Thực trạng và giải pháp chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, sức khỏe cộng đồng và nâng cao hiệu quả của y tế cơ sở bằng Y học cổ truyền

Sáng 2/6, tại khu du lịch Ao Vua (xã Tân Lĩnh, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội) đã diễn ra buổi tọa đàm chủ đề 'Thực trạng và giải pháp chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, sức khỏe cộng đồng và nâng cao hiệu quả của y tế cơ sở bằng Y học cổ truyền' do Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam và UBND huyện Ba Vì cùng phối hợp tổ chức.

Hội đồng tham vấn tại buổi Tọa đàm.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Đức Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì nhấn mạnh: Hiện nay, huyện Ba Vì có trên 1.000 cán bộ ngành Y tế trong đó cán bộ làm công tác đông y chiếm 10% và gần trên 400 hội viên Hội đồng Y hoạt động lĩnh vực Y học cổ truyền; đồng thời với sự quan tâm đầu tư, sửa chữa, xây dựng, mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế… đã nâng tỷ lệ khám, điều trị bệnh cho người dân bằng y học cổ truyền tại y tế cơ sở đạt trên 30%. Bên cạnh đó xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hiệu quả góp phần bảo tồn, phát triển các nguồn dược liệu quý như: Công viên thảo dược Đảo Ngọc Xanh thuộc Công ty Du lịch Ao Vua nuôi trồng và bảo tồn trên 500 loài cây thuốc quý; Mô hình vườn thuốc nam Trạm Y tế xã, xã tiên tiến Y học cổ truyền; mô hình làng nghề thuốc nam xã Ba Vì... Bước đầu hình thành các sản phẩm dịch vụ chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn huyện và các tỉnh lân cận.

Ông Nguyễn Đức Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì phát biểu khai mạc.

Tuy nhiên, hiện tại Y học cổ truyền trên địa bàn huyện vẫn chưa phát huy hết những tiềm năng sẵn có. Đặc biệt trong những năm tới, những vấn để sức khỏe cộng đồng như các bệnh mãn tính không lây (cơ xương khớp, đái tháo đường, tim mạch...), tình trạng già hóa dân số, các bệnh dịch mới nổi có xu hướng gia tăng, con người hướng đến sử dụng các phương pháp điều trị không dùng thuốc, các thuốc có nguồn gốc tự nhiên để chăm sóc sức khỏe đòi hỏi nền Y học cổ truyền là những thách thức và cơ hội mới.

Trong xu thế dân số già hóa ngày một gia tăng, việc chăm sóc sức khỏe người già đã và đang trở thành áp lực, gánh nặng với hệ thống y tế cơ sở và của mỗi gia đình. Người già Việt Nam được đánh giá là có chất lượng cuộc sống thuộc hàng thấp trên thế giới, đối mặt với nhiều loại bệnh mãn tính, người già phải sống chung, duy trì thuốc tây rất tốn kém điển hình như tiểu đường, huyết áp, sa sút trí tuệ… Do đó việc chăm sóc sức khỏe với nhóm đối tượng này bất kỳ khi nào cũng là muộn.

Trong khi đó nhiều loại cây có tính dược liệu cao quanh người dân, cũng như các sản phẩm thuốc đông y được bào chế bằng phương pháp hiện đại đang có tác dụng lớn trong việc chữa trị bệnh cho người cao tuổi với chi phí rẻ, không có tác dụng phụ, tác dụng chữa bệnh lâu dài cần được quảng bá, khuyến khích sử dụng. Đặc biệt về vấn đề sa sút trí tuệ ở người già, đây là việc có dấu hiệu và tiến triển thành bệnh trong một thời gian dài, người cao tuổi khi được quan tâm, cảnh báo, có cách phòng tránh từ các loại thảo dược tốt sẽ giảm tối đa các biến chứng nguy hiểm.

Ông Nguyễn Hồng Quân - nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam (ảnh: PV).

