Tiết lộ hình ảnh tàu đổ bộ Luna 25 của Nga để lại miệng núi lửa trên mặt trăng

Theo những bức ảnh mới do NASA công bố, khi tàu thăm dò Mặt trăng Luna 25 của Nga đâm vào Mặt trăng vào ngày 19/8 vừa qua, cú va chạm có thể đã tạo ra một miệng núi lửa rộng 10 mét.

Hình ảnh mới nhất của NASA tiết lộ miệng núi lửa 10m được tạo ra sau vụ tàu Luna 25 của Nga va chạm với Mặt trăng.

Tàu đổ bộ Mặt trăng của Nga dự kiến chạm xuống cực nam của Mặt trăng vào khoảng ngày 25/8, nơi nó được thiết lập để giúp các nhà nghiên cứu tìm kiếm băng nước, kiểm tra đá Mặt trăng và phân tích bầu khí quyển xung quanh Mặt trăng trong một năm trước khi quay trở lại Trái đất. Tuy nhiên, mọi thứ trở nên tồi tệ hơn vào ngày 19/8, khi “liên lạc với tàu vũ trụ Luna 25 bị gián đoạn” sau nỗ lực điều chỉnh quỹ đạo của tàu vũ trụ, cơ quan vũ trụ Nga, Roscosmos, thông báo trên mạng xã hội Telegram.

Roscosmos cho biết thêm vào ngày 20/8, các quan chức Nga xác định rằng, Luna 25 “không còn tồn tại do va chạm với bề mặt Mặt trăng”. Các quan chức cho biết, Chính phủ Nga đã thành lập một ủy ban để điều tra các vấn đề dẫn đến sự cố của tàu vũ trụ này.

Giờ đây, những hình ảnh mới của NASA tiết lộ rằng, vụ tai nạn này đã để lại dấu vết. Điểm va chạm của Luna 25 là ở vành trong dốc của miệng núi lửa Pontécoulant G ở phía đông nam của Mặt trăng, cách điểm hạ cánh dự kiến của nó khoảng 400 km. Các nhà khoa học của NASA đã chụp được hình ảnh của khu vực này bằng camera gắn trên Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt trăng (LRO) của NASA, để lộ một vết lõm hoàn toàn mới trên bề mặt Mặt trăng.

Các quan chức NASA cho biết: “Vì miệng núi lửa mới này gần với điểm va chạm ước tính của Luna 25 nên nhóm LRO kết luận rằng, nó có khả năng đến từ sứ mệnh đó chứ không phải là một tác nhân tự nhiên”. Điều này làm tăng thêm hơn 100.000 miệng hố nằm rải rác trên Mặt trăng.

Theo CNN, bất chấp vụ tai nạn của Luna 25, Nga có kế hoạch đẩy nhanh một loạt sứ mệnh theo dõi Mặt trăng trong tương lai, bao gồm Luna 26 và Luna 27. Trong khi đó, tàu vũ trụ Chandrayaan 3 của Ấn Độ đã hạ cánh thành công xuống cực nam của Mặt trăng vào ngày 23/8.

Clive Neal, giáo sư địa chất hành tinh tại Đại học Notre Dame, nói với IEEE Spectrum: “Những gì Ấn Độ đã thể hiện là giờ đây họ có khả năng hạ cánh mềm trên Mặt trăng”.

Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố rằng, tàu thăm dò của Ấn Độ đã xác nhận sự hiện diện của lưu huỳnh và một số nguyên tố khác ở cực nam của Mặt trăng và sẽ tiếp tục điều tra khu vực này để tìm nước đóng băng, có thể giúp cung cấp nước cho các phi hành gia trong các nhiệm vụ trong tương lai.

Hà Thu

Theo Live Science

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tiet-lo-hinh-anh-tau-do-bo-luna-25-cua-nga-de-lai-mieng-nui-lua-tren-mat-trang-post1566489.tpo