Trụ đỡ nông nghiệp

Là đất nước có thế mạnh với hơn 70% dân số hoạt động nông nghiệp nhưng nông sản Việt Nam vẫn ở vị trí thấp trên thị trường nông sản thế giới. Nguyên nhân như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thừa nhận, phần lớn nông sản xuất khẩu ở dạng thô, mới qua sơ chế, chưa có thương hiệu, giá trị gia tăng thấp... Thực tế này cộng với những tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu, dịch Covid-19 kéo dài dẫn đến nhiều ánh nhìn hoài nghi về vai trò trụ đỡ nền kinh tế của ngành nông nghiệp.

Nông nghiệp vượt khó

Kết thúc niên vụ sầu riêng 2021-2022, nhiều nhà vườn rất phấn khởi dù trải qua một mùa vụ đầy khó khăn do thời tiết bất thường, mưa nhiều ngay trong giai đoạn sầu riêng ra bông, đậu trái non dẫn đến chi phí tăng cao nhưng giá sầu riêng vẫn giữ được sự ổn định, năng suất đạt. Thậm chí nhiều nhà vườn còn “thắng lợi kép” cả về năng suất lẫn giá bán như gia đình ông Phan Văn Cường ở ấp 2, xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành. 1 ha sầu riêng 7 năm tuổi đã mang lại cho gia đình ông sản lượng gần 34 tấn, với giá bán 55 ngàn đồng/kg cho cả vườn. Mặc dù vậy ông vẫn không mấy vững tin. “Nói đến cây sầu riêng thì được tới đâu mình làm tới đó thôi, bởi diện tích cây sầu riêng phát triển quá lớn rồi. Không biết thời gian tới giá sẽ ra sao. Chúng tôi giờ chỉ biết trồng sầu riêng thôi chứ cũng không biết trồng cây gì khác” - ông Cường thật tình thổ lộ.

Ngoài giữ vai trò đảm bảo an ninh lương thực, nông nghiệp còn là ngành cung cấp nhiều nguyên liệu đầu vào quan trọng cho công nghiệp chế biến. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Minh Hàng ở huyện Bù Đăng sơ chế, cấp đông sầu riêng phục vụ xuất khẩu - Ảnh: Viết Bằng

Không quá tin tưởng vào loại cây mình đang gắn bó và thậm chí sẵn sàng thay đổi là điều có thật trong suy nghĩ của người nông dân từ xưa đến nay. Câu chuyện “chặt - trồng, trồng - chặt” của người nông dân phản ánh sự thiếu ổn định của nền nông nghiệp. Phần lớn nông sản vẫn phụ thuộc vào thương lái, chạy theo thị trường nên giá cả không ổn định. Đây là khó khăn khi sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn manh mún, nhỏ lẻ.

Những năm gần đây, sầu riêng là cây trồng có giá trị kinh tế rất cao do giá bán luôn ổn định. Diện tích Sầu riêng trên địa bàn tỉnh tính đến cuối năm 2021 đạt gần 3.400 hecta

Tuy nhiên với quyết tâm thay đổi, ngành nông nghiệp đang có những nỗ lực để thoát ra khỏi mặc định về một nền sản xuất xuất thô nguyên liệu, chủ yếu xuất tiểu ngạch như lâu nay và đã có nhiều tín hiệu sáng. Đặc biệt, sau hơn 2 năm chuẩn bị, đàm phán, ngày 11-7 vừa qua, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với trái sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Theo đó, sầu riêng Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả cửa khẩu của Trung Quốc được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu trái cây. Ngoài ra, theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, dự kiến cuối năm nay, một số loại nông sản như nhãn, bưởi, sầu riêng, dừa... sẽ chính ngạch xuất sang các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Không xem nhẹ vai trò của nông nghiệp

Để đạt mục tiêu đến năm 2025 trở thành tỉnh công nghiệp, thời gian qua Bình Phước đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục dịch chuyển hợp lý, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Đến cuối năm 2021, cơ cấu nông - lâm - thủy sản còn không đầy 22%, sản xuất từng bước gắn với chế biến và xuất khẩu. Trong hành trình phát triển ấy, vai trò của nông nghiệp không bị xem nhẹ. Tuy nhiên, đó là nền nông nghiệp gắn với công nghiệp hóa, hướng đến đích là phát triển công nghiệp, dịch vụ chứ không phải sản xuất nguyên liệu đơn thuần và từng bước chuyển đổi số để tối ưu hóa sản xuất.

