Trung Quốc công bố tên tàu vũ trụ phục vụ sứ mệnh Mặt Trăng năm 2030

Đúng dịp Tết Nguyên tiêu rằm tháng Giêng ngày 24/2, Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc đã công bố những tên gọi lãng mạn nhưng không kém phần tham vọng của tàu vũ trụ có người lái thế hệ mới và tàu đổ bộ phục vụ sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng trong tương lai.

Tàu vũ trụ có người lái thế hệ mới của Trung Quốc mang tên “Mộng Châu (Mengzhou)”, có nghĩa là “con thuyền mơ ước”, trong khi tàu đổ bộ Mặt Trăng có tên Lãm Nguyệt (Lanyue)”, có nghĩa là “ôm trọn Mặt Trăng”. Hiện tại, tàu vũ trụ Mộng Châu, tàu đổ bộ Lãm Nguyệt và tên lửa đẩy thế hệ mới Trường Chinh-10 đều đã bước vào giai đoạn phát triển sơ bộ.

Hình ảnh tàu vũ trụ đưa người lên Mặt Trăng thế hệ mới của Trung Quốc trên CCTV

Mộng Châu có ý nghĩa mang ước mơ khám phá không gian của người Trung Quốc lên Mặt Trăng, mở ra hành trình mới khám phá không gian, là sự tiếp nối của gia tộc các tàu vũ trụ Thần Châu và Thiên Châu. Tàu vũ trụ có người lái thế hệ mới gồm phiên bản Mặt Trăng và phiên bản gần Trái Đất dùng cho các sứ mệnh trạm vũ trụ trong tương lai, trong đó phiên bản Mặt Trăng được đặt tên Mộng Châu Y (Y là chữ cái đầu tiên của chữ Yùe - Nguyệt, tức Mặt Trăng trong tiếng Trung Quốc).

Lãm Nguyệt lấy từ câu thơ của cố lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông: “Có thể lên chín tầng trời ôm trọn vầng trăng” (Khả thượng cửu thiên lãm nguyệt). Đây là cái tên đầy tham vọng, thể hiện khí phách và sự tự tin của người Trung Quốc trong khám phá vũ trụ.

Theo tiết lộ của Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc, hai tên lửa đẩy Trường Chinh-10 sẽ lần lượt đưa tàu đổ bộ Lãm Nguyệt và tàu vũ trụ Mộng Châu lên quỹ đạo chuyển dịch giữa Trái Đất và Mặt Trăng.

Ông Quý Khởi Minh (Ji Qiming), trợ lý Chủ nhiệm Văn phòng Công trình vũ trụ có người lái Trung Quốc, cho biết: “Hai tàu vũ trụ sẽ gặp nhau và cập bến quỹ đạo Mặt Trăng. Các phi hành gia lên tàu đổ bộ và tàu đổ bộ sẽ đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng. Phi hành gia sẽ thực hiện các cuộc khảo sát khoa học và thu thập mẫu vật theo kế hoạch trên bề mặt Mặt Trăng. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, phi hành gia lên tàu đổ bộ Lãm Nguyệt và bay lên quỹ đạo Mặt Trăng. Hai tàu gặp nhau và cập bến một lần nữa. Các phi hành gia chuyển các mẫu vật Mặt Trăng sang tàu vũ trụ và tàu vũ trụ quay trở lại Trái Đất từ quỹ đạo chuyển giao giữa Mặt Trăng và Trái Đất.”

Sau khi hoàn thành việc xây dựng trạm vũ trụ, đưa người lên Mặt Trăng trở thành mục tiêu tiếp theo của Trung Quốc trong khám phá không gian. Theo kế hoạch, nước này đặt mục tiêu đưa phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2030, sau đó sẽ xây dựng trạm nghiên cứu khoa học để thực hiện việc thăm dò Mặt Trăng một cách có hệ thống và liên tục cũng như xác minh các thử nghiệm công nghệ.

Hồi tháng 8/2023, Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc đã phát động một cuộc trưng cầu công khai tên tàu vũ trụ cho các sứ mệnh đưa người lên Mặt Trăng và nhận được gần 2.000 bài dự thi của các tổ chức, cá nhân thuộc nhiều lĩnh vực. Hai tên gọi Mộng Châu và Lãm Nguyệt đã được các chuyên gia lựa chọn.

Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/trung-quoc-cong-bo-ten-tau-vu-tru-phuc-vu-su-menh-mat-trang-nam-2030-post1078789.vov