Trong những ngày nắng nóng sẽ có những đợt mưa chuyển mùa, làm nhiệt độ giảm

Năm nay, tình hình thời tiết có nhiều bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để hiểu rõ hơn về tình hình nắng nóng, mưa, bão và triều cường từ nay đến cuối năm 2024, phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc phỏng vấn đồng chí Đỗ Huy Lập - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Sóc Trăng.

Phóng viên: Đồng chí cho biết nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn về tình hình nắng nóng, xu hướng mưa, bão, triều cường xảy ra ảnh hưởng khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng trong những tháng tới?

Đồng chí Đỗ Huy Lập - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Sóc Trăng. Ảnh: QUANG BÌNH

Đồng chí Đỗ Huy Lập: Khu vực Nam Bộ nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng vừa trải qua 1 đợt nắng nóng diện rộng và kéo dài nhất trong lịch sử. Theo số liệu quan trắc được thì giá trị nhiệt độ cao nhất tại trạm khí tượng Sóc Trăng đã 3 lần vượt giá trị lịch sử, cụ thể: số ngày nắng nóng kéo 28 - 29 ngày, nhiệt độ cao nhất 37,5˚C (xuất hiện vào ngày 27, 29/4), cao hơn giá trị lịch sử năm 1998 là 0,3˚C.

Hiện tại, hiện tượng ENSO đang chuyển dần từ pha nóng (El-Nino) sang trạng thái trung tính và có khả năng đến khoảng tháng 6 - 7/2024 có thể bước vào chu kỳ La-Nina. Với sự biến đổi như thế thì thời tiết khu vực Nam Bộ nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng sẽ có những biến đổi khá phức tạp. Nắng nóng vẫn còn xuất hiện đến khoảng giữa tháng 5/2024, tuy nhiên không còn tính liên tục và kéo dài như trước nữa bởi vì xen kẽ với những ngày nắng nóng sẽ có những ngày có những đợt mưa chuyển mùa, làm nhiệt độ giảm. Mùa mưa năm 2024 có khả năng bắt đầu vào khoảng giữa tháng 5 (từ ngày 10 đến ngày 20/5/2024). Khả năng sẽ có những đợt mưa lớn diện rộng và thường xảy ra trong các tháng 7, 9 và tháng 10. Sau khi mùa mưa bắt đầu là thời kỳ hoạt động mạnh của gió mùa Tây Nam và La-Nina nên những đợt giảm mưa trong mùa mưa hầu hết là không rõ ràng; trong những đợt giảm mưa này thì vẫn có mưa xảy ra ở một vài nơi và thời gian giảm mưa không dài, chỉ khoảng 3 - 5 ngày. Kết thúc mùa mưa có thể muộn hơn trung bình nhiều năm (khoảng cuối tháng 11).

Mùa mưa bão năm 2024 bắt đầu cùng với chu kỳ La-Nina hoạt động, cho nên năm nay lượng mưa sẽ khá dồi dào, số cơn bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên biển Đông có thể ở khoảng 9 - 11 cơn, ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta khoảng 3 - 5 cơn. Các cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động tập trung vào thời kỳ quý III và IV/2024. Khả năng có 1 - 2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến khu vực Nam biển Đông; cần đề phòng khả năng bão, áp thấp nhiệt đới di chuyển vào khu vực biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau. Xâm nhập mặn vào các sông, kênh rạch có xu thế giảm dần, các đợt xâm nhập mặn tăng cao tập trung vào những ngày cuối tháng 4 đến đầu tháng 5/2024 (từ ngày 28 đến ngày 30/4, từ ngày 7 - 11/5), sau đó giảm nhanh khi bắt đầu bước vào mùa mưa (nửa cuối tháng 5/2024).

Phóng viên: Thưa đồng chí, từ nay đến cuối năm 2024 liệu có khả năng xảy ra những trận thiên tai lớn, dồn dập hay không?

Đồng chí Đỗ Huy Lập: Như đã nói ở trên, hiện tượng ENSO đang chuyển dần từ pha nóng (El-Nino) sang trạng thái trung tính và có khả năng đến khoảng tháng 6 - 7/2024 có thể bước vào chu kỳ La-Nina. Với những thay đổi như vậy, thời tiết khu vực Nam Bộ nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng thường xuất hiện những dị thường xuất hiện liên tục và có thể ảnh hưởng đến khu vực Nam Bộ nói chung và khu vực tỉnh Sóc Trăng nói riêng.

