Cần có hành lang pháp lý đối với thuốc lá mới trong khi chờ sửa luật

Tại 'Phiên giải trình trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng' diễn ra vào ngày 4/5 vừa qua tại Hà Nội, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu ra 4 lợi ích khi có hành lang pháp lý để kiểm soát các sản phẩm này trong khi chờ sửa Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) để chiến lược kiểm soát thuốc lá được toàn diện.

Toàn cảnh phiên giải trình. (Nguồn: quochoi.vn)

Toàn cảnh phiên giải trình. (Nguồn: quochoi.vn)

Cần đánh giá tổng thể

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng cần đánh giá tổng thể để có quan điểm vững chắc nếu phải đi đến quyết định cấm các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (TLĐT, TLNN), bởi hiện nay thuốc lá điếu truyền thống vẫn là ngành hàng kinh doanh hợp pháp, đáp ứng cho nhu cầu sử dụng thuốc lá được pháp luật thừa nhận. Cũng trên cơ sở đó, Thứ trưởng cho rằng “việc cấm liên quan đến hạn chế quyền công dân, do đó phải quy định bằng luật”. Theo đó bà Ngọc đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết làm rõ cả về định nghĩa và bổ sung quy định về quản lý Nhà nước cũng như các vấn đề khác liên quan để quản lý TLĐT, TLNN. Bà cũng khẳng định: “Luật PCTHTL cũng còn nhiều dư địa mà chúng ta có thể bổ sung thêm.”

Theo bà Ngọc, quyết định trên sẽ đem đến 4 lợi ích. “Thứ nhất là đạt được mục tiêu quản lý và phòng, chống tác hại thuốc lá. Thứ hai là tránh phân biệt đối xử (giữa các sản phẩm thuốc lá – PV). Thứ ba là sẽ không bị ảnh hưởng bởi cam kết quốc tế, vì cam kết quốc tế hiện nay chỉ hạn chế quyền phân phối thuốc lá xì gà của các nhà đầu tư nước ngoài mà không hạn chế sản xuất. Thứ tư là giúp đồng bộ các quy định của Luật Đầu tư, Luật PCTHTL, mà chúng ta sẽ chưa cần phải sửa ngay luật”, bà Ngọc phân tích.

Cũng nói về vấn đề quyền công dân bị ảnh hưởng như thế nào đối với chính sách quản lý TLLN, TLĐT, ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc Hội cho rằng: “Việc cấm ở đây còn liên quan đến vấn đề quyền con người, kinh doanh nên phải dùng luật và rất thận trọng. Do vậy, cơ quan quản lý nhà nước về phòng chống tác hại của thuốc lá cần có nghiên cứu, đánh giá tác động rất kỹ càng, thực sự thuyết phục”.

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc.

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc.

Nếu muốn cấm, phải sửa Luật

Tại phiên chất vấn, ở góc độ pháp lý, ông Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội nêu quan điểm: “Trong Luật Đầu tư và Hiến pháp đã quy định, mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Nếu đây là sản phẩm thuốc lá theo Luật PCTHTL thì đây là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư. Nếu đây không là sản phẩm thuốc lá mà chúng ta muốn cấm, trong quan điểm của tôi là chúng ta phải sửa Luật Đầu tư”.

Mặt khác, ông Tạ Văn Hạ cũng lưu ý, quy trình đề xuất, ban hành nghị quyết cấm cũng không kém gì sửa luật, vì vẫn phải có những nghiên cứu, đánh giá tác động vững chắc, chặt chẽ, thuyết phục. Theo đó, trình tự, thủ tục của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần nhiều thời gian, dự kiến tối thiểu 3-5 năm mới có thể thực hiện.

Nhắc đến vấn đề bằng chứng khoa học đủ để thuyết phục hay chưa, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn: “Nguyên nhân tại sao chúng ta có những ứng xử với TLNN và TLĐT khác với các quy định tại Luật PCTHTL?”. Bà cũng thắc mắc Bộ Y tế đã có bằng chứng khoa học gì để ban hành quy định pháp luật khác biệt giữa thuốc lá thông thường và TLNN, TLĐT.

Có thể thấy, chưa tính đến mức độ tác hại của TLNN, TLĐT như thế nào, thì thực tế quyết định cấm sẽ kéo theo các vấn đề liên quan đến Hiến pháp, Luật Đầu tư, Luật PCTHTL và quy trình thủ tục quản lý Nhà nước. Trong suốt quá trình đó, sẽ tiếp tục có những quan điểm khác biệt, đặc biệt là sự bất đồng giữa hướng quản lý thuốc lá điếu so với TLĐT, TLNN. Khi cánh cửa cho việc quản lý các mặt hàng này ngày càng khép lại, khoảng trống pháp lý sẽ càng mở ra cho thị trường chợ đen trục lợi, tiếp tục để lại gánh nặng cho xã hội từ các nguồn hàng gian, hàng giả.

Tại phiên chất vấn ngày 4/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhắc lại đề xuất của Bộ đối với TLNN, TLĐT. Cụ thể, tháng 8/2021, Bộ Công thương đã trình Chính phủ kiến nghị cho phép thí điểm việc sản xuất, nhập khẩu và lưu thông TLNN như sản phẩm thuốc lá thông thường trong 2 năm theo luật PCTHTL, và giao Bộ Công thương xây dựng cơ chế thí điểm quản lý TLNN trên cơ sở các ý kiến đã được thống nhất giữa các bộ, ngành. Đối với TLĐT, kiến nghị giao Bộ Công thương phối hợp với Bộ Y tế thành lập Tổ công tác nghiên cứu, đề xuất chính sách sau, và trong thời gian đó chưa cho phép lưu hành sản phẩm.

Bà Thắng cũng nhấn mạnh tính toàn diện của đề xuất này, vì phù hợp với Hiến pháp, luật hiện hành, tiệm cận với quan điểm Bộ Y tế dưới góc độ bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vừa đảm bảo chặt chẽ theo Chiến lược quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá, an toàn sức khỏe người sử dụng, dung hòa quyền lợi giữa các chủ thể liên quan và phù hợp thông lệ quốc tế.

Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng cho biết, một số đề tài nghiên cứu ở cấp bộ của Bộ Công thương từ năm 2020 đã có tham khảo kết quả thẩm định khoa học từ Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đối với TLNN, và khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới đối với việc đưa TLNN vào kiểm soát dưới luật quốc gia.

Kết luận của phiên chất vấn nêu rõ, trong năm 2024, Chính phủ cần chỉ đạo khảo sát, rà soát, đánh giá toàn diện TLĐT, TLNN để làm cơ sở thống nhất quan điểm quản lý Nhà nước, xây dựng văn bản quản lý chặt chẽ và có giải pháp đồng bộ đối với công tác phòng chống tác hại. Do vậy, để giúp Chính phủ hoàn thành mục tiêu này, việc thống nhất quan điểm giữa các Bộ là cấp thiết, không thể trì hoãn.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/can-co-hanh-lang-phap-ly-doi-voi-thuoc-la-moi-trong-khi-cho-sua-luat-post809385.html