Trung Quốc cắt giảm lãi suất sâu nhất kể từ năm 2020 khi khủng hoảng kinh tế ngày càng sâu sắc

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc bất ngờ giảm lãi suất cơ bản nhiều nhất kể từ năm 2020, để thúc đẩy nền kinh tế đang đối mặt với những rủi ro mới từ tình trạng bất động sản sụt giảm nghiêm trọng và chi tiêu của người tiêu dùng yếu.

Tòa nhà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ở Bắc Kinh. Nguồn: Bloomberg

Cắt giảm lãi suất gây áp lực lên tỷ giá hối đoái

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã hạ lãi suất cho các khoản vay một năm - hoặc cơ sở cho vay trung hạn - 15 điểm cơ bản, xuống 2,5% vào ngày 15/8, mức giảm thứ hai kể từ tháng 6. Lãi suất chính sách ngắn hạn cũng bị cắt giảm 10 điểm cơ bản.

Động thái bất ngờ diễn ra ngay trước khi công bố dữ liệu hoạt động kinh tế đáng thất vọng của tháng 7, cho thấy tăng trưởng trong chi tiêu của người tiêu dùng, sản lượng công nghiệp và đầu tư trượt dốc và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 ở mức khoảng 5%, nhưng các nhà phân tích của Nomura cảnh báo, nước này có thể lại trượt mục tiêu như năm ngoái.

"Chúng tôi cũng nhận thấy rủi ro lớn hơn đối với dự báo tăng trưởng 4,9% hàng năm của chúng tôi cho cả quý III và quý IV, và ngày càng có khả năng tăng trưởng GDP năm nay sẽ vượt mốc 5,0%" - chuyên gia của Nomura phân tích.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), nhu cầu trong nước vẫn “không đủ” và “nền tảng phục hồi của nền kinh tế vẫn cần được củng cố”. NBS cho biết trong một tuyên bố, Trung Quốc cần “đẩy mạnh điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô và tập trung vào việc mở rộng nhu cầu trong nước, nâng cao niềm tin và ngăn ngừa rủi ro”.

Việc cắt giảm lãi suất đã thúc đẩy trái phiếu chính phủ và gây áp lực lên tỷ giá hối đoái. Lợi tức kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc giảm 7 điểm cơ bản, xuống 2,56%, mức thấp nhất kể từ năm 2020. Đồng Nhân dân tệ trong nước suy yếu phiên thứ tư vào ngày 15/8, giảm 0,23% xuống 7,2744/USD vào lúc 11:32 cùng ngày, tại Thượng Hải.

Động thái của PBOC là động thái đầu tiên dưới thời Thống đốc mới Pan Gongsheng , một cựu phó của PBOC, người đã được thăng chức vào tháng trước sau khi Yi Gang nghỉ hưu.

Đã có một loạt tin xấu về kinh tế kể từ khi PBOC có lãnh đạo mới vào tháng trước, với dữ liệu tuần trước cho thấy các khoản vay ngân hàng giảm xuống mức thấp nhất trong 14 năm vào tháng 7, giảm phát trong nước và xuất khẩu sụt giảm.

Động thái chính sách bất ngờ cho thấy mối lo ngại ngày càng tăng từ các nhà hoạch định chính sách về triển vọng xấu đi, đặc biệt là trên thị trường bất động sản, nơi một nhà phát triển bất động sản lớn hiện đang phải đối mặt với khủng hoảng nợ và doanh số bán nhà tiếp tục giảm.

Rủi ro cũng đang lan sang lĩnh vực tài chính, nơi một chi nhánh của một tập đoàn tài chính lớn, có liên quan đến lĩnh vực bất động sản, đã bỏ lỡ các khoản thanh toán cho một số sản phẩm đầu tư.

Ảnh hưởng lan rộng

Những khó khăn về kinh tế của Trung Quốc đang ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới và khiến các nhà hoạch định chính sách toàn cầu lo lắng. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, sự chậm lại của Trung Quốc là một “yếu tố rủi ro” đối với nền kinh tế Mỹ, mặc dù tác động sẽ lớn hơn đối với các nước láng giềng châu Á. Tổng thống Joe Biden đã phát biểu tại một buổi gây quỹ vào tuần trước rằng, các vấn đề kinh tế của Trung Quốc là một “quả bom hẹn giờ” đối với nước này.

Một công nhân hàn tại một khu chợ đang được xây dựng ở Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Bắc Kinh đang phải đối mặt với nhiều lời kêu gọi bổ sung các biện pháp kích thích tiền tệ và tài chính, để hỗ trợ nền kinh tế kể từ tháng 7. Một cố vấn của ngân hàng trung ương đã kêu gọi hỗ trợ trực tiếp cho người tiêu dùng để giúp thúc đẩy chi tiêu.

Các nhà quan sát thị trường cho biết, tăng trưởng tín dụng thấp kỷ lục và rủi ro giảm phát gia tăng trong tháng 7 đòi hỏi phải có nhiều biện pháp nới lỏng tiền tệ hơn để ngăn chặn đà giảm tốc, trong khi rủi ro vỡ nợ ở một số nhà phát triển bất động sản và việc một nhà quản lý tài sản tư nhân chậm thanh toán cũng làm giảm niềm tin của thị trường.

Nie Wen, một nhà kinh tế tại Hwabao Trust kỳ vọng, trái phiếu đặc biệt sẽ được giới thiệu khẩn cấp và cho biết xác suất cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) trong ngắn hạn là tương đối lớn.

Carlos Casanova, chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Á tại Union Bancaire Privee kỳ vọng PBOC cũng sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng trong thời gian tới.

Hành động nới lỏng của ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ gây thêm áp lực lên đồng Nhân dân tệ, vốn đã giảm xuống mức yếu nhất kể từ tháng 11 năm ngoái, khi triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế suy yếu. Với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vẫn tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu chính phủ Mỹ và Trung Quốc kỳ hạn 10 năm hiện là hơn 160 điểm cơ bản, mức chênh lệch lớn nhất kể từ năm 2007, thúc đẩy dòng vốn ngoại chảy ra.

Dữ liệu của NBS cho thấy, chi tiêu của người tiêu dùng cho các dịch vụ, chẳng hạn như ăn uống vẫn mạnh, trong khi chi tiêu cho hàng hóa, như quần áo, mỹ phẩm, đồ trang sức và đồ điện tử gia dụng giảm đáng kể.

Helen Qiao - Kinh tế trưởng của Greater China tại Bank of America, cho biết, giá thấp có lẽ cũng góp phần vào số liệu hàng tiêu dùng yếu.

Sản xuất công nghiệp có khả năng bị ảnh hưởng bởi mưa lớn và lũ lụt nghiêm trọng ở một số vùng của đất nước vào tháng trước. Đầu tư cố định của doanh nghiệp tư nhân cũng cho thấy dấu hiệu của niềm tin yếu.

Dữ liệu ngày 15/8 “cho thấy nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn như thế nào khi đi ngược chiều gió, với những thách thức từ hầu hết các khía cạnh và hỗ trợ chính sách hiệu quả từ một số khu vực” - Bruce Pang, Kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Jones Lang LaSalle Inc cho biết./.

Hoàng Lê (theo Bloomberg)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/trung-quoc-cat-giam-lai-suat-sau-nhat-ke-tu-nam-2020-khi-khung-hoang-kinh-te-ngay-cang-sau-sac-134012.html