'Hạn chế thấp nhất việc phải đốn hạ cây xanh để làm dự án'

Tại họp báo thường kỳ của TP.HCM chiều 16/5, đại diện Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP cho biết, việc đốn hạ các cây xanh để thực hiện các dự án, công trình đã được nghiên cứu để hạn chế thấp nhất.

Ông Lê Văn Tấn, Trưởng phòng Công viên Cây xanh, Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP cho biết, cây xanh có vai trò quan trọng trong việc tạo, duy trì cảnh quan đô thị, cải thiện tích cực môi trường sống cho người dân, nhất là nơi có nắng nóng như TP hiện nay. Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, TP.HCM cũng cần phát triển hạ tầng giao thông và các hạ tầng khác.

Theo ông Lê Văn Tấn, thời gian qua, TP.HCM đã triển khai nhiều dự án trọng điểm như xây dựng hệ thống kết nối tuyến Metro số 1, tuyến Metro số 2, nút giao thông An Phú, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám... Để có mặt bằng triển khai thi công, Thành phố đã phải thực hiện việc xử lý nhiều cây xanh trong phạm vi dự án.

Ông Lê Văn Tấn, Trưởng Phòng Công viên cây xanh, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (Ảnh: Thành Nhân)

Ông Lê Văn Tấn, Trưởng Phòng Công viên cây xanh, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (Ảnh: Thành Nhân)

“Đối với việc xử lý cây xanh từ công tác khảo sát, lập dự án các sở ban ngành, các đơn vị liên quan cũng cân nhắc, làm sao hạn chế thấp nhất việc phải đốn hạ cây xanh” - ông Lê Văn Tấn nói.

Sau khi đốn hạ, theo nguyên tắc cây xanh sẽ được trồng lại trong dự án đó. Thành phố cũng ban hành kế hoạch phát triển công viên cây xanh, rà soát các vỉa hè, khu đất trống để trồng cây. Nhiệm vụ này giao cho Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, UBND quận, huyện và các chủ đầu tư dự án để thực hiện.

Cây xanh trên đường Cách mạng Tháng Tám (ảnh minh họa: Hà An)

Cây xanh trên đường Cách mạng Tháng Tám (ảnh minh họa: Hà An)

Ngoài ra, ông Tấn cho biết, nhằm đảm bảo an toàn cho đường phố, hạn chế sự cố cây xanh trong mùa mưa năm 2024, Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ TP.HCM đã làm hai nhiệm vụ là cắt tỉa cây xanh với 2 đợt cắt tỉa; rà soát các cây mục nghiêng, nguy cơ ngã đổ để xử lý. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã xử lý gần 700 cây xanh mất an toàn hoặc có nguy cơ mất an toàn.

Trung tâm cũng phối hợp với các quận, huyện, sở, ban ngành trong công tác xử lý các cây xanh thuộc địa bàn quận huyện và trường học… để đảm bảo an toàn.

Hà Khánh/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/han-che-thap-nhat-viec-phai-don-ha-cay-xanh-de-lam-du-an-post1095628.vov