Thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Singapore

Chuyến thăm của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long được kỳ vọng sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Singapore.

Quan hệ kinh tế - thương mại là "điểm sáng"

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngay khi cơ bản kiểm soát được đại dịch Covid-19, từ tháng 3/2022, Việt Nam và Singapore đã sớm dỡ bỏ các hạn chế đi lại với nhau, nối lại đường bay thương mại.

Số liệu thống kê cho thấy, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 8,3 tỷ USD năm 2021 và 9,15 tỷ USD năm 2022 (tăng 11,6% so với năm 2021); trong đó, Việt Nam xuất khẩu 4,3 tỷ USD và nhập khẩu 4,8 tỷ USD.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 4,5 tỷ USD, giảm 5,7% so với năm 2022 (trong đó, Việt Nam xuất khẩu 2 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2022 và nhập khẩu 2,5 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022).

Với 3.274 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 73,5 tỷ USD, Singapore duy trì vị trí đứng đầu ASEAN và thứ 2/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Quy mô dự án bình quân là 22,4 triệu USD/dự án, cao hơn quy mô dự án bình quân chung là khoảng 12,1 triệu USD/dự án. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, Singapore là đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam, với 163 dự án cấp mới, 72 lượt điều chỉnh và 164 lượt góp vốn mua cổ phẩn với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3 tỷ USD.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Hiển Long trong chuyến thăm chính thức Singapore tháng 2/2023

Các nhà đầu tư Singapore đã tham gia hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam (18/21 ngành). Tuy nhiên, chủ yếu tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo với 775 dự án và 28,6 tỷ USD (khoảng 38,9% tổng vốn đầu tư đăng ký), thứ 2 là kinh doanh bất động sản với 214 dự án, vốn đăng ký hơn 19,1 tỷ USD (26%), thứ 3 là sản xuất, phân phối điện, khí, điều hòa với 47 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 11,8 tỷ USD (16%). Nếu theo địa bàn thì Singapore đã đầu tư tại 51/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, dẫn đầu là TP. Hồ Chí Minh (19,3%), Hà Nội đứng thứ 2 (10,8%), thứ 3 là Bắc Ninh (7,6%), tiếp đó là Bình Dương (thủ phủ của VSIP), Long An, Quảng Nam.

Một số dự án tiêu biểu phải kể đến như: Dự án lớn nhất của Singapore tại Việt Nam là dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu (vốn đăng ký 4 tỷ USD); dự án Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An, vốn đăng ký 4 tỷ USD; dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II, tổng đầu tư 3,1 tỷ USD.

Cùng với đó, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) là biểu tượng hợp tác kinh tế thành công giữa hai nước. Từ VSIP đầu tiên tại Bình Dương được khởi động tháng 1/1996, đến nay đã có 14 VSIP hiện diện tại 10 tỉnh, thành của Việt Nam với quy mô lên khoảng 11.000ha, gồm VSIP Bình Dương 1, 2, 3; VSIP Cần Thơ; VSIP Quảng Ngãi; VSIP Bình Định; VSIP Quảng Trị; VSIP Nghệ An; VSIP Bắc Ninh 1, 2; VSIP Hải Dương; VSIP Hải Phòng; VSIP Lạng Sơn. Các VSIP đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy cao (khoảng 83,2%), thu hút được 18,7 tỷ USD tổng vốn đầu tư cho khoảng 866 dự án, tạo việc làm cho hơn 300.000 lao động.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam hiện có 153 dự án đầu tư sang Singapore còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 690 triệu USD (đứng thứ 10/80 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư của Việt Nam), tập trung vào lĩnh vực khoa học công nghệ; bán buôn bán lẻ; thông tin truyền thông; bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo…

Thông tin trước thềm chuyến thăm của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Phu nhân đến Việt Nam từ ngày 27 - 29/8 theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng cho biết, trong chuyến thăm Singapore của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 2/2023 vừa qua, Việt Nam và Singapore đã đạt được nhiều kết quả cụ thể, tiếp tục các chương trình hợp tác song phương đã có và ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại, hợp tác hàng hải và đổi mới sáng tạo.

"Điểm nhấn quan trọng trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính là Bản ghi nhớ về thiết lập Quan hệ Đối tác Kinh tế số - Kinh tế xanh giữa Việt Nam và Singapore. Đây là lĩnh vực ưu tiên phát triển của cả Việt Nam và Singapore" - Đại sứ Mai Phước Dũng nhấn mạnh và cho biết, thời gian qua, hai bên đã nỗ lực thúc đẩy trao đổi để cụ thể hóa các lĩnh vực hợp tác, hướng tới ký kết những thỏa thuận trong thời gian tới.