Tại Tọa đàm ông Nguyễn Hồng Quân – nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam khẳng định: Theo như Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân trong tình hình mới xác định: Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của toàn xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể các ngành, trong đó ngành Y tế là nồng cốt. “Xác định phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, lấy y tế dự phòng là then chốt; y tế cơ sở là nền tảng… trên cơ sở đó xây dựng hệ thống y tế công bằng chất lượng, hiệu quả và hội nhập”, ông Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh.

Sức khỏe và chăm sóc sức khỏe cộng đồng có phạm vi rất rộng lớn bao gồm sức khỏe về thể chất, sức khỏe về tâm lý tinh thần và sức khỏe môi trường.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ chương đường lối của Đảng, Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, một tổ chức xã hội tự nguyện với mục đích tuân chỉ là “Đồng tâm hiệp lực phấn đấu vì sự nghiệp Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng nòi giống, góp phần bồi dưỡng nhân tài cho đất nước”, đã tích cực tập hợp, đoàn kết các cá nhân tổ chức cùng hoạt động trong lĩnh vực giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng trên tinh thần thiện nguyện, nhân đạo, không vụ lợi. Góp phần cùng ngành y tế tạo điều kiện cho mọi người, mọi lứa tuổi được chăm sóc sức khỏe từ cơ sở, thực hiện thắng lợi chủ trương xã hội hóa công tác y tế và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. Là sự nghiệp có ý nghĩa chính trị, nhân văn, đạo lý hết sức sâu sắc; đại nhân đại nghĩa và trường tồn cùng dân tộc.

Nâng cao nhận thức, kiến thức cho cộng đồng về sức khỏe và tự chăm sóc nâng cao sức khỏe; các kiến thức kỹ năng về giáo dục sớm cho trẻ em; tham gia phản biện về một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, y tế, giáo dục, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm… tạo ra phong chào tự chăm sóc sức khỏe rộng rãi trong cộng đồng ở cơ sở, làm cho mọi người hiểu rõ vai trò, tầm quan trong của việc “tự chăm sóc sức khỏe cho chính mình, từ sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần đến sức khỏe môi trường”, góp phần quan trọng nâng cao sức khỏe nhân dân, đẩy lùi bệnh tật, phòng chống dịch bệnh, giảm chi phí cho xã hội, giảm tải cho bệnh viện, được xã hội và cơ quan chức năng ghi nhận, đánh giá rất cao.

Đông đảo khách mời và đại biểu tới tham dự Tọa đàm.

PGS TS Nguyễn Huy Nga - Viện Nghiên cứu sức khỏe người cao tuổi và Y tế cộng đồng chia sẻ: Loài người đang phải đối mặt với 2 vấn đề lớn là già hóa dân số và biến đổi khí hậu. Điều này tác động tới tất cả các vấn đề kinh tế- xã hội, hiện chưa có mô hình kinh tế xã hội nào tỏ ra ưu việt, tối ưu hóa việc chăm sóc người cao tuổi. Dự kiến đến năm 2036 Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số, tức cứ 10 người dân thì có tới 6 người cao tuổi. Hiện tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đang là 73 tuổi nhưng tuổi khỏe mạnh của người cao tuổi chỉ đạt tới 63 tuổi. Và sau độ tuổi này có tới 70% người cao tuổi có sức khỏe yếu, 15% khó chăm sóc bản thân; người cao tuổi có ít nhất 3 bệnh, đặc biệt đối với nhóm người cao tuổi trên 80 tuổi có ít nhất 7 bệnh lý. Do đó nếu không quan tâm tới tuyến y tế cơ sở thì người già là những đối tượng bị tổn thương nhiều nhất, ít được quan tâm chăm sóc sức khỏe theo đúng nhu cầu.

