Top loài chim có màu sắc rực rỡ ấn tượng nhất Việt Nam

Đuôi cụt cánh xanh, oanh cổ xanh, tìm vịt tím... là những loài chim có màu sắc ấn tượng nhất được ghi nhận trong thiên nhiên Việt Nam.

Chim đuôi cụt cánh xanh (Pitta moluccensis) dài 18-21 cm, là loài di cư sinh sản, tương đối phổ biến đến phổ biến tại Trung, Nam Trung Bộ và Nam Bộ, di cư hiếm qua Đông Bắc. Chúng sống ở rừng lá rộng thường xanh nơi trống trải, rừng hỗn giao rụng lá, rừng thứ sinh, công viên, vườn, rừng ngập mặn. Ảnh: eBird.

Chim đuôi cụt bụng vằn (Hydronic elliottii) dài 19-21 cm, là loài định cư không phổ biến trong cả nước, trừ đồng bằng sông Hồng và Tây Nam Bộ. Sinh cảnh của chúng là rừng lá rộng thường xanh, bán thường xanh, rừng hỗn giao rụng lá, rừng tre nứa.

Sẻ hồng Fansipan (Carpodacus vinaceus) dài 15 cm, mới được phát hiện năm 2017, là loài định cư hiếm tại Tây Bắc. Chúng sống ở bìa rừng lá rộng thường xanh, rừng thứ sinh, cây bụi, tre nứa nhỏ.

Sáo đá xanh (Sturnus vulgaris) dài 20-23 cm, là loài lang thang và di cư trú đông hiếm tại Đông Bắc và Trung Trung Bộ. Chúng sống ở các khu vực trống trải, khu canh tác tại các vùng đất thấp.

Vành khuyên họng vàng (Zosterops palpebrosa) dài 10-11 cm, là loài định cư tương đối phổ biến tại Tây Bắc, Trung, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Chúng sống trong rừng rụng lá, rừng lá rộng thường xanh, rừng thứ sinh, rừng cây gỗ và các khu canh tác, rừng ngập mặn, công viên, vườn, có thể gặp ở độ cao tới 1.550 mét.

Chào mào vàng mào đen (Pycnonotus melanicterus) dài 18-20 cm, là loài định cư phổ biến trong cả nước. Chúng được ghi nhận ở rừng lá rộng thường xanh, rừng hỗn giao, rừng thứ sinh, bìa rừng.

Vẹt lùn (Loriculus vernalis) dài 14 cm, phân bố từ Quảng Trị trở vào Nam, nhiều nhất là ở Tây Nguyên. Chúng được ghi nhận trong rừng khô và khu vực trồng trọt.

Chim vàng anh mỏ cong (Oriolus tenuirostris) dài 23-26 cm, là loài chim định cư tương đối phổ biến ở Nam Trung Bộ, trước đây cũng ghi nhận tại Tây Bắc và Bắc Trung Bộ. Chúng sinh sống trong rừng thông, rừng lá rộng thường xanh, bìa rừng, các khu vực trống trải có cây gỗ, phân bố từ độ cao 1.000-1900 mét.

Chim vàng anh đầu đen (Oriolus xanthornus) dài 22-25 cm, là loài định cư tương đối phổ biến đến không phổ biến tại Đông Bắc, Trung, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Chúng sống trong rừng khô rụng lá mở, rừng hỗn giao rụng lá và lá rộng bản thường xanh, bìa rừng, rừng thứ sinh, rừng ngập mặn, rừng đầm lầy nước ngọt.

Đớp ruồi Nhật Bản (Cyanoptila cyanomelana) dài 17-18 cm, là loài di cư không phổ biến, ghi nhận trong cả nước, có trú đông tại Nam Trung Bộ. Chúng hiện diện ở rừng lá rộng thường xanh mở, rừng trên đảo, rừng trồng, vườn, công viên.

Đớp ruồi vàng (Ficedula zanthopygia) dài 13-14 cm, là loài dừng chân trên đường di cư, không phổ biến tại Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc và Trung Trung Bộ (VQG Hoàng Liên Sa Pa, Tam Đảo, Cúc Phương). Chúng sống ở rừng lá rộng thường xanh, bìa rừng, rừng trồng, vườn nhà, rừng ngập mặn… trong mùa di cư.

Đuôi đỏ đầu trắng (Phoenicurus leucocephalus) dài 18-19 cm, là loài định cư, không đến tương đối phổ biến tại Tây Bắc, Đông Bắc (VQG Hoàng Liên Sa Pa). Sinh cảnh của chúng là sông và suối đá, thác nước, độ cao 915-3.100 mét.

Oanh cổ xanh (Luscinia svecica) dài 13-15 cm, là loài di cư trú đông, không phổ biến tại Đông Bắc, Trung Trung Bộ và Nam Bộ (ghi nhận ở bãi giữa sông Hồng và VQG Xuân Thủy trong mùa di cư). Sinh cảnh của loài này là trảng cỏ, cây bụi, vườn rậm rạp gần nước.

Tìm vịt tím (Chrysococcyx xanthorhynchus) dài 16/17 cm, là loài định cư không phổ biến tại Trung Bộ và Nam Bộ. Sinh cảnh của chúng là rừng lá rộng thường xanh, bán thường xanh, rừng rụng lá, thỉnh thoảng ghi nhận tại các công viên, vườn trong quá trình di chuyển vào mùa không sinh sản.

Xít (Porphyrio indicus) dài 28-29 cm, là loài định cư hiếm đến tương đối phổ biến trong cả nước (trừ Tây Bắc). Sinh cảnh của loài này là hồ và đầm lầy.

Mời quý độc giả xem video: Khi động vật hoang dã kêu cứu | VTV24.

T.B (tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/top-loai-chim-co-mau-sac-ruc-ro-an-tuong-nhat-viet-nam-1858007.html