Triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, chậm nhất đến ngày 31-12-2024, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ chính thức thực hiện việc phân loại rác tại nguồn, trong đó có chất thải rắn sinh hoạt.

Để bảo đảm tiến độ đề ra, các địa phương cần sớm ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Về vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Phân loại rác dựa vào hạ tầng xử lý

Phóng viên (PV): Đề nghị ông cho biết thực trạng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta hiện nay như thế nào?

Ông Hoàng Văn Thức: Thống kê lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh thời điểm cuối năm 2019 khoảng 23,6 triệu tấn, đến cuối năm 2023 phát sinh 24,5 triệu tấn. Về cơ sở và công nghệ xử lý hiện nay, toàn quốc có hơn 1.400 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có 7 cơ sở đốt chất thải rắn sinh hoạt phát điện, 476 cơ sở đốt chất thải rắn sinh hoạt không phát điện, 951 cơ sở chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Năm 2019 có 70% rác thải chôn lấp, con số này hiện đã giảm xuống còn khoảng 64%.

Ông Hoàng Văn Thức.

Theo Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, mục tiêu đến năm 2030, toàn quốc giảm tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt chôn lấp xuống còn dưới 30%. Đây là thách thức không hề nhỏ cho ngành tài nguyên-môi trường và các địa phương.

PV: Tính tới thời điểm này, các địa phương đã triển khai như thế nào để đến ngày 31-12-2024, các tỉnh, thành phố sẽ chính thức thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thưa ông?

Ông Hoàng Văn Thức: Theo thống kê của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, có 16 tỉnh, thành phố đã ban hành quy định quản lý chi tiết về chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Đây là quy định trong luật, chính quyền địa phương bắt buộc phải ban hành. Ngoài ra, 14 địa phương tuy chưa ban hành quyết định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt nhưng đã có hướng dẫn về mô hình phân loại rác tại nguồn, tại các hộ gia đình, cá nhân. Như vậy, tổng số đã có 30 địa phương bắt đầu triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình.

Địa bàn từng tỉnh sẽ ban hành quy định cụ thể về khu vực thu gom rác. Ví dụ, tại địa phương quy hoạch có nhà máy sản xuất phân compost thì những địa bàn thu gom rác thải sinh hoạt ở đấy phải hướng dẫn người dân phân loại 3 nhóm chính (chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác).

Đối với khu vực đã xây dựng nhà máy đốt rác phát điện thì chỉ hướng dẫn bà con phân loại rác sơ bộ, tức là chỉ có nhóm tái chế tách ra như chai lọ nhựa, thủy tinh hay kim loại. Còn loại rác đem đốt được thì hướng dẫn bà con vận chuyển rác đúng nơi quy định. Đối với khu vực vẫn đang tồn tại chôn lấp rác thì hướng dẫn bà con phân loại rác có thể tái chế, còn lại để chôn lấp. Tuy nhiên, dù áp dụng công nghệ nào thì công tác phân loại rác vẫn triển khai được trên toàn quốc.

Thành viên Chi hội thu mua ve chai ở phường Hồng Hà (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) tiến hành phân loại rác. Ảnh: DUY QUANG

Phí thu gom rác sẽ được tính theo khối lượng

PV: Thời gian tới, phí thu gom rác sẽ được tính theo khối lượng rác mà hộ gia đình đó phát sinh, chứ không cào bằng. Ông có thể nói rõ hơn về cách tính này?

Ông Hoàng Văn Thức: Về vấn đề này, Cục đang triển khai hướng dẫn các địa phương. Hiện nay, một số địa phương đang giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc các công ty môi trường đô thị thành phố để tính toán. Đơn cử như Hà Nội đang tính toán làm sao để rác đáp ứng đủ công tác thu gom, vận chuyển, phí cho công tác này người dân phải chi trả. Với cách tính của Hà Nội, phí thu gom rác 1 người/tháng là khoảng 20 nghìn đồng.

Theo Luật Bảo vệ môi trường quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý. Trong trường hợp hộ gia đình không phân loại rác hoặc phân loại rác không đúng quy định thì phải trả phí cao hơn.

PV: Để phân loại chất thải rắn sinh hoạt đạt hiệu quả thì cần những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Hoàng Văn Thức: Việc triển khai công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt chỉ đạt được hiệu quả khi có sự chung tay của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Vì vậy, ngay từ bây giờ, UBND các cấp tại từng địa phương trên cả nước cần xây dựng kế hoạch và chuẩn bị nguồn lực để từng bước đưa công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt đi vào thực tế, cụ thể.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm tăng cường thu gom, tái sử dụng, tái chế và thu hồi vật liệu từ sản phẩm thải bỏ; tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường của người dân. Huy động mọi nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý, xử lý chất thải.

Đẩy mạnh xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển và vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt; tăng dần nguồn thu từ tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải, đồng thời giảm dần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Triển khai áp dụng giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, có lộ trình điều chỉnh giá nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu về bù đắp chi phí quản lý vận hành và đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt để phòng ngừa cũng như kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm, ngăn ngừa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hướng giảm lượng chất thải rắn sinh hoạt chôn lấp, tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

LA DUY (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/trien-khai-phan-loai-chat-thai-ran-sinh-hoat-769769