trung-bay-titanic-cua-phuong-dong-post1369446.tpo