Tiền Giang: Lan tỏa các mô hình 'Trường học hạnh phúc'

Những năm qua, cùng với công tác nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), ngành Giáo dục đã nỗ lực xây dựng mô hình 'Trường học hạnh phúc' (THHP). Giá trị cốt lõi của việc xây dựng THHP là góp phần lan tỏa những giá trị nhân văn, tốt đẹp trong toàn ngành Giáo dục; đặc biệt là trong bối toàn ngành đang triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.

MÔ HÌNH Ý NGHĨA, THIẾT THỰC

Theo Sở GD-ĐT, mô hình THHP lấy cảm hứng từ mô hình Happy School của UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc), được triển khai thí điểm vào tháng 4-2018 ở một số trường học tại TP. Huế và hiện đang được nhân rộng trên địa bàn cả nước.

“Góc chơi hạnh phúc” ở Trường Tiểu học Thủ Khoa Huân.

Để có căn cứ xác định THHP, UNESCO đã xác định 22 tiêu chí để tạo ra THHP. Theo đó, 22 tiêu chí xoay quanh 3 chữ P. Chữ P đầu tiên là People (con người), gồm các tiêu chí: Tình bạn và các mối quan hệ trong cộng đồng nhà trường, thái độ tích cực của giáo viên, tôn trọng sự đa dạng và khác biệt của các cá nhân, sự tích cực và hợp tác giữa các thành viên trong nhà trường, điều kiện làm việc của giáo viên, kỹ năng và năng lực của giáo viên. Chữ P thứ 2 là Process (hệ thống), bao gồm các yếu tố như: Khối lượng công việc hợp lý và công bằng, tinh thần hợp tác và làm việc nhóm, phương pháp giảng dạy và học tập hấp dẫn, học tập tự do, sáng tạo… Đây là các quy trình, chính sách, hoạt động được thiết kế để vận hành ngôi trường một cách hợp lý. Chữ P thứ ba là Place (môi trường), bao gồm các yếu tố như: Môi trường học tập thân thiện, an toàn, không gian xanh…

Việc xây dựng THHP đã diễn ra trong các hoạt động giáo dục ở các trường hằng ngày. Ở TP. Mỹ Tho, bước đầu các cơ sở giáo dục đã có những bước triển khai xây dựng THHP với cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện cho phép, sau đó sẽ nhân rộng ra các trường khác. Trong thời gian tới, ngành Giáo dục TP. Mỹ Tho sẽ phối hợp với Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh để tập huấn cho các trường về việc xây dựng THHP”.

TRƯỞNG PHÒNG GD-ĐT TP. MỸ THO LÊ VĂN DŨNG

Đầu năm 2019, Bộ GD-ĐT đã tổ chức lễ phát động triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc. Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, có 3 giá trị cốt lõi trong THHP là: Yêu thương, tôn trọng và an toàn. Xây dựng THHP được xem là một trong những chuyển biến tích cực trong bối cảnh triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.

Tại Tiền Giang, cùng với việc xây dựng phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã từng bước xây dựng mô hình THHP.

ĐỂ HẠNH PHÚC THẬT SỰ LAN TỎA

Trường Tiểu học Thủ Khoa Huân là một trong những ngôi trường có chất lượng hàng đầu của tỉnh Tiền Giang ở bậc tiểu học. Những năm qua, nhờ sự cộng đồng trách nhiệm của tập thể sư phạm mà nhà trường đã gặt hái nhiều thành tích nổi bật. Với phương châm "học sinh mỗi ngày đến trường là một niềm vui", nhà trường đã tạo nhiều cảnh quan xanh mát, với những họa tiết, hoa văn bắt mắt, tạo hứng thú cho học sinh. Trong đó, điểm nhấn trong năm học 2022 - 2023 là trường đã xây dựng thành công “Góc chơi hạnh phúc” được lãnh đạo ngành Giáo dục thành phố đánh giá cao, nhiều trường học hỏi.

Nói về ý tưởng “Góc chơi hạnh phúc”, Hiệu trưởng nhà trường Lê Văn Triêm cho biết: Toàn trường có 1.268 học sinh. Trước đây, vào giờ ra chơi của trường khá đơn điệu, học sinh chủ yếu chạy nhảy, nô đùa trong sân trường dẫn đến một số trường hợp học sinh bị xô xát nhẹ. Qua nghiên cứu, nhà trường đã thiết kế “Góc chơi hạnh phúc” trong giờ ra chơi. Theo đó, nhà trường đã thiết kế ra những giờ ra chơi thật bổ ích, vui vẻ, sảng khoái và đầy sáng tạo với từng chủ đề phù hợp với độ tuổi, tính cách của các em như: Ô ăn quan, dấu tay dấu chân, bước nhảy sân trường… Nếu các em không tham gia vui chơi có thể tìm đến các góc đọc sách, đọc truyện tranh, hay tâm sự với thầy cô, bạn bè".

“Có thể thấy, qua triển khai "góc chơi hạnh phúc" đã đem đem lại hiệu quả rất tích cực. Các em được vui chơi an toàn, vui vẻ. Cả Ban Giám hiệu, các thầy cô cùng hòa mình với các em trong những giờ chơi. Các em xem trường học như chính ngôi nhà và thầy cô, bạn bè như chính người thân của mình” - thầy Triêm chia sẻ thêm.

Ở bậc học mầm non, tại Trường Mầm non Hoa Hồng, bên cạnh phong trào Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, nhà trường đã chú trọng xây dựng THHP. Theo đó, nhà trường đang xây dựng "khu vườn hạnh phúc". Trong khu vườn này, trường tạo ra các góc vui chơi để trẻ gần gũi, hòa mình với thiên nhiên. Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Thùy Lan cho biết: Với bậc học mầm non hoàn toàn khác so với các bậc học khác, THHP phải thực sự như ngôi nhà thứ hai của trẻ. Đối với trẻ, một ngôi trường hạnh phúc là ở đó các con được yêu thương, tôn trọng, được an toàn; được thoải mái, tự do; được say mê khám phá những kiến thức, kỹ năng của mình. Trong đầu giờ, Ban Giám hiệu thường đi đến các lớp thăm hỏi cô và trẻ hoặc khi tổ chức các hoạt động vui chơi, văn nghệ… thì Ban Giám hiệu hòa mình vào cùng cô và trẻ”.

Còn tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, Ban Giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng môi trường học tập tích cực, xây dựng THHP. Nhà trường đã cho ra đời nhiều câu lạc bộ như: Bóng đá, bóng rổ, câu lạc bộ tiếng Anh, văn nghệ.... Học sinh được giáo dục đạo đức và tình yêu thương, sự chia sẻ, tinh thần trách nhiệm qua các hoạt động trải nghiệm như: Về nguồn, tham quan các di tích lịch sử, giúp đỡ cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc ra quân làm vệ sinh môi trường…

Xây dựng THHP là chủ trương lớn của ngành Giáo dục. Tùy vào điều kiện thực tế, các trường cần có giải pháp để thiết kế, xây dựng, góp phần lan tỏa các giá trị hạnh phúc trong các trường học.

TẤN MINH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202303/tien-giang-lan-toa-cac-mo-hinh-truong-hoc-hanh-phuc-974865/