Tiền Giang: Quyết tâm không để học sinh bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn

Với quyết tâm không để bất cứ học sinh nào phải bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn, thời gian qua, ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vẫn được cắp sách đến trường.

Trong đó, giải pháp căn cơ nhất là thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho đối tượng là con em gia đình thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, qua đó giúp cho hàng ngàn học sinh có hoàn cảnh khó khăn thoát khỏi nguy cơ bỏ học.

Năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định 86 quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021. Ngày 27-8-2021, Chính phủ ban hành Nghị định 81 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực GD-ĐT. Theo đó, các chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập quy định tại Nghị định 81 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 15-10-2021.

Những năm qua, Chương trình học bổng “Chắp cánh ước mơ” của Báo Ấp Bắc đã giúp cho hàng ngàn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được cắp sách đến trường. (Ảnh: Tổng Biên tập Báo Ấp Bắc Nguyễn Minh Tân trao học bổng "Chắp cánh ước mơ" cho các học sinh).

Theo Nghị định 81 có 2 đối tượng không phải đóng học phí gồm học sinh tiểu học trường công lập và người theo học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục đại học, các ngành chuyên môn đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quy định. Cũng theo Nghị định 81 sẽ có 19 đối tượng được miễn học phí. Ngoài ra, chương IV, Nghị định 81 cũng quy định các nhóm đối tượng được giảm 70% học phí, giảm 50% học phí và đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập.

Sau khi Nghị định 81 có hiệu lực thi hành, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đã ban hành các văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục triển khai thực hiện chính sách cho học sinh; chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về chế độ chính sách cho học sinh được quy định trong Nghị định 81 đến toàn thể cán bộ, giáo viên và phụ huynh, học sinh được biết. Theo đó, trong mỗi đầu năm học, tất cả trường học trên địa bàn tỉnh đều thực hiện điều tra, nắm bắt tình hình hoàn cảnh gia đình học sinh. Thông qua đó, nhà trường sẽ biết được từng trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn hay thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo… để có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ.

Hoàn cảnh của em Phan Thảo Vy, học sinh lớp 6, ngụ xã Điềm Hy, huyện Châu Thành không khỏi chạnh lòng. Mẹ Thảo Vy làm công nhân ở khu công nghiệp chẳng may mắc Covid-19 qua đời vào cuối năm 2021, để lại 2 đứa con gái cho ông, bà ngoại nuôi dưỡng. Cuộc sống gia đình thiếu trước, hụt sau nhưng vì thương cháu, ai thuê gì ông, bà ngoại Thảo Vy cũng làm để kiếm tiền lo cho 2 đứa cháu ăn học. Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng Vy không bao giờ tự ti, mặc cảm. Ngược lại, em luôn phấn đấu vươn lên trong học tập, hy vọng sau này sẽ có được việc làm tốt, nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình. Nhờ được miễn giảm học phí cũng như sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, những năm học qua, Vy đều đạt thành tích tốt trong học tập.

Theo thống kê mới nhất của Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, trong học kỳ II năm học 2021 - 2022 và học kỳ I năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh Tiền Giang đã hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 81 cho 10.151 đối tượng với số tiền trên 6,8 tỷ đồng. Ngoài ra, hỗ trợ miễn học phí, giảm học phí theo Nghị định 81 cho 20.673 đối tượng với số tiền trên 24,9 tỷ đồng.

Cũng mới đây tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 cũng đã ban hành nghị quyết về việc thực hiện Nghị quyết 165 ngày 20-12-2022 của Chính phủ về học phí đối với cơ sở GD-ĐT công lập năm học 2022 - 2023 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Theo đó, tỉnh Tiền Giang đã quyết định giữ vững mức thu học phí năm học 2022 - 2023 bằng mức thu học phí năm học 2021 - 2022. Theo đó, ngân sách địa phương sẽ cấp bù để đảm bảo phần chênh lệch tăng thêm học phí năm học 2022 - 2023 so với số thu học phí năm học 2021 - 2022 gần 187 tỷ đồng cho 189.727 trẻ, học sinh, học viên trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Có thể nói, những năm qua, với sự quan tâm kịp thời của lãnh đạo trung ương, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, việc miễn, giảm học phí đã tạo điều kiện cho hàng ngàn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh vươn lên trong học tập, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Tiến sĩ Lê Quang Trí, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Những năm qua, sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà đã có những bước phát triển đáng phấn khởi, trong đó đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các cấp lãnh đạo cũng như sự đồng hành hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm. Bên cạnh đó, nhiều chính sách, chế độ hỗ trợ, giúp đỡ của ngành GD-ĐT được triển khai kịp thời đến với các gia đình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, với quyết tâm không để bất kỳ học sinh nào nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, số lượng học sinh bỏ học hằng năm tại các địa phương trên địa bàn tỉnh được kéo giảm”.

ĐỖ PHI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202309/tien-giang-quyet-tam-khong-de-hoc-sinh-bo-hoc-vi-hoan-canh-kho-khan-989994/