Lãi ròng Tập đoàn PAN tăng gấp đôi cùng kỳ

Nhờ doanh thu tăng và biên lợi nhuận cải thiện nên dù chi phí bán hàng tăng mạnh, công ty vẫn mang về kết quả khả quan.

Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch PAN Group tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024, CTCP Tập đoàn PAN (mã chứng khoán PAN) mang về doanh thu 3.462 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp đạt 622 tỷ đồng, tương đương biên lãi gộp 18%, cải thiện so với mức 17,1% của quý 1/2023.

Doanh thu hoạt động tài chính không có nhiều biến động, ở mức 124 tỷ đồng; trong khi chi phí tài chính giảm 13% về 105 tỷ đồng (riêng lãi vay giảm 15% về 83 tỷ đồng). Chi phí bán hàng tăng đột biến 63% lên mức 286 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 16% lên mức 157 tỷ đồng.

Kết quả, PAN lãi sau thuế 169 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái; lãi ròng 84 tỷ đồng, hơn gấp đôi so với kết quả của quý 1/2023. Lợi nhuận chưa phân phối tới cuối kỳ đạt 1.523 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 tổ chức ngày 26/4 vừa qua, PAN đã thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần 14.780 tỷ đồng, lãi sau thuế 882 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 12% và 8% so với năm 2023. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 447 tỷ đồng, tăng 10% so với năm ngoái. Nếu hoàn thành, đây sẽ là những chỉ số cao nhất trong lịch sử kinh doanh của công ty.

Thời điểm cuối quý 1/2024, tổng tài sản của PAN đạt 19.879 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số đầu năm. Khoản mục lớn nhất vẫn là các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn với 7.040 tỷ đồng, giảm hơn 200 tỷ đồng so với đầu năm. PAN chủ yếu đầu tư vào chứng khoán kinh doanh với 6.676 tỷ đồng.

Các danh mục tài sản chiếm tỷ trọng lớn khác là các khoản phải thu ngắn hạn (2.011 tỷ đồng), hàng tồn kho (3.050 tỷ đồng), bất động sản đầu tư (419 tỷ đồng), đầu tư tài chính dài hạn (486 tỷ đồng)... Công ty còn có khoản tiền và tương đương tiền 1.754 tỷ đồng, tăng hơn 350 tỷ đồng so với đầu năm.

Bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của PAN ở mức 11.383 tỷ đồng, giảm gần 500 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó vay nợ chiếm hơn 9.000 tỷ đồng, không có nhiều biến động; riêng nợ ngắn hạn là 8.461 tỷ đồng.

Tại đại hội vừa qua, trả lời cổ đông về lo ngại chi phí lãi vay khi vay ngắn hạn tương đối lớn, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch PAN Group cho rằng, mọi người khi đánh giá rủi ro trong tín dụng cần nhìn vào kết quả kinh doanh. PAN vẫn đảm bảo được lợi nhuận và dòng tiền để chi trả được tất cả chi phí, trong đó có lãi vay. “Mọi người vẫn lo ngại về lãi suất nhưng nếu doanh nghiệp không thể sống thì không có ngân hàng nào chấp thuận cho vay cả,” ông Hưng nói.

Bà Nguyễn Thị Trà My - Tổng giám đốc PAN cho biết, Ngân hàng Standard Chartered đã chấp thuận gói vay dành cho PAN đối với cả 3 mảng kinh doanh của tập đoàn. “Hiện tại chúng tôi đang hái quả ngọt trong cả quá trình lâu dài tích lũy phát triển bền vững. Đây cũng là dấu mốc quan trọng để các ngân hàng khác cũng kết nối,” bà My chia sẻ với cổ đông.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/lai-rong-tap-doan-pan-tang-gap-doi-cung-ky-post34221.html