Tình hình Sudan: Mỹ quan ngại về Nga, Israel lên tiếng; ngoại giao đoàn có thương vong

Giao tranh diễn biến phức tạp tại Sudan khiến nhiều nước đẩy nhanh quá trình sơ tán công dân của mình ở đất nước Bắc Phi này.

Nhiều nước đẩy nhanh quá trình sơ tán công dân khỏi Sudan. (Nguồn: Anadolu)

Nhiều nước đẩy nhanh quá trình sơ tán công dân khỏi Sudan. (Nguồn: Anadolu)

* Ngày 24/4, phát biểu tại họp báo, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, các lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đã đồng ý thực hiện lệnh ngừng bắn trên toàn quốc bắt đầu từ nửa đêm cùng ngày và kéo dài trong 72 giờ để tạo điều kiện cho “các hoạt động nhân đạo”.

Ông Blinken nói thêm, Mỹ kêu gọi cả hai bên ngay lập tức và duy trì hoàn toàn lệnh ngừng bắn ở Sudan.

Đồng thời, nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “Chúng tôi thực sự lo ngại về sự tham gia của nhóm Prigozhin - Tập đoàn Wagner - ở Sudan”, đề cập người sáng lập nhóm lính đánh thuê có liên hệ với Điện Kremlin là Yevgeny Prigozhin.

Trước đó, tối 22/4 theo giờ địa phương, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ đạo sơ tán nhân viên Đại sứ quán nước này tại thủ đô Khartoum của Sudan, khi xung đột giữa quân đội Sudan và RSF bước sang tuần thứ hai sau thời gian ngừng giao tranh ngắn ngủi.

* Trong khi đó, tờ Egypt Today (Ai Cập) dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao nước này xác nhận, ông Mohamad al-Gharawi, trợ lý tùy viên hành chính tại Đại sứ quán Ai Cập ở Sudan, đã thiệt mạng khi di chuyển từ tư dinh đến trụ sở cơ quan đại diện tại Khartoum, ngày 24/4.

* Ngày 24/4, Algeria tuyên bố bắt đầu sơ tán các nhân viên ngoại giao và công dân của mình khỏi Sudan. Bộ Ngoại giao nước này cho biết đã thành lập một đội khẩn cấp để theo sát việc sơ tán các nhân viên ngoại giao và công dân muốn trở về nhà.

Algers cũng kêu gọi những người Algeria tại Sudan tiếp tục ở trong nhà và giữ liên lạc chặt chẽ với Đại sứ quán Algeria tại Khartoum để cập nhật thông tin về tình hình sở tại.

* Tương tự, một quốc gia Bắc Phi khác là Morocco cho biết, một đoàn xe gồm hơn 200 công dân nước này đã đến thành phố cảng Port Sudan bên bờ Biển Đỏ, cách thủ đô Khartoum khoảng 850 km về phía Đông vào tối ngày 24/4.

Bộ Ngoại giao Morocco thông tin thêm, một cầu hàng không phối hợp với hãng hàng không quốc gia Royal Air Morocco đã được lên kế hoạch để chở 200 công dân của nước này về nước, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết về địa điểm khởi hành hoặc thời gian các máy bay cất cánh.

* Tối 24/4, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar thông báo nhóm công dân nước này đầu tiên sẽ được sơ tán bằng một tàu hải quân vào sáng 26/4 từ Port Sudan.

Theo đó, 500 người đã di chuyển đến thành phố cảng này sau hành trình căng thẳng kéo dài 14 giờ đồng hồ từ thủ đô Sudan bị nội chiến tàn phá và còn nhiều người nữa đang trên đường đến đây.

Ông Jaishankar tiết lộ, chiến dịch sơ tán công dân này có tên là Kaver, tên một dòng sông của đất nước Nam Á. Trước đó, cuộc sơ tán khẩn cấp cuối cùng với người Ấn Độ trong xung đột Nga-Ukraine được đặt theo tên sông Ganga.

* Trong khi đó, ngày 25/4, Kyodo (Nhật Bản) dẫn lời Thủ tướng nước này Kishida Fumio cho biết, máy bay quân sự đã sơ tán 45 công dân Nhật Bản khỏi Sudan trong đợt đầu tiên.

Một quốc gia khác tại Đông Bắc Á là Hàn Quốc cũng đẩy nhanh tiến độ sơ tán công dân. Ngày 24/4, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết, một máy bay quân sự đã sơ tán 28 công dân nước này khỏi Sudan, cùng với một số công dân Nhật Bản.

Phó Giám đốc thứ hai của Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc Lim Jong Deuk cho biết, một chiếc xe buýt chở công dân Hàn Quốc đã đến sân bay quốc tế mới ở thành phố Port Sudan để sơ tán trên chiếc máy bay chở hàng C-130, sau đó bay tới Jeddah, Saudi Arabia. Tại đây, những người này dự kiến sẽ lên một chiếc máy bay quân sự lớn hơn và bay thẳng đến Seoul.

Một số công dân Nhật Bản cũng đã được sơ tán trên chuyến bay này. Đồng thời, chính phủ Hàn Quốc tuyên bố đã triển khai các khí tài quân sự và hải quân gần Sudan để phản ứng khi cần thiết.

* Về phần mình, phát biểu họp báo trực tuyến, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết, 538 công dân nước này đang được sơ tán từ Sudan sang Jeddah, Saudi Arabia.

Theo bà Marsudi, đây là giai đoạn sơ tán đầu tiên do Đại sứ quán Indonesia tại Khartoum, Sudan, trực tiếp tiến hành. Hầu hết số công dân Indonesia được sơ tán lần này là sinh viên, người lao động, nhân viên công ty Indofood, cán bộ và nhân viên Đại sứ quán Indonesia tại Khartoum cùng gia đình.

Trước khi đến Jeddah bằng đường biển, số người nói trên đã đến thành phố Port Sudan vào 1h ngày 24/4.

Nhà ngoại giao này cho biết, 298 công dân Indonesia khác ở Sudan cũng sẽ được đưa về nước trong giai đoạn hai của chiến dịch.

Kế hoạch ban đầu là sơ tán đồng thời tất cả các công dân Indonesia tại Sudan trong thời gian ngừng bắn. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không thể thực hiện do thiếu nhiên liệu cho phương tiện vận chuyển.

Trước đó ngày 20/4, Ngoại trưởng Retno Marsudi dẫn số liệu thống kê của Đại sứ quán Indonesia tại Khartoum cho biết có tổng cộng 1.209 công dân nước này đang sinh sống tại Sudan, trong đó phần lớn là học sinh, sinh viên tại Khartoum.

Trong bối cảnh tình hình xung đột bạo lực tại Sudan gia tăng, theo thông tin mới nhất từ Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Sudan ngày 21/4, 16 thuyền viên trên tàu tại cảng Sudan đã rời nước này. Hiện chỉ còn một công dân mang hai quốc tịch Việt Nam và Australia đang sinh sống tại thủ đô Khartoum.

Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Sudan tiếp tục theo dõi sát tình hình, sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo hộ cần thiết, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân Việt Nam.

(theo Reuters, TTXVN)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tinh-hinh-sudan-my-quan-ngai-ve-nga-israel-len-tieng-ngoai-giao-doan-co-thuong-vong-224775.html