TP.HCM sẽ đột phá, làm quy hoạch theo kiểu Thượng Hải

TP.HCM đang triển khai 'Đồ án quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050'.

Trao đổi với Báo Giao thông, TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn, thành viên Hội đồng triển khai đồ án cho biết, đồ án có rất nhiều điểm mới, mang tính khả thi cao. Đây cũng là cách mà Thượng Hải (Trung Quốc) từng áp dụng.

TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn.

Phát triển đô thị gắn với giao thông

Nhiều người biết ông từng làm quy hoạch cho thành phố Thượng Hải. Giờ ông đang là thành viên Hội đồng triển khai Đồ án quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ông đánh giá thế nào về bản đồ án này?

Đồ án quy hoạch lần này đưa ra nhiều hướng đổi mới, định hướng phát triển đô thị gắn với những ngành khác nhau.

Chẳng hạn tích hợp làm metro theo mô hình TOD (Transit Oriented Development) - mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm; phát triển TP.HCM gắn với kết nối vùng dọc các tuyến Vành đai 3, 4; phát triển đô thị đa trung tâm; phát triển đô thị ven sông Sài Gòn; phát triển kinh tế biển như siêu cảng Cần Giờ, khu đô thị lấn biển…

Đặc biệt, đồ án lần này gắn quy hoạch đô thị với tư duy kinh tế thị trường. Tức là các quy hoạch đều hướng đến tiềm năng thu hút nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư các hạ tầng xã hội và đô thị. Đây là việc rất quan trọng để tạo nguồn thu ngân sách và tính khả thi để thực hiện các quy hoạch.

Trước đây, tôi đã từng làm quy hoạch cho thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), họ cũng làm như vậy và chỉ sau vài thập niên đã phát triển vượt bậc. GPD của Thượng Hải liên tục tăng trưởng hai con số.

Nhưng quy hoạch là bước đầu, quan trọng là việc hiện thực hóa thế nào mới là quan trọng, ông có nghĩ vậy?

Trước đây, chúng ta xây dựng quy hoạch nhưng chưa có kế hoạch triển khai cụ thể. Nhưng lần này sẽ khác.

Chẳng hạn, các tuyến đường Vành đai 2, 3, 4; đường hướng tâm đều được đưa vào các chương trình xây dựng có lộ trình cụ thể. Ngoài thời gian thực hiện đã xác định, nguồn vốn đầu tư cũng đã được bố trí.

Tạo dựng môi trường sống hoàn chỉnh

Trong đồ án có nhấn mạnh đến việc phát triển đô thị đa cực, xanh, thông minh... Ông có thể nói rõ hơn về mô hình này?

Định hướng đa cực, đa trung tâm, tức là ngoài khu vực trung tâm quận 1, quận 3 sẽ có thêm các đô thị vệ tinh khác như: Thủ Đức, Nam Sài Gòn, Tây Bắc… Đây là mong muốn của TP.HCM bấy lâu nay nhưng chưa thực hiện được.

Lâu nay, ở các vùng đô thị vệ tinh chủ yếu chỉ tập trung vào xây dựng công trình nhà ở, phân lô bán nền, bán chung cư, nhà phố… Các nhà đầu tư chưa thật sự quan tâm, chưa xây dựng được môi trường sống hoàn chỉnh thực sự.

Quy hoạch lần này sẽ khắc phục điều đó. Các đô thị trung tâm lớn, trung tâm nhỏ sẽ kết nối với nhau bằng hệ thống giao thông nội thị, giao thông kết nối vùng với các đường vành đai, đường hướng tâm.

Các khu đa trung tâm sẽ đảm bảo cho người dân an cư lạc nghiệp, có hạ tầng xã hội, tiện ích đi kèm, tạo việc làm tại chỗ và khuyến khích người dân làm việc tại chỗ, giảm bớt áp lực giao thông ở những khu vực khác.

Tận dụng cơ chế đặc thù ra sao?

Thực tế hiện nay, thành phố mới chỉ có tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, các tuyến khác vẫn chưa triển khai. Việc kết nối các đô thị đa trung tâm lúc này liệu có khả thi, thưa ông?

Hiện các tuyến metro đang được rà soát lại. Những quy hoạch metro trước đây thực hiện một cách đơn lẻ, chỉ tính đến hướng tuyến chứ chưa tính đến yếu tố đô thị. Còn quy hoạch lần này xác định rõ metro gắn với đô thị, đi qua khu vực nào, tác động đến khu dân cư đó ra sao.

