Trung Quốc 'đau đầu' vì dân số suy giảm, kêu gọi 'hãy sinh thêm em bé'

'Hãy sinh thêm em bé nhé' - đó là thông điệp của chính quyền Trung Quốc dành cho các cặp vợ chồng sau nhiều thập kỷ hạn chế các gia đình chỉ có một con. Tại sao lại có sự thay đổi quan điểm này?

Nguyên nhân là do tỷ lệ sinh của đất nước tỷ dân đã giảm bảy năm liên tiếp, dẫn đến dân số giảm trong hai năm qua. Ngay cả trước khi xảy ra đợt suy giảm lịch sử, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đã giảm trong nhiều năm và các dự báo cho thấy 30% dân số sẽ ở độ tuổi 60 trở lên vào năm 2034.

Tỷ lệ sinh của đất nước tỷ dân đã giảm bảy năm liên tiếp.

Điều này đe dọa tăng trưởng kinh tế, vốn được hỗ trợ một phần bởi nguồn cung lao động dồi dào, chưa kể có thể không có đủ người khỏe mạnh để chăm sóc tất cả những người cao tuổi.

Trung Quốc đã mất vị thế quốc gia đông dân nhất thế giới vào tay Ấn Độ vào năm 2023, và kết quả là nền kinh tế Trung Quốc có thể gặp khó khăn trong việc vượt qua Mỹ về quy mô, đặc biệt khi dân số Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục tăng.

Thay đổi chính sách

Năm 1980, nhằm kiểm soát gia tăng dân số bằng 0 vào năm 2000, chính sách một con chính thức có hiệu lực trên khắp Trung Quốc, chỉ ngoại lệ đối với người dân tộc thiểu số và các hộ gia đình ở nông thôn. 38 triệu đảng viên ở Trung Quốc cũng được yêu cầu thực hiện nghiêm túc chính sách này.

Năm 2015, Bắc Kinh chính thức dừng thực hiện chính sách một con với tuyên bố rằng mọi đôi vợ chồng đều được sinh hai con. Đây là một nỗ lực để nhằm đảo ngược tốc độ già hóa nhanh của lực lượng lao động.

Chính sách này ban đầu đầu đã có hiệu quả. Số trẻ sơ sinh năm 2016 là 17,9 triệu, tăng hơn 1 triệu so với năm trước đó.

Tới năm 2021, Bộ Chính trị, cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ra thông báo cho phép tất cả các cặp vợ chồng Trung Quốc sinh thêm con thứ ba, do chính sách hai con không đủ để vực dậy tỷ lệ sinh ở nước này.

Tuy nhiên, số ca sinh vẫn tiếp tục giảm, xuống còn 9,02 triệu vào năm 2023, mức thấp nhất kể từ năm 1949. Một số khu vực đã bắt đầu đưa ra các ưu đãi cho các cặp vợ chồng sinh con, từ việc kéo dài thời gian nghỉ phép của cha mẹ đến trợ cấp và cho vay khi sinh con.

Dân số Trung Quốc đã giảm bao nhiêu?

Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, tỷ lệ sinh giảm và tỷ lệ tử vong tăng khiến số người Trung Quốc sống ở đại lục vào năm 2023 ít hơn 2 triệu người so với năm 2022.

Mức giảm này tăng hơn gấp đôi so với năm 2022, khi dân số Trung Quốc giảm lần đầu tiên kể từ năm 1961.

Trung Quốc đã mất vị thế quốc gia đông dân nhất thế giới vào tay Ấn Độ vào năm 2023.

Số ca tử vong vào năm 2023 tăng lên 11,1 triệu, nhiều hơn gần 700.000 so với năm trước. Cơ quan này không phân tích số ca tử vong theo nguyên nhân, nhưng số ca tử vong liên quan đến Covid-19 có thể đã góp phần làm gia tăng số ca tử vong sau khi chính quyền đột ngột chấm dứt các lệnh hạn chế nghiêm ngặt về đại dịch vào tháng 12/2022.

Vào năm 2023, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc, những người từ 15 đến 59 tuổi, chỉ ở mức trên 61%, giảm so với hơn 70% một thập kỷ trước đó.

Tỷ lệ sinh, hay số lần sinh trung bình trong đời của mỗi phụ nữ, giảm xuống 1,3 vào năm 2020, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết cho một dân số ổn định, không bao gồm tình trạng di cư. Ngoài ra, dường như có sự gia tăng di cư ra nước ngoài của người Trung Quốc trong những năm gần đây, điều này cũng sẽ làm giảm dân số.

Tác động ra sao?

Sự suy giảm số lượng người trong độ tuổi lao động dẫn đến giảm số lượng người thực sự làm việc, điều đó có thể làm tăng chi phí lao động ở Trung Quốc, làm tăng thêm giá hàng hóa sản xuất.

Với việc ít người lập gia đình hơn, nhu cầu về nhà ở lâu dài cũng có thể bị ảnh hưởng, điều này sẽ tác động đến nhu cầu về các mặt hàng như quặng sắt.

Chính phủ cũng có thể gặp khó khăn trong việc chi trả cho hệ thống lương hưu quốc gia đang thiếu vốn. Tất cả những điều đó có thể cắt giảm tiềm năng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế trừ khi các chính sách thúc đẩy sinh con của chính phủ có hiệu lực.

Theo Bloomberg, có thể có những hiệu ứng gợn sóng bên ngoài đất nước. Ví dụ, ít trẻ em hơn có thể làm giảm số lượng sinh viên Trung Quốc tìm kiếm cơ hội học tập ở Mỹ, Úc và các nơi khác.

Các chuyên gia nhận định rằng sự suy giảm này sẽ khó đảo ngược dù chính phủ Trung Quốc đã chấm dứt chính sách một con.

Thêm vào đó, truyền thống ưa thích con trai đã khiến một số gia đình Trung Quốc phá bỏ thai nhi nữ, dẫn đến nhiều bé trai hơn bé gái ở một số tỉnh.

Hải Đăng

Theo Bloomberg

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/trung-quoc-dau-dau-vi-dan-so-suy-giam-keu-goi-hay-sinh-them-em-be-20180504224294341.htm