Tìm giải pháp đa dạng hóa nguồn thu cho cơ quan báo chí

Tại talkshow 'Chuyển đổi số báo chí nâng bước đồng hành', do Báo Đầu tư tổ chức sáng 20/6/2023, các diễn giả đã chia sẻ nhiều giải pháp để các cơ quan báo chí tăng doanh thu từ chuyển đổi số.

Các vị khách mời tham dự talkshow tại Trường quay Báo Đầu tư. (Ảnh: Chí Cường)

Báo chí Việt Nam trải qua chặng đường phát triển 98 năm trong dòng chảy liên tục, ngày càng đa dạng, nhiều màu sắc của đời sống kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, thúc đẩy quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển.

Mỗi một giai đoạn, một thời kỳ, sứ mệnh phụng sự ấy có những hình thái, cách thức thể hiện khác nhau, nhưng luôn song hành, cổ vũ và thúc đẩy các mục tiêu phát triển.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức với báo chí Việt Nam trong chặng đường sắp tới trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt giữa báo chí và mạng xã hội. Đó là những thách thức về công nghệ, về tốc độ đưa tin, về cạnh tranh doanh thu…

Tại talkshow đặc biệt nhân dịp 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/1925 – 21/6/2023 với chủ đề “Chuyển đổi số báo chí – nâng bước đồng hành”, do Báo Đầu tư tổ chức sáng 20/6/2023, các diễn giả đã chia sẻ nhiều giải pháp để các cơ quan báo chí tăng doanh thu từ chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Công ty MVV Academy:

Đa dạng hoạt động hợp tác báo chí với doanh nghiệp

Trước đây báo chí với doanh nghiệp có khoảng cách nhất định, nhưng với thời kỳ vừa rồi, hai bên có rất nhiều cơ hội hợp tác. Đầu tiên là giá trị của các cơ quan báo chí trong lĩnh vực truyền thông và hiểu biết người đọc đã được tích lũy từ mấy chục năm, cho nên họ có rất nhiều thế mạnh có thể hợp tác cùng với doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch MVV Group tham gia trực tuyến (qua Zoom) từ đầu cầu TP.HCM

Có một số hình thức hợp tác cơ bản. Thứ nhất là hình thức hợp tác về mặt tư vấn. Doanh nghiệp cần sự tư vấn của các cơ quan báo chí để hiểu rõ hơn những vấn đề của mình.

Thứ hai, thế mạnh của các cơ quan báo chí là việc sản xuất nội dung. Chính vì rất giỏi về sản xuất nội dung nên có thể hợp tác cùng với doanh nghiệp nhiều hình thức liên quan đến nội dung.

Hình thức phổ biến nhất là quảng cáo tự nhiên, lồng ghép các nội dung quảng bá một cách tự nhiên để người đọc có thể tiếp nhận được các thông điệp thông qua các câu chuyện nhiều hơn là qua các thông điệp quảng cáo.

Hình thức nữa là hợp tác với các doanh nghiệp về các nội dung chuyên sâu trong những lĩnh vực người đọc quan tâm và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm để thông tin tới người đọc hoặc truyền tải các thông điệp của mình.

Hình thức tiếp theo là tài trợ và đối tác, liên quan đến việc hỗ trợ cho báo chí phát triển các nội dung về những lĩnh vực có thể chưa phải là lĩnh vực hot, nhưng là lĩnh vực quan trọng đối với doanh nghiệp.

Một hình thức hợp tác nữa là tổ chức các sự kiện như sự kiện truyền thông, các sự kiện trong ngành cũng rất cần vai trò của các cơ quan báo chí. Đặc biệt, các cơ quan báo chí còn có khả năng kết nối rất tốt với các bên liên quan khác nhau như với các cơ quan Chính phủ, với doanh nghiệp, người nổi tiếng…

Chúng ta sẽ thấy rất đa dạng trong các hoạt động hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp để mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên, trong đó có việc tăng doanh thu cho báo chí.

Tuy vậy, thách thức lớn nhất trong hợp tác với các doanh nghiệp là làm sao để phân định rõ ràng những nội dung và tính trung thực, tính minh bạch của các nội dung doanh nghiệp cung cấp. Vấn đề này vừa có lợi cho các doanh nghiệp, vừa rất quan trọng cho các nền tảng báo chí.

