Thực hiện quy hoạch sản xuất lúa đáp ứng nhu cầu thị trường

Tỉnh Kiên Giang tăng cường các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo đạt mục tiêu, kế hoạch năm 2023.

Nông dân Kiên Giang thu hoạch lúa Hè Thu sớm. Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh nhấn mạnh, tỉnh yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với sở, ngành có liên quan và huyện, thành phố theo dõi sát tình hình hoạt động của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn để chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về xuất khẩu gạo, nhất là xu hướng gia tăng các hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của thương nhân về các quy định tại các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Hiệp định song phương để tận dụng hạn ngạch thuế quan dành cho mặt hàng gạo của Việt Nam và theo dõi tình hình lưu thông hàng hóa trên thị trường, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là vật tư đầu vào phục vụ sản xuất chế biến, xuất khẩu gạo.

Tiếp đến, Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Kiên Giang phối hợp với các đơn vị có liên quan tao điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, hội thảo, diễn đàn, hội nghị kết nối giao thương nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước cho các mặt hàng gạo của tỉnh.

Mặt khác, ngành chức năng tiếp tục hướng dẫn các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện các quy định và tuân thủ chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, nhất là các quy định về dự trữ lưu thông, bình ổn giá lúa, gạo trong nước, duy trì điều kiện kinh doanh và thực hiện chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu theo quy định.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện quy hoạch sản xuất lúa theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Mở rộng các hình thức liên kết tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kết nối, hợp tác với người sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã để tiêu thụ sản phẩm lúa hàng hóa; đồng thời, tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Trước mắt, tỉnh tập trung sản xuất vụ lúa Hè Thu đã gieo trồng 278.185 đạt sản lượng hơn 1,5 tấn và lúa vụ Thu Đông đã gieo sạ 70.829 ha đạt sản lượng 382.600 tấn nhằm đảm bảo cung ứng nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu gạo.

Theo Sở Công Thương Kiên Giang, sản lượng gạo xuất khẩu của tỉnh 7 tháng đầu năm 325.699 tấn, đạt 86,2% kế hoạch, giá trị 174,62 triệu USD, đạt 92,8% kế hoạch và tăng 48,16% so cùng kỳ; giá xuất khẩu bình quân 539 USD/tấn, tăng 44,66 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2022. Các doanh nghiệp của tỉnh xuất khẩu gạo qua hơn 10 thị trường, các thị trường chiếm kim ngạch lớn như: Trung Quốc, Indonesia, Ghana...

Phó Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang Lâm Huỳnh Nhân cho biết, trong những tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ về sản xuất và xuất khẩu cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trong tỉnh có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, vướng mắc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, tỉnh có thế mạnh về sản xuất lúa, với diện tích đất giao trồng khoảng 700.000 ha, sản lượng bình quân trên 4,4 triệu tấn lúa/năm, với 97% là các loại lúa chất lượng cao, góp phần tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cho xuất khẩu gạo của tỉnh và các tỉnh, thành phố lân cận. Mặt khác, nhu cầu nhập khẩu gạo dự trữ của các thị trường như Indonesia, Trung Quốc, đặc biệt là thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại là tín hiệu tích cực cho hoạt động xuất khẩu gạo trong tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu gạo còn gặp nhiều khó khăn do lãi suất ngân hàng còn ở mức cao, doanh nghiệp thiếu vốn mua nguyên liệu dự trữ, nhất là vào thời điểm thu hoạch chính vụ.

Tỉnh đề xuất Bộ Công Thương hỗ trợ kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có chính sách đặc thù về tín dụng cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, nhằm tạo điều kiện cho thương nhân có thêm nguồn lực tài chính để thu mua tạm trữ. Từ đó, góp phần ổn định giá lúa đầu ra cho bà con nông dân trong thời gian thu hoạch chính vụ, gia tăng hiệu quả kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp.

Cùng với đó, tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương quan tâm hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, nhất là hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, hội nghị kết nối tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm, mở rộng thị trường đầu ra cho lúa, gạo. Đồng thời, thường xuyên cung cấp thông tin, diễn biến thị trường gạo thế giới và trong nước để hỗ trợ thông tin đến các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo.

Lê Huy Hải (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/thuc-hien-quy-hoach-san-xuat-lua-dap-ung-nhu-cau-thi-truong-20230809144541185.htm