Triển vọng cây lúa nếp Tài ở Yến Dương

Giống lúa nếp Tài ở xã Yến Dương (Ba Bể) đã được đồng bào dân tộc Dao ở các thôn Phiêng Phàng, Nà Pài đưa vào canh tác từ hàng chục năm về trước. Sản phẩm gạo nếp Tài có vị thơm, ngon, chất lượng tốt nên được thị trường tin dùng nhiều năm nay. Việc xây dựng thương hiệu cho giống lúa này đang được cấp, ngành chuyên môn quan tâm đẩy mạnh.

Đây là vụ sản xuất thứ hai, cây lúa nếp Tài trồng ở thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương tiếp tục được cơ quan chuyên môn đánh giá cao về năng suất, chất lượng.

Đồng bào người Dao ở Phiêng Phàng đã sử dụng giống lúa nếp Tài để canh tác từ hàng chục năm về trước. Do phương pháp canh tác truyền thống nên chất lượng, năng suất đạt thấp, giá trị sản phẩm gạo chưa có sức cạnh tranh trên thị trường. Trước tình hình đó, cách đây khoảng 5 năm, cơ quan chức năng của huyện, xã giúp người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, canh tác để nâng cao năng suất, chất lượng. Nhờ vậy đến nay sản phẩm lúa nếp Tài đã có thương hiệu trên thị trường, góp phần tăng thu nhập và giảm nghèo cho người dân địa phương.

Ông Hoàng Văn Duẩn, Phó Chủ tịch UBND xã Yến Dương, huyện Ba Bể.

Nhận thấy tiềm năng và lợi thế của cây lúa nếp Tài, từ năm 2021 đến nay Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp miền núi phía Bắc (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) và chính quyền địa phương tổ chức thực hiện Đề tài “Phục tráng và phát triển một số giống lúa nếp đặc sản, có giá trị cao tại tỉnh Bắc Kạn” tại xã Yến Dương.

Qua kiểm tra, đánh giá sơ bộ của Sở Khoa học và Công nghệ, sau hai vụ triển khai canh tác tại thôn Phiêng Phàng, cây lúa sau khi phục tráng có sức chịu đựng với thời tiết tốt, sinh trưởng và phát triển mạnh, có khả năng chống chịu một số loại sâu bệnh. Đặc biệt là năng suất, sản lượng, chất lượng tiếp tục được nâng lên.

Theo các ông, bà Đặng Thị Đường, Triệu Thị An, Lý Thành Sỹ, thôn Phiêng Phàng - đại diện các hộ dân thực hiện đề tài: Trước đây chưa có kỹ thuật canh tác nên người dân cấy nhiều dảnh trên một hốc, thiếu phân bón hữu cơ, việc điều tiết nước sau khi cấy chưa bảo đảm nên năng suất đạt thấp. Từ khi biết áp dụng các biện pháp kỹ thuật do cán bộ chuyên môn hướng dẫn, bà con đã khắc phục cơ bản tình trạng áp dụng không đúng chu kỳ về phân bón, nước, làm cỏ… đến nay sản lượng lúa đạt gần gấp đôi so với trước.

Ông Hoàng Văn Duẩn, Phó Chủ tịch UBND xã Yến Dương cho biết: Sau khi phục tráng, đến nay toàn xã đã nhân rộng mô hình trồng cây lúa nếp Tài được khoảng 15ha. Phần lớn sản phẩm gạo nếp Tài đã được liên kết bao tiêu sản phẩm, có nhãn mác, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, bình quân giá bán tại địa phương đạt từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Gạo nếp Tài được thị trường ưa chuộng bởi có thể sử dụng để đồ xôi, làm bánh chưng, bánh giày và nhiều loại bánh chế biến từ bột nếp.

Ông Nguyễn Đình Điệp, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn.

Nhận định về đề tài phục tráng, ông Nguyễn Đình Điệp, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn cho hay: "Sau hai năm phục tráng, giống lúa nếp Tài đã cho năng suất cao hơn nhiều so với trước đây, bình quân năng suất đạt từ 40 – 45 tạ/ha, chủ yếu canh tác theo hướng hữu cơ. Đây là điều kiện thuận lợi, làm cơ sở phát triển mở rộng diện tích canh tác theo hướng hàng hóa, tăng tính cạnh tranh trên thị trường lớn. Với sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành về khoa học kỹ thuật, đặc biệt là sự chung tay của các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết bao tiêu sản phẩm, tin rằng trong thời gian tới sản phẩm lúa nếp Tài sẽ trở thành thương hiệu lớn của địa phương".

Với những kết quả tích cực thu được, người trồng lúa nếp Tài ở xã Yến Dương mong muốn tiếp tục được đón nhận các doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh đến ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, chia sẻ lợi ích nhiều hơn với người nông dân. Qua đó bà con có thể mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng giống lúa truyền thống nhằm đưa thương hiệu sản phẩm lúa nếp Tài vươn xa, góp phần tăng thu nhập và phát triển du lịch trải nghiệm tại địa phương./.

Đình Văn

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/trien-vong-cay-lua-nep-tai-o-yen-duong-post57481.html