Ông Lê Văn Dương, Luật sư Thành viên, Công ty Luật Indochine Counsel:

Báo chí cần quan tâm mạnh mẽ hơn nữa về bản quyền

Ở Việt Nam, chuyển đổi số báo chí hầu hết mới chỉ dừng lại ở câu chuyện số hóa, chứ chưa thực sự là chuyển đổi số. Tức là số hóa từ các bản in sang bản điện tử, còn chuyển đổi số là câu chuyện vĩ mô hơn, lớn hơn, liên quan đến hạ tầng về công nghệ thông tin, về điện toán đám mây nhiều hơn.

Ông Lê Văn Dương, Luật sư Thành viên, Công ty Luật Indochine Counsel tại Trường quay Báo Đầu tư.

Đầu tiên, các cơ quan báo chí phải rà soát lại ngành nghề thực tế của mình trước đây như thế nào. Vì một cơ số cơ quan báo chí chỉ hoạt động trong lĩnh vực báo in thôi hoặc có thể là báo hình, nhưng bây giờ qua việc biến đổi thông tin, chuyển đổi số thì sẽ có thêm phần xử lý thông tin, dữ liệu, media, có thể xin phép cơ quan quản lý bổ sung ngành nghề về mặt pháp lý cần thiết để nâng cao, mở rộng phạm vi hoạt động trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, truyền hình, thậm chí cả xử lý thông tin.

Về mặt hình thức, các cơ quan báo chí cần phải chú ý đến hạ tầng. Để mức độ lan tỏa thông tin rất nhanh thì hạ tầng phải đảm bảo về mặt truyền dẫn. Thời buổi mọi thứ đều rất nhanh, thì khi một khách hàng, một độc giả vào một tờ báo bị chậm, chắc chắn lần sau họ sẽ không quay lại.

Về mặt nội dung, báo chí cần phải quan tâm mạnh mẽ hơn nữa về bản quyền, bảo vệ thông tin, dữ liệu thông tin cá nhân. Vì khi chuyển đổi số, mức độ lan tỏa trên các nền tảng xã hội cực kỳ nhanh, đồng nghĩa yêu cầu cao hơn về bản quyền.

Bên cạnh đó, với chính sách quy định của pháp luật tiếp cận với các quy định pháp luật của các quốc gia mà chúng ta hội nhập, vấn đề bảo mật thông tin cũng đề cao hơn. Ngay gần đây có một quy định về bảo mật dữ liệu thông tin cá nhân, bất kỳ một cơ quan báo chí, bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng đều cần phải lưu ý về việc có thông tin nào của một cá nhân nào cần phải có sự đồng ý của họ khi đăng tải hay không.

Sâu hơn về vấn đề bản quyền, tiến tới một số cơ quan báo chí đầu tư sâu về chất lượng các bài viết có thể thu tiền từ độc giả. Khi đó, bản quyền thông tin về địa chỉ IP đến độc giả phải được đảm bảo để các địa chỉ IP khác không trả tiền thì không thể vào đọc.

Bà Mai Hương Giang, Phó cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông:

Sẽ tiếp tục tăng cường đặt hàng các cơ quan báo chí

Kinh tế báo chí hay chuyển đổi số báo chí là vấn đề rất nóng trong vài năm trở lại đây, nhất là khi chúng ta trải qua 3 năm đại dịch Covid-19, tất cả các ngành nghề đều bị ảnh hưởng, trong đó có báo chí.

Theo thống kê của chúng tôi, trong 3 năm đại dịch từ 2019 đến 2021, số lượng các cơ quan báo chí bị giảm doanh thu rất rõ, nhiều cơ quan báo chí giảm rất nhiều.

Bà Mai Hương Giang, Phó cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông tại Trường quay Báo Đầu tư. (Ảnh: Chí Cường)

Về giải pháp chuyển đổi số hay làm thế nào để các cơ quan báo chí chuyển đổi số thì sẽ tăng được nguồn thu, thực ra trong Chiến lược Chuyển đổi số báo chí cũng đã nêu rất rõ mục tiêu, bên cạnh việc các cơ quan báo chí có thể tăng vai trò, sứ mệnh tuyên truyền thì còn tăng trải nghiệm của độc giả để tăng nguồn thu.