Hiện Nhà nước có nhiều chính sách cho người cao tuổi, đặc biệt 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế. Nhưng người già chưa được khám chữa bệnh kịp thời, chưa có hiểu biết, thiếu kiến thức về phòng, chữa bệnh. Do đó các phương pháp chữa bệnh rẻ tiền, tiện ích ngay tại cơ sở về lâu dài sẽ phát huy giá trị. Nếu như nhà nước quan tâm đầu tư tốt cho tuyến y tế cơ sở theo hướng nâng cao, hỗ trợ đào y học cổ truyền sẽ đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.

Theo bác sĩ Hoàng Sầm, Chủ tịch Viện Y học bản địa Việt Nam: Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều quan tâm tới việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng và người cao tuổi. Đã và đang có nhiều mô hình hay từ cơ sở, do vậy rất cần được thành phố, các địa phương quan tâm đánh giá, tổng kết kinh nghiệm làm cơ sở nhân rộng và đưa ra các mô hình khuyến nghị phù hợp để thực hiện.

Ông Nguyễn Mạnh Thản – Phó Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Ao Vua phát biểu (Ảnh: PV).

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Thản - Phó Chủ tịch Hội chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Ao Vua: Hiện nay việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được các gia đình, xã hội chú trọng. Tuy nhiên việc chăm sóc sao cho hiệu quả còn khó và lúng túng từ chính người dân và cả hệ thống chính quyền cơ sở nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Đánh giá về thực tế đội ngũ y bác sỹ ở tuyến xã, thị trấn hiện nay đang thu nhập thấp, thiếu việc làm, thiếu “bệnh nhân” để chăm sóc. Do vậy giải pháp hiệu quả nhất là được chính quyền địa phương, ngành Y tế quan tâm đầu tư các trang thiết bị, cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp. Đặc biệt phải gắn việc khám chữa bệnh bằng cả đông y và tây y. Khôi phục lại, mở rộng các vườn thuốc nam tại các trạm y tế và hộ gia đình cá nhân có điều kiện…

Thông qua tọa đàm, các chuyên gia nhận định cơ chế chính sách cần có những thay đổi theo hướng: BHYT có thể chuyển về tuyến xã. Cụ thể theo giảng viên cao cấp, Thầy thuốc nhân dân GS TS Trương Việt Bình - Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam cho rằng: Khi chúng ta phát động trồng cây thuốc nam giá trị này khác nhưng không hướng dẫn sử dụng, nhiều nơi sau khi xây dựng được các vườn thuốc nam lại phá bỏ, hoặc bán không có người mua. Đây là thực trạng đáng buồn, trong khi đó nhiều người lạm dụng thuốc kháng sinh và giảm đau, với các bệnh thông thường như ho, sốt, cảm cúm, viêm họng… đều tự ra hiệu thuốc mua, không có chỉ dẫn của bác sỹ. Dẫn tới nhiều khi người bệnh không chết vì bệnh lý mà vì các tác dụng phụ của thuốc tây trong một thời gian dài không đúng cách. Điều này cũng lý giải vì sao, chất lượng sức khỏe của cộng đồng, nhất là của nhóm người cao tuổi kém, mắc nhiều bệnh lý nền như tiểu đường, xương khớp, cao huyết áp…

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Tọa đàm (Ảnh: PV).

Trong nền y học hiện đại phát triển như vũ bão, đã chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo ác tính, nhưng càng ngày càng phát sinh nhiều bệnh tật hơn do môi trường sống, do thói quen sinh hoạt, đặc biệt là việc sử dụng thuốc đông y, nam y, tây y không đúng cách. Văn hóa sử dụng thuốc nam, không bị sa đà vào những quảng cáo thổi phồng sai sự thật, khỏi cấp tốc. Mà cần có những kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe bằng phương pháp đông y, y học cổ truyền.

Phương Anh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thuc-trang-va-giai-phap-cham-soc-suc-khoe-nguoi-cao-tuoi-suc-khoe-cong-dong-va-nang-cao-hieu-qua-cua-y-te-co-so-bang-y-hoc-co-truyen-355211.html