Những tháng chuyển mùa và đầu mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 6), nên các nơi trong tỉnh sẽ xuất hiện nhiều các hiện tượng thời tiết, thủy văn cực đoan đan xen nhau như: nắng nóng, sạt lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn, hạn hán thiếu nước phục vụ đời sống và sản xuất, dông, lốc xoáy, sét, gió giật mạnh và có thể có mưa đá xuất hiện, cho nên bà con cần hết sức đề phòng để tránh thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra. Dông, lốc, sét, mưa đá và mưa lớn cục bộ cường độ mạnh.

Bước vào mùa mưa bão cũng là mùa gió mùa Tây Nam, bà con cần đề phòng những đợt gió mùa Tây Nam mạnh có thể gây ra thời tiết nguy hiểm trên biển làm ảnh hưởng và thiệt hại tới canh tác, sản xuất của bà con. Những đợt mưa lớn diện rộng xảy ra nhiều trong tháng 7, 9 và tháng 10, bà con cần gia cố bờ bao chống tràn, bể; khơi thông kênh rạch để đảm bảo tiêu thoát, chống ngập úng. Đây cũng là thời gian xuất hiện những kỳ triều cường cao và có dòng chảy xiết kết hợp với sóng, gió dễ gây ra sạt lở, tràn, bể bờ bao, đê sông, đê biển nên bà con cần kiểm tra, gia cố bờ bao và các công trình thường xuyên.

Cuối mùa mưa bão năm nay, khoảng cuối tháng 11/2024 đến tháng 2, 3 năm 2025 là bước sang mùa khô năm 2024 - 2025. Trong thời kỳ này có thể xuất hiện những đợt gió mùa Đông Bắc mạnh gây ra thời tiết nguy hiểm trên biển làm ảnh hưởng và thiệt hại tới canh tác của bà con. Xâm nhập mặn có thể xảy ra sớm hơn trung bình nhiều năm và bắt đầu ngay từ tháng 12 năm nay nên bà con cần chủ động tích trữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Phóng viên: Diễn biến của thiên tai trong thời gian tới là hết sức phức tạp, vậy đồng chí có những khuyến cáo gì đối với các địa phương và người dân?

Đồng chí Đỗ Huy Lập: Do tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan và khó lường. Để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, giảm thiểu thiệt hại, các cấp, các ngành cùng nhân dân cần chung tay để ứng phó nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Các cấp, các ngành có liên quan cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống thiên tai cần được quan tâm thực hiện nhằm làm chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm cho các cấp, các ngành và nhân dân trong ứng phó thiên tai và cứu nạn, cứu hộ. Các địa phương cần kiểm tra, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sát với thực tế. Thường xuyên theo dõi, cập nhật và thông tin kịp thời tới người dân các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thủy văn để ứng phó kịp thời các hiện tượng thời tiết nguy hiểm có thể xảy ra. Bờ bao, đê sông, đê biển, các công trình thủy lợi cần kiểm tra và gia cố thường xuyên trước, trong và sau mùa mưa bão để phát huy hết hiệu quả của công trình.

Khi có các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm xảy ra như: mưa dông, lốc xoáy, áp thấp nhiệt đới, bão… thường kèm theo các hiện tượng như: sấm chớp và sét đánh rất nguy hiểm, gây sát thương cao và nguy hiểm đến tính mạng con người nên khi bà con ở ngoài trời cần chủ động vào nơi tránh trú an toàn. Khi bà con ở trong nhà, nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại, trừ trường hợp rất cần thiết. Rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có dông…

Bên cạnh đó, bà con cũng cần theo dõi sát các bản tin cảnh báo, dự báo được phát đi từ Đài Khí tượng Thủy văn và các cơ quan nhà nước để kịp thời nắm bắt tình hình khí tượng thủy văn, mưa dông, gió giật mạnh, lốc xoáy, hạn hán, xâm nhập mặn, bão, áp thấp nhiệt đới… nhằm chủ động trong phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

QUANG BÌNH (thực hiện)

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/trong-tinh/trong-nhung-ngay-nang-nong-se-co-nhung-dot-mua-chuyen-mua-lam-nhiet-do-giam-73139.html