Sợ lắm giấy phép con

Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến đưa quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp vào dự thảo Luật Nhà giáo đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, đã khẳng định giấy chứng nhận nghề nghiệp giúp việc hành nghề của giáo viên thuận lợi hơn, tôn vinh nhà giáo và theo thông lệ nhiều ngành nghề khác thì nỗi lo về những tiêu cực, bất cập trong việc xin - cho, mua - bán giấy phép con sẽ nảy sinh khiến nỗi muộn phiền nhen nhóm.

Thiết nghĩ giáo viên được đào tạo sư phạm, có đủ bằng cấp chuyên ngành và trong thời gian công tác được quản lý về chuyên môn và đạo đức thì việc xin - cho một giấy chứng nhận nghề nghiệp là không cần thiết.

Chúng ta đang kêu gọi giảm áp lực hồ sơ sổ sách cho giáo viên, hô hào rà soát bãi bỏ chứng chỉ gây phiền hà cho nhà giáo, vậy mà còn thêm một giấy chứng nhận nghề nghiệp.

Nghề giáo là nghề đặc thù. Bởi để đứng trên bục giảng, người thầy không chỉ cần chuyên môn giỏi mà còn cần một trái tim giàu yêu thương và bầu nhiệt huyết đổi mới sáng tạo không ngừng nghỉ.

Làm thầy, đừng nghĩ chỉ đơn thuần là xách cặp lên lớp, rao giảng tri thức, trống đánh ra về! Mà đó là lòng yêu nghề mến trẻ để có thể vượt qua những áp lực vô hình từ nhà trường, gia đình và xã hội.

Đó là đức tính kiên trì, nhẫn nại và ý chí kiên định theo đuổi đến cùng khát khao trui rèn bọn trẻ vào khuôn nếp. Và dẫu thực tại vấp phải sự nghịch ngợm, ương bướng từ bọn trẻ thì người thầy vẫn giữ được cái tâm sáng trong, mẫu mực!

Đó là lòng bao dung, vị tha, để thầy vừa nghiêm khắc uốn nắn lỗi sai của trò vừa gói ghém yêu thương gửi trao sau từng hình phạt...

Có những ngành chỉ cần học xong một tấm bằng với những kỹ năng cơ bản đã có thể sống an yên tự tại với nghề. Nhưng có những ngành buộc người ta phải trau dồi năng lực suốt đời, uốn rèn phẩm chất suốt chặng đường theo đuổi sự nghiệp: Nghề "làm thầy" - Nghề trồng người!.

Trang Nguyễn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/so-lam-giay-phep-con-196240521203510264.htm