Đề nghị áp dụng phí giao thông nội đô với ôtô cá nhân

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) đề nghị cân nhắc sử dụng phí giao thông nội đô áp dụng với ôtô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị trong những khung giờ nhất định để góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị, đồng thời bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Thu phí giảm ùn tắc giao thông

Sáng nay (21/5), Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ.

Về các loại phí liên quan đến sử dụng đường bộ, đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị cân nhắc sử dụng phí giao thông nội đô áp dụng với ôtô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị trong những khung giờ nhất định để hạn chế sử dụng quá mức phương tiện ôtô cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị, đồng thời bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước để tăng cường phát triển kết cấu, hạ tầng giao thông đường bộ và hệ thống giao thông công cộng.

 Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội).

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội).

Bên cạnh đó, theo đại biểu tại Khoản 2 điều 12 quy định về tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị so với đất xây dựng đô thị: Tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị so với đất xây dựng đô thị, nhưng không bao gồm phần công trình đường bộ đi ngầm dưới mặt đất, xây dựng trên sông, hồ, phải bảo đảm quy định sau đây: Đô thị loại đặc biệt: 18% đến 26%; Đô thị loại 1: 16 % đến 24%; Đô thị loại 2: 15% đến 22%; Đô thị loại 3: 13% đến 19%; Đô thị loại 4: 12% đến 17%; Đô thị loại 5: 11% đến 16%.

Và tại khoản 3 Điều 12 quy định Đô thị có yếu tố đặc thù thì tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ so với đất xây dựng đô thị quy định Đô thị có đường biên giới quốc gia, đô thị loại 3, loại 4 và loại 5; Đô thị ở hải đảo, khu vực dự kiến hình thành đô thị loại 5 là trung tâm hành chính của huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực dự kiến hình thành đô thị và các đô thị trực thuộc…

Đại biểu Nguyễn Thị Phương Thủy cho rằng quy định như vậy là quá chi tiết và có nội dung chưa phù hợp với thực tế của nhiều địa phương trong thời điểm hiện nay cũng như trong tương lai. Do đó, đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật không nên quy định quá chi tiết tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị so với đất xây dựng đô thị.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) đề nghị bổ sung hành vi lập chốt thu phí sử dụng đường bộ trái pháp luật. Đại biểu lý giải cho đề xuất này là trước thực tiễn đã xảy ra nhiều trường hợp người dân tự ý lập chốt thu phí. Mặt khác theo Nghị định 100/2029/NĐ-CP có quy định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xây dựng hoặc thành lập trạm thu phí đường bộ khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước đồng ý. Do đó việc bổ sung hành vi này vào điều cấm là phù hợp.

Về sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ (Điều 16), đại biểu Nguyễn Thị Huế cho biết, thực tiễn quản lý đất hành lang an toàn đường bộ đối với đất chưa thu hồi gặp rất nhiều khó khăn. Đại biểu cho rằng, để thuận lợi, rõ ràng và minh bạch trong quá trình áp dụng, đề nghị nghiên cứu, bổ sung cụ thể trong dự thảo Luật phạm vi người sử dụng được thực hiện hay không được thực hiện liên quan đến hành lang an toàn đường bộ chưa được Nhà nước thu hồi đất.

Quy định chặt với kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng

Góp ý dự thảo Luật Đường bộ, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, theo Điều 56 của dự thảo Luật, trong thực tế hiện nay, phát sinh việc kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, nhưng thực tế, về bản chất lại kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định (chở khách di chuyển thường xuyên hàng ngày cùng một điểm đi và điểm đến), việc này đã tác động tiêu cực đến việc thực thi pháp luật, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị kinh doanh vận tải và tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông. Do đó, đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

Cùng với đó, đại biểu bày tỏ thống nhất với quy định “Đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị kinh doanh dịch vụ đại lý bán vé không được tổ chức đón, trả khách tại địa điểm đặt đại lý bán vé, trừ trường hợp đại lý bán vé được đặt tại bến xe khách” tại khoản 3 Điều 75 của dự thảo; quy định này một phần kế thừa quy định của Bộ Giao thông vận tải.

Tuy nhiên, theo đại biểu Mai, trong thực tế hiện nay, việc thực thi quy định này chưa thực sự nghiêm minh; vẫn xảy ra việc các đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị kinh doanh dịch vụ đại lý bán vé tổ chức đón, trả khách tại địa điểm đặt đại lý bán vé, mà đặc biệt là đối với những nơi có bến xe cách xa trung tâm; điều đó đã tạo nên tình trạng giao thông lộn xộn và nguy cơ mất an toàn. Như vậy, ngoài việc quy định một cách rõ ràng tại khoản này thì vấn đề tổ chức thực thi pháp luật phải được đề cao và có các chế tài xử phạt vi phạm nghiêm minh để đảm bảo an toàn, trật tự và đem lại hiệu quả trong thực tiễn.

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cơ bản đồng tình với dự thảo Luật Đường bộ trình ra Quốc hội lần này. Qua nghiên cứu Báo cáo giám sát về chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023” của UBTVQH cho thấy, hoạt động vận tải đường bộ trong những năm qua đã phát triển mạnh mẽ, đáp ứng trên 90% tổng khối lượng vận chuyển hành khách và trên 70% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa với gần 86.000 đơn vị kinh doanh vận tải đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô... Đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, đó là một nguồn lực rất lớn của xã hội mà chúng ta cần chú ý tới khi xây dựng dự án Luật này.

Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) quan tâm đến khoản 10 Điều 56, dự thảo Luật quy định đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký hợp đồng vận tải hành khách với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe, nghĩa là mỗi chuyến xe hợp đồng chỉ được chở một hành khách hoặc một nhóm khách duy nhất.

Theo đại biểu, việc Ban soạn thảo đưa ra quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng núp dưới bóng xe hợp đồng để kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định. Tuy nhiên, điều này lại đang vô tình làm hạn chế một loại hình vận tải hành khách phổ biến ở nhiều quốc gia khác, đó là mô hình chia sẻ chuyến xe hợp đồng dưới 10 chỗ thông qua các nền tảng gọi xe trực tuyến.

Đại biểu Tạ Thị Yên nhận thấy, mô hình này mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, vì có thể tối đa hóa số lượng người di chuyển trong một chuyến đi, do đó, sẽ giúp giảm đáng kể lưu lượng xe lưu thông trên đường và giải quyết phần nào tình trạng tắc nghẽn giao thông.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát và điều chỉnh khoản 10 Điều 56 theo hướng vừa kiểm soát tình trạng “xe dù, bến cóc”, nhưng vẫn tạo điều kiện cho dịch vụ chia sẻ chuyến xe dưới 10 chỗ được hoạt động.

Lý giải về đề xuất trên, đại biểu nêu rõ, đây cũng là cách thiết thực để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước trong việc dần tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển vận tải hành khách công cộng, giảm thiểu khí thải nhà kính, sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực của xã hội để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Hà Giang

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/de-nghi-ap-dung-phi-giao-thong-noi-do-voi-oto-ca-nhan-d48782.html