Về phía Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 912/QĐ-TTg ngày 2/8/2023 thành lập Tổ công tác liên ngành để triển khai Biên Bản ghi nhớ về quan hệ Đối tác Kinh tế xanh - Kinh tế số Việt Nam - Singapore, Đại sứ Mai Phước Dũng cho rằng đây là một lĩnh vực hợp tác có rất nhiều dư địa, tiềm năng to lớn giữa hai nước trong những năm tới. Về kinh tế số, Việt Nam - Singapore sẽ đẩy mạnh hợp tác phát triển, kết nối chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó có chia sẻ, kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Về kinh tế xanh, mục tiêu của hai nước Việt Nam - Singapore tương đồng, là phấn đấu giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050 và hai nước sẽ tập trung vào hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng xanh trong thời gian tới.

Làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ Đối tác Chiến lược

Việt Nam và Singapore thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 1/8/1973. Sang đầu thập niên 1990, cùng với chuyển biến chung của cục diện quốc tế và khu vực cũng như chủ trương đổi mới, mở cửa của Việt Nam, mối quan hệ giữa hai nước ghi nhận những bước phát triển nhanh chóng, đặc biệt là sau khi Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN vào năm 1995.

Thông tin tại Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1/8/1973 - 1/8/2023), 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Singapore diễn ra tối 1/8/2023, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đánh giá: “Quan hệ Việt Nam - Singapore là một hình mẫu thành công cả trên bình diện song phương và đa phương, cả khu vực và quốc tế. Từ quan hệ chính trị chân thành, tin cậy đã tạo tiền đề thúc đẩy quan hệ hợp tác sâu rộng, thực chất và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.”

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tin tưởng rằng, trên nền tảng vững chắc đã được xây dựng trong 50 năm qua, với quyết tâm cao của lãnh đạo, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp hai nước, quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Singapore sẽ tiếp tục phát triển tốt đẹp hơn nữa trong thời gian tới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần xây dựng cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường và vững mạnh; vì hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Về chuyến thăm lần này, Đại sứ Mai Phước Dũng cho rằng, Thủ tướng Singapore đã đến thăm Việt Nam rất nhiều lần, rất quen thuộc đối với đất nước và con người Việt Nam. "Chuyến thăm của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tiếp tục củng cố, thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước vì hòa bình, ổn định chung trong khu vực và thế giới" - Đại sứ Mai Phước Dũng nhấn mạnh.

Chuyến thăm này nằm trong một loạt sự kiện mà hai bên tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập Quan hệ Ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Việt Nam và Singapore, là chuyến thăm đáp lễ chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Singapore vào tháng 2 vừa qua. Trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ dự một loạt các hoạt động, các sự kiện quan trọng thể hiện sự hợp tác toàn diện, tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam và Singapore.

Đồng thời, Đại sứ Mai Phước Dũng cho rằng, trên cơ sở các kết quả hợp tác tốt đẹp đã đạt được và đang triển khai, trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng Lý Hiển Long, hai bên sẽ tiếp tục cụ thể hóa và triển khai những thỏa thuận đã đạt được trong chuyến thăm Singapore tháng 2 vừa qua.

Đại sứ Mai Phước Dũng kỳ vọng, lần này Việt Nam sẽ ký được một hiệp định có ý nghĩa hết sức quan trọng - hiệp định về tín chỉ carbon giữa Việt Nam và Singapore. Nếu ký được hiệp định này, thì đây sẽ là hiệp định đầu tiên Singapore ký với một nước trên thế giới. Singapore muốn hiệp định này là hình mẫu trong hợp tác giữa các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ gia hạn ký tiếp hiệp định khung về kết nối hai nền kinh tế, mở thêm các lĩnh vực mới, trước đây có 6 lĩnh vực, giờ mở rộng thêm các lĩnh vực như kinh tế xanh, kinh tế số, đổi mới sáng tạo. Về phát triển nguồn nhân lực các cấp, Việt Nam và Singapore có thể đẩy mạnh hợp tác giáo dục đào tạo, hợp tác bồi dưỡng nhân lực có tay nghề, hợp tác đào tạo cán bộ quản lý cao cấp của Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước…

Cách đây 50 năm, ngày 1/8/1973, Việt Nam và Singapore chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Trên chặng đường 50 năm qua, quan hệ hai nước đã phát triển mạnh mẽ, sinh động, gặt hái những thành tựu tốt đẹp và còn nhiều triển vọng để phát triển hơn nữa trong tương lai.

Hà Hương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuc-day-manh-me-quan-he-doi-tac-chien-luoc-viet-nam-singapore-268666.html