Trưng bày trực tuyến trong bảo tàng: Tiềm năng còn chờ giải pháp

Trưng bày trực tuyến được xem là một trong những ứng dụng mạnh mẽ của khoa học - công nghệ vào hoạt động bảo tàng, nhưng để đi đường dài phải tính giải pháp từ hôm nay.

Chuyển mình cùng nhịp sống 4.0

Trưng bày trực tuyến hay còn gọi là trưng bày ảo, bảo tàng ảo là hình thức trưng bày dựa trên nền tảng trực tuyến, cho phép người xem có thể tiếp cận với trưng bày thông qua các thiết bị thông minh như: điện thoại thông minh, máy tính, máy tính bảng, các thiết bị VR (thực tế ảo)... Một trong những bảo tàng đầu tiên trên thế giới, Bảo tàng Louvre ở Pháp thực hiện miễn phí tham quan cho du khách qua màn hình thực tế ảo với nhiều chủ đề khác nhau như: trưng bày Cuộc phiêu lưu của nghệ sĩ (The Adventure of the Artist), Bộ sưu tập cổ vật Ai Cập D’Apollon (Egyptian antiquities Galerie d’Apollon).

Khách tham quan tương tác cùng robot thông minh tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM

Theo nhiều chuyên gia di sản, với bảo tàng hiện đại, trưng bày ảo là giải pháp công nghệ tối ưu cho việc thông tin giá trị của di sản, cải thiện mối quan hệ giữa bảo tàng và công chúng, mang trưng bày đến với khách tham quan một cách thuận lợi, đa dạng. Trưng bày trực tuyến còn giúp bảo tàng giải quyết bài toán về vị trí trưng bày và có thể quản lý vị trí trưng bày ở bất kỳ đâu, trong khi du khách ở bất kỳ địa điểm, thời gian nào cũng có thể tiếp cận được trưng bày, nhờ đó lan tỏa các hoạt động của bảo tàng với công chúng. Mặt khác, trưng bày ảo cũng có khả năng khắc phục những vấn đề về giới hạn dung lượng, hiện vật, giới hạn về không gian trưng bày của một triển lãm truyền thống. Việc chuyển những chuyên đề đã ngừng phục vụ tại bảo tàng thành các chuyên đề trực tuyến còn giúp tiếp tục phát huy được hiệu quả của những trưng bày này, giúp khách tham quan thêm cơ hội tiếp cận những nguồn tư liệu quý.

Tại TPHCM, một số bảo tàng công lập gần như đã triển khai trưng bày trực tuyến, phát triển mô hình “bảo tàng ảo” như: Bảo tàng TPHCM với 32 hiện vật được số hóa 3D, 7 tour tham quan trực tuyến tự động; Bảo tàng Lịch sử TPHCM với dự án “Bảo tàng tương tác thông minh 3D/360” cùng 9 tour tham quan trực tuyến tự động; mô hình tương tác 3D/360 cũng được triển khai tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ với 5 tour tham quan trực tuyến tự động…

Nâng chất lượng trưng bày và nguồn nhân lực

Công nghệ tiện lợi, nhưng đi kèm đó là không ít thách thức trong lộ trình chuyển đổi ở các bảo tàng hiện nay. Đó không chỉ đơn thuần là câu chuyện của công nghệ mà quan trọng nhất vẫn là con người và chất lượng nội dung trưng bày. Theo PGS-TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên: “Công nghệ, khoa học và nghệ thuật là 3 yếu tố quan trọng tạo nên bảo tàng hiện đại. Tuy nhiên, để xây dựng, duy trì và phát triển, cần có yếu tố quan trọng nhất, đó là con người”.

Trong xu thế đổi mới hoạt động trưng bày ở các bảo tàng, nếu chỉ có công nghệ vẫn chưa đủ để phát huy hết khả năng của bảo tàng và giá trị của di sản. Việc ứng dụng công nghệ và tìm mô hình thích hợp với nội dung của bảo tàng là bài toán không dễ, bởi công nghệ sẽ phát triển không ngừng nhưng nội dung đưa vào đó vẫn giậm chân tại chỗ thì không thể tạo được sức bật để bảo tàng phát huy thế mạnh. Chi phí đầu tư công nghệ, số hóa bảo tàng, vận hành, bảo trì trang thiết bị phục vụ và tính hiệu quả mang lại cũng là một vấn đề rất đáng lưu tâm. Áp dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động trưng bày hiện nay không còn là việc quá khó như trước, nhưng áp dụng sao cho hiệu quả với điều kiện thực tế của từng bảo tàng lại không đơn giản. Nếu không xử lý tốt, rất dễ dẫn tới tình trạng “lệch pha” giữa chi phí đầu tư và hiệu quả mang lại.

Bài học từ Bảo tàng Thư viện tổng hợp Abraham Lincoln (Mỹ) có thể xem là minh chứng cụ thể nhất cho tình trạng “lệch pha”. Bảo tàng này bỏ ra hàng chục triệu USD để áp dụng các công nghệ số hóa hiện vật, trình chiếu hologram 3D hay công nghệ tương tác trực tiếp tận dụng các thiết bị di động để tăng trải nghiệm cho khách. Tuy nhiên, sự đầu tư này đã không mang lại hiệu quả như mong đợi khi suốt 5 năm liền, số lượt khách tham quan đến bảo tàng vẫn “lao dốc” không phanh. Riêng lượng khách đến phân khu nhà hát trong bảo tàng này giảm đến 65% dù đã áp dụng công nghệ trình chiếu hologram.

Có thể thấy, đối với mỗi bảo tàng, bản sắc và sức hấp dẫn tự thân là yếu tố chủ đạo. Nếu nội dung trưng bày chưa được đầu tư hấp dẫn, dẫu là công nghệ hiện đại hay truyền thông hàng đầu, các bảo tàng sẽ khó lòng xây dựng được hành trình phát triển bền vững.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một trong những bảo tàng đầu tiên trên cả nước nghiên cứu ứng dụng thuyết minh đa phương tiện - iMuseum VFA. Chỉ với chiếc điện thoại di động hay máy tính bảng có kết nối internet, khách tham quan có thể tự do khám phá 165 tác phẩm tiêu biểu trên hệ thống của bảo tàng này bất cứ khi nào và ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.

HỒNG DƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/trung-bay-truc-tuyen-trong-bao-tang-tiem-nang-con-cho-giai-phap-post728143.html