Trung Quốc: Khó thực hiện giáo dục tại gia

GD&TĐ - Một số phụ huynh Trung Quốc tự giáo dục con tại nhà, tuy nhiên họ có nguy cơ phải trả giá bằng sự thiếu hụt kiến thức trong tương lai của con cái…

“Thí nghiệm” thất bại

Li Jingci, 20 tuổi, khi còn nhỏ chỉ đến trường học 3 năm trước khi được bố đưa về dạy tại nhà với lí do “con tôi chẳng học được gì ở trường”. Ông bố Li Tiejun, nay 74 tuổi, đã tự mình dạy học cho con suốt 11 năm qua.

Mẹ Li Jingci kiện chồng vi phạm Luật Phổ cập GD và thắng kiện nhưng Li vẫn tiếp tục giữ con gái cách li ở nhà mà không chịu án phạt nào.

Sau một thập kỉ, kết quả “thí nghiệm” của Li đã thất bại: Li Jingci gần đây công khai thừa nhận cô thậm chí không thể vượt qua bài thi đơn giản cấp THCS. Ông bố Li Tiejun cũng thừa nhận con gái mình thiếu kiến thức ở cả những môn cơ bản.

Có thể hiểu rằng phụ huynh và học sinh Trung Quốc đã trở nên chán chường và hoài nghi đối với hệ thống GD nặng áp lực cạnh tranh; phụ huynh cũng lo lắng lớp học quá đông học sinh sẽ khiến con mình không được quan tâm GD… Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia giáo dục Trung Quốc tin rằng giáo dục tại nhà vẫn chưa nên khuyến khích ở quốc gia này.

Giáo dục tại nhà trước hết đòi hỏi phụ huynh phải gánh vào toàn bộ trách nhiệm của các giáo viên ở nhiều bộ môn. Có nghĩa là phụ huynh phải nắm kiến thức ít nhất 12 môn học. Thậm chí những phụ huynh có học vấn cao – tốt nghiệp những trường đại học hàng đầu, đạt điểm cao nhất và trở thành một chuyên gia trong một lĩnh vực – cũng khó có thể nắm bắt được kiến thức của các môn học khác.

Thêm nữa, thậm chí nếu một phụ huynh nắm được kiến thức về tất cả những môn chính ở bậc tiểu học và phổ thông thì họ cũng không có kĩ năng sư phạm. Dạy học là một kĩ năng đòi hỏi nhiều năm đào tạo cùng với kinh nghiệm để có thể hình thành kĩ năng và sự kiên nhẫn của một nhà giáo thực sự.

Thành công chỉ là hy hữu

Nhà văn nổi tiếng Zheng Yuanjie, tác giả loạt truyện bán chạy nhất, đã đưa con trai 13 tuổi ra khỏi hệ thống GD vào những năm 1990. Là một nhà văn chuyên nghiệp, Zheng có tài và khả năng viết ra giáo trình riêng ở các môn.

Hiện nay, con trai của Zheng, ở tuổi 30, đang quản lí một công ty chuyên lo thủ tục và giấy phép xuất bản tác phẩm của bố ở nước ngoài. Thành công của Zheng được những người ủng hộ quan điểm GD tại nhà coi là một ví dụ hình mẫu.

Tuy nhiên cần lưu ý thực tế là con trai của Zheng thừa hưởng thành công của bố (xếp hạng là một trong những tác giả giàu nhất Trung Quốc). Các gia đình bình thường ở Trung Quốc không có được mức độ tài năng hoặc thịnh vượng đó.

Câu hỏi đặt ra là những gia đình có thu nhập và kiến thức hạn chế nếu giáo dục con tại nhà có thể mang lại cho trẻ kiến thức giáo dục thích hợp không. Theo ý kiến một chuyên gia giáo dục thì thay vì giáo dục tại nhà, những phụ huynh không hài lòng với GD công lập nên dạy con vào tối và cuối tuần để bổ sung kiến thức và kĩ năng cho con.

Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỉ 21 mới công bố, hiện có 18.000 trẻ (60% từ 4 đến 10 tuổi) tại Trung Quốc đang được giáo dục tại nhà. Báo cáo nêu những lí do chính mà phụ huynh giữ con ở nhà tự dạy: 9,5% tin rằng hệ thống trường công lập chất lượng thấp, 7% cảm thấy trẻ không được tôn trọng ở trường và 6% nói con họ chán chường cuộc sống ở trường.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/trung-quoc-kho-thuc-hien-giao-duc-tai-gia-2624825-b.html