Cầu Ba Son bắc qua sông Sài Gòn nối quận 1 với TP Thủ Đức.

Nghị quyết 98 đã trao cho thành phố khá nhiều cơ chế đặc thù, liệu điều đó có thúc đẩy quá trình triển khai đồ án này nhanh hơn không?

Nghị quyết 98 tạo điều kiện thuận lợi phát triển thành phố trong thành phố, phát triển metro theo mô hình giao thông công cộng gắn với đô thị, bồi thường đất… Tuy vậy, nghị quyết mới là tiền đề, còn để đưa vào hiện thực vẫn cần các pháp lý đi kèm.

Ví dụ làm metro theo mô hình TOD, hiện giờ đã có đơn giá đền bù, nhưng theo giá Nhà nước thì rất thấp so với thị trường. Thấp hơn thị trường dân không muốn đi, nhưng cao như thị trường thì căn cứ vào đâu để tính toán? Làm metro xong sẽ đấu giá quỹ đất, song đấu giá theo cơ chế nào, nguồn thu đó sẽ sử dụng ra sao?... Tất cả những vấn đề này cần một hành lang pháp lý cụ thể, vì vậy sẽ phải mất thời gian.

Cần thêm vốn mồi

Đồ án đã đưa ra các mốc thời gian cụ thể, chẳng hạn như đến năm 2026 hoàn thành Vành đai 3, trước năm 2030 xong Vành đai 4, đến năm 2035 hoàn thành hệ thống metro... Nhìn vào thực tế tuyến metro số 1 dài có 20km mà mất 20 năm mới xong, ông nghĩ sao?

Quả thực, theo quan điểm của tôi, một số mốc thời gian thiên về mong muốn nhiều hơn là dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học, đánh giá kỹ lưỡng. Chẳng hạn, chuyện làm 200km metro trong 12 năm, rõ ràng chúng ta mong muốn như thế, song làm được hay không vẫn là dấu hỏi.

Vì vậy, cần có nghiên cứu kỹ lưỡng, xác định rõ nguồn lực thay vì đưa ra mốc thời gian ngắn rồi phải điều chỉnh. Quy hoạch đang đi đúng hướng, nhưng để hiện thực hóa được cần nghiên cứu khoa học, dựa trên thực tế mới khả thi.

Để hiện thực hóa các nội dung trong đồ án quy hoạch, theo ông việc huy động nguồn vốn nên được tiến hành thế nào?

Thành phố đang hướng đến các nguồn vốn huy động từ xã hội, từ quỹ đất. Nhưng để phát triển mạnh, vẫn cần nguồn vốn đầu tư công nhiều hơn, coi như là vốn mồi. Vì vậy mong Trung ương nên cho thành phố giữ lại ngân sách nhiều hơn để có nguồn lực tái đầu tư, xây dựng các hạ tầng cần thiết.

Đây được xem là đầu tư dài hạn. Bởi khi GPD thành phố tăng trưởng hai con số thì nộp ngân sách hàng năm tăng lên, điều này có lợi lâu dài.

Cảm ơn ông!

TP.HCM sẽ xứng tầm khu vực

Theo đồ án, phạm vi ranh giới lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính TP.HCM, với diện tích 2.095km2 và khu vực biển Cần Giờ. Phạm vi nghiên cứu gồm toàn bộ ranh giới hành chính thành phố và các tỉnh xung quanh thuộc vùng TP.HCM với diện tích khoảng 30.404km2. Quy mô dân số dự kiến đến năm 2040 khoảng 13 - 14 triệu người; quy mô đất đai phát triển đô thị đến năm 2040, dự kiến đất xây dựng đô thị khoảng 100.000 - 110.000ha.

Một trong những yêu cầu cụ thể về nội dung nghiên cứu quy hoạch là xác định tính chất, tầm nhìn, mục tiêu và động lực phát triển đô thị, trong đó, xây dựng tầm nhìn mới: Tới năm 2030, TP.HCM là thành phố văn minh, hiện đại, thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhân lực chất lượng; là trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn khu vực châu Á.

Quốc Quang

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tphcm-se-dot-pha-lam-quy-hoach-theo-kieu-thuong-hai-192240428150453564.htm