Đầu năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị Diễn đàn kinh tế báo chí, tại Bình Định. Tại đây, rất nhiều cơ quan báo chí chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện nguồn thu mà tôi có thể chia sẻ lại.

Một cơ quan báo chí có thể có các nguồn thu chính là nguồn thu từ bán báo giấy; từ quảng cáo; từ tài trợ tổ chức sự kiện truyền thông; từ nguồn thu khác như tòa soạn cho thuê; từ đặt hàng từ ngân sách nhà nước và bây giờ có nguồn thu mới là thu phí từ bạn đọc. Hiện cả nước mới có khoảng 5 cơ quan báo chí áp dụng mô hình thu phí bạn đọc.

Sau khi đưa ra những nguồn thu thì chúng ta tập trung vào việc phát triển như thế nào. Về báo giấy, đang có xu thế tất yếu của báo chí thế giới là giảm báo giấy, chúng ta cũng vậy, chuyển đổi số lên báo điện tử và lên trên nền tảng số. Quảng cáo hay tổ chức sự kiện truyền thông cũng giảm. Ngày càng nhiều cơ quan báo chí hướng đến nguồn thu từ bạn đọc bằng cách chuyển đổi số để tăng cường những trải nghiệm hay câu chuyện phục vụ bạn đọc cá thể.

Liên quan đến nguồn thu đặt hàng từ ngân sách nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ động, năm 2020 và 2021, chúng tôi đã tăng cường đặt hàng các cơ quan báo chí qua gói truyền thông thực hiện Nghị quyết 84 của Chính phủ về quy chế tuyên truyền và giải pháp hỗ trợ về phục hồi kinh tế, dành hơn 50 tỷ đồng cho hơn 80 cơ quan báo chí thực hiện gói tuyên truyền này.

Tôi thấy các cơ quan báo chí hiện nay đang hướng tới nguồn thu bền vững nhất vẫn là hướng tới bạn đọc.

Về giải pháp ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Cục Báo chí đã có một số giải pháp trước mắt và lâu dài.

Trước mắt, liên quan đến nguồn thu từ ngân sách nhà nước, chúng tôi sẽ tăng cường đặt hàng. Hàng năm, Bộ Thông tin và Truyền thông đều có nguồn ngân sách nhất định để đặt hàng cơ quan báo chí và chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện việc này.

Vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về truyền thông chính sách, đây cũng là một nguồn thu khi cơ quan báo chí được đặt hàng.

Bên cạnh đó, chúng tôi đã trao đổi và đề nghị các công ty công nghệ hỗ trợ cơ quan báo chí trong quá trình chuyển đổi số. Thực tế nếu có một công ty công nghệ đứng đằng sau thì sẽ tăng nguồn lực chuyển đổi số cho cơ quan báo chí. Tại Diễn đàn kinh tế báo chí vừa qua, đã có một công ty công nghệ đứng ra cam kết hỗ trợ cho cơ quan báo chí, như miễn phí về CMS, hỗ trợ đường truyền… Chúng tôi đã công bố tới các quan báo chí về nội dung này.

Năm ngoái, chúng tôi phối hợp với công ty công nghệ tổ chức nhiều khóa để đào tạo cho các cơ quan báo chí. Trong đó tập trung vào một số chủ đề như làm thế nào để tăng nguồn thu từ quảng cáo; làm thế nào để tăng nguồn thu từ độc giả?... Một số Tổng biên tập, học viên tham dự đều phản hồi rất tích cực về những khóa đào tạo của chúng tôi và nói rằng những khóa học này rất thiết thực, thậm chí đã ngay lập tức áp dụng tại cơ quan và có hiệu quả.

Về lâu dài, phải tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, khuyến khích các cơ quan báo chí. Ví dụ như sửa đổi Luật Báo chí hay một số luật liên quan như Thuế thu nhập doanh nghiệp để giảm thuế cho cơ quan báo chí...

Nhật Hạ

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tim-giai-phap-da-dang-hoa-nguon-thu-cho-co-quan-bao-chi-d192275.html