Khi chúng ta phát triển công nghiệp làm giàu cho đất nước thì chúng ta phải trở lại với câu hỏi: Con người sống bằng công nghiệp hay sống vì nông nghiệp? Nếu công nghiệp có thiệt hại thì chỉ thiệt hại kinh tế, còn nếu nông nghiệp thiệt hại thì loài người sẽ chết đói. Phát triển công nghiệp thì nhiều tiền nhưng công nghiệp không thay thế được nông nghiệp, trong khi nông nghiệp hoàn toàn thay thế được công nghiệp.

Giáo sư, Tiến sĩ VŨ GIA HIỀN

Đồng ý giá trị của nông nghiệp sẽ được gia tăng khi gắn với công nghiệp, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng văn hóa - du lịch, thành viên Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, công nghiệp quay lại phục vụ nông nghiệp là tất yếu. “Công nghiệp vẫn dựa trên cái gốc là nông nghiệp. Vì vậy, ngày nay chúng ta đang nói đến công nghệ về sinh học, công nghệ về nông thôn, công nghệ về sản xuất nông nghiệp. Điều quan trọng là chúng ta phải đủ năng lực đưa công nghiệp vào sản xuất nông nghiệp, đưa nền nông nghiệp từ thủ công sang nông nghiệp hiện đại” - Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Gia Hiền nhấn mạnh.

Để nông nghiệp là trụ đỡ

Tháng 8-2008, tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Đảng đã ban hành Nghị quyết số 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó khẳng định: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước”. Giữa tháng 2 năm nay, phát biểu tại hội nghị tổng kết, đánh giá 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13 về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định: “Ta thấy rất rõ trong những lúc khó khăn thì nông nghiệp, nông thôn, nông dân, hay nói tóm lại nông nghiệp vẫn là trụ đỡ cho nền kinh tế của chúng ta”.

Dưa lưới là một trong những cây trồng mới được nhiều nông dân chọn trồng trong vài năm gần đây. Trong ảnh: Nhà nông Lê Thành Thái ở ấp 1, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh điều khiển hệ thống tưới nhỏ giọt thông qua smartphone - Ảnh:Viết Bằng

Vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp thể hiện ở chỗ là ngành đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia, tạo chân đế bền vững để các ngành kinh tế khác có điểm tựa cất cánh. Không chỉ vậy, nông nghiệp ngoài giữ vai trò đảm bảo an ninh lương thực còn là ngành cung cấp nhiều nguyên liệu đầu vào quan trọng cho công nghiệp chế biến, tăng thêm giá trị sản xuất. Dư địa phát triển của nền nông nghiệp vẫn còn rất lớn, đặc biệt là việc đưa thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất trong giai đoạn công nghiệp 4.0.

Thời gian gần đây, cây chuối cấy mô đang được nhiều doanh nghiệp đầu tư trồng để phục vụ xuất khẩu. Theo Đề án “Phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản sau thu hoạch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, trên địa bàn tỉnh diện tích trồng chuối ước đạt 1.300hecta vào năm 2025, đến năm 2030 là 2.400hecta

Với những hạn chế đã bộc lộ trong quá trình phát triển, dẫu không trở thành động lực tăng trưởng, nhưng nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế quan trọng, đem về nguồn ngoại tệ hàng chục tỷ USD mỗi năm, nên cần có vị trí xứng đáng, sự đầu tư xứng đáng để làm tròn vai trò trụ đỡ của mình. Ngày 16-6-2022, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết xác định: Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh... Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nông dân xã An Khương, huyện Hớn Quản thu hoạch lúa

Tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2021, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng đã phát biểu nhấn mạnh: Chuyển đổi số là cơ hội để ngành nông nghiệp phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch. Đối với Bình Phước, tỉnh có kế hoạch hỗ trợ triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương có thế mạnh, có tính cạnh tranh cao. Số hóa và cập nhật, cung cấp các thông tin nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước về mặt hàng nông sản cả về số lượng, chất lượng, chủng loại, mẫu mã bao bì và thương hiệu. Đó là sự chuẩn bị để ngành nông nghiệp Bình Phước khẳng định vai trò trụ đỡ của mình và sẵn sàng bứt phá trong tương lai.

Kế hoạch số 206/KH-UBND ngày 15-7-2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mục tiêu chung là xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực cả trước mắt và lâu dài...

Nam Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/136872/tru-do-nong-nghiep