Tìm giải pháp di dời nhà ven kênh rạch

Các chuyên gia nhận định khó khăn lớn nhất trong giải tỏa, di dời nhà trên và ven kênh rạch là nguồn lực tài chính và công tác tái định cư

Ngày 13-11, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM tổ chức hội thảo khoa học "Vấn đề nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn TP HCM", nhằm lấy ý kiến, kinh nghiệm xử lý vướng mắc trong di dời, cơ hội và thách thức để tham mưu chính sách nhằm tạo lập cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.

Tại hội thảo, ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho hay thành phố rất quan tâm vấn đề di dời nhà trên và ven kênh rạch, có nhiều chương trình triển khai nhưng tiến độ rất chậm. Cụ thể, chỉ bồi thường và di dời được 2.479/20.000 căn theo kế hoạch, đạt tỉ lệ 12,4% so chỉ tiêu. Giai đoạn 2021-2025, thành phố đặt mục tiêu di dời 6.500 căn hộ. TS Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho hay qua triển khai từ năm 2016 đến 2020, kết quả TP HCM giải tỏa, di dời các hộ dân sống trên và ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị còn khá khiêm tốn. Trong đó, chủ yếu tập trung ở các dự án sử dụng vốn ngân sách nhưng đa số dừng lại ở công tác chuẩn bị đầu tư từ vốn ngân sách, chưa gọi được dự án vốn ngoài ngân sách.

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho hay TP HCM mới chỉ di dời 2.479/20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch

Theo TS Dư Phước Tân, Nghị quyết 98 có một số điều khoản có thể vận dụng tạo nguồn kinh phí đầu tư dự án giải tỏa di dời nhà ven kênh rạch. Cụ thể, có thể sử dụng ngân sách để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án chỉnh trang đô thị. Ngoài ra, ngân sách TP HCM được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí. Đây là khoản có thể sử dụng đầu tư cho công tác giải tỏa di dời nhà ven kênh rạch.

Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP HCM, phân tích một số dự án thời gian qua có thể thấy nguồn vốn trong tầm tay là 30%, trong tầm nhìn là 30%, còn lại là "ngoài đường chân trời". Từ đó cho thấy sự hạn chế nguồn lực tài chính ảnh hưởng lớn kết quả di dời nhà ven kênh. Vì vậy, nên "liệu cơm gắp mắm" để tập trung làm hoàn chỉnh các dự án tạo sự kích thích cho người dân an tâm di dời.

Ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND quận 7, cho rằng đề điều chỉnh một dự án theo quy trình thì rất mất thời gian. Vì vậy, cần mạnh dạn điều chỉnh quy hoạch tại khu vực dự án, sau đó cập nhật vào quy hoạch phân khu 1/2000 để không đánh mất cơ hội đầu tư.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đề xuất xem xét lại công tác quy hoạch để đánh giá, lựa chọn những nơi cần thiết, phù hợp triển khai nhanh các dự án chỉnh trang đô thị, di dời nhà ven kênh.

Bài và ảnh: Quốc Anh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/tim-giai-phap-di-doi-nha-ven-kenh-rach-20231113214515958.htm