Thừa Thiên Huế: Lãnh đạo ngành giáo dục nói gì về tình trạng học sinh nói chuyện với nhau bằng 'nắm đấm'?

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường do sự phát triển mạnh của mạng xã hội, các mâu thuẫn một phần xuất phát từ đó, ngoài ra còn từ chính tâm lý và lứa tuổi của các em học sinh.

Thời gian qua, cơ quan chức năng, ngành giáo dục ở Thừa Thiên Huế đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm phòng, chống bạo lực học đường. Tuy nhiên, các vụ bạo lực học đường vẫn liên tiếp xảy ra, gây ảnh hưởng tới bản thân các em học sinh, gia đình cũng như môi trường giáo dục.

Mới đây nhất, ngày 19/10, em P.Đ.D.H. (học sinh lớp 7, Trường THCS Lộc Điền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) điều khiển xe đạp đâm vào em M.T.T.T (học sinh cùng trường) khiến điện thoại của em T. bị nứt màn hình. Tối cùng ngày em T. đến nhà em H. yêu cầu bồi thường điện thoại nhưng không được đồng ý.

Hình ảnh cắt từ video ghi lại sự việc nữ sinh lớp 7 Trường THCS Lộc Điền bị đánh hội đồng.

Từ mâu thuẫn này, sau đó, các nữ sinh hẹn nhau để giải quyết. Tại một quán cà phê ở trên địa bàn xã Lộc An, em T. và 8 học sinh khác, trong đó có em H. (5 em là học sinh lớp 7, Trường THCS Lộc Điền và 3 em học sinh Trường THCS Lộc An) xảy ra xô xát. Sự việc được quay video lại sau đó đăng tải lên mạng xã hội.

Hay như trước đó, chị N.T.T.N. (SN 1973, trú phường An Cựu, TP Huế) có đơn trình báo về việc ngày 31/7, nhóm 4 học sinh lớp 7 thuộc 3 Trường THCS trên địa bàn TP Huế đi xe đạp điện đến nhà hù dọa, ép buộc con gái chị là N.T.V. đến nhà thờ Phủ Cam (phường Phước Vĩnh) đánh đập và quay video.

Tiếp đó, 4 học sinh này tiếp tục đưa em V. đến khu vực tượng đài Quang Trung (phường An Tây) để đánh đập và quay video. Sau sự việc, cháu V. về nhà với tinh thần không ổn định, thân thể bầm tím, ít nói chuyện. Ngày 11/8, gia đình chị N. phát hiện sự việc nên trình báo công an.

Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống, bà Cái Thị Cẩm Hương, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Phú Lộc cho biết, thực trạng bạo lực học đường hiện nay xảy ra chủ yếu ở lứa tuổi học sinh THCS và THPT.

"Vụ việc thường xảy ra ngoài khuôn viên nhà trường, ở những nơi vắng người, thông qua hình thức như một nhóm học sinh xô đẩy, giẫm đạp, dùng gậy, mũ bảo hiểm đánh khiến nạn nhân không thể phản kháng. Đồng thời, quay video đưa lên mạng xã hội. Mặc dù khi vụ việc xảy ra, nhiều bạn bè của nạn nhân có mặt ở đó nhưng lại thờ ơ, không can ngăn mà còn kích động, cỗ vũ", bà Hương nói.

Bà Hương cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền để tất cả mọi người nhận thức vai trò, trách nhiệm của mình trong việc chủ động phòng ngừa, giải quyết các vấn đề liên quan đến bạo lực học đường.

Nhà trường chỉ đạo giáo viên tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục học đường cho học sinh trong các môn học như đạo đức, giáo dục công dân. Cơ sở giáo dục rà soát, khoanh vùng các học sinh "cá biệt" để phối hợp với gia đình, chính quyền địa phương có giải pháp quản lý, giáo dục học sinh hiệu quả hơn.

"Cần xây dựng môi trường học tập thân thiện, tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, nói chuyện về tình bạn, tình yêu thầy cô giáo, yêu mái trường để trang bị, hình thành cho học sinh nhận thức đúng đắn", bà Hương chia sẻ.

Ông Đoàn Minh Thắng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, so với những năm trước, đến thời điểm này số vụ bạo lực học đường giảm tuy nhiên vẫn xảy ra. Sau các vụ việc, đơn vị cũng tổ chức các cuộc họp để rút kinh nghiệm. Xác định, nguyên nhân của bạo lực học đường hiện nay là do sự phát triển mạnh của mạng xã hội, các mâu thuẫn một phần xuất phát từ đó, ngoài ra còn từ chính tâm lý và lứa tuổi của các em học sinh.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, từ đầu năm học, đơn vị tổ chức hội nghị, chuyên đề để quán triệt, cũng như lồng ghép chỉ đạo nội dung phòng, chống bạo lực học đường trong các cuộc họp. Đồng thời, giao trách nhiệm trực tiếp về từng đơn vị, trường học để tăng cường quản lý, giám sát học sinh, đẩy mạnh tuyên truyền để phòng, chống không để bạo lực học đường xảy ra.

TS Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học sư phạm, Đại học Huế cho rằng, để giảm thiểu bạo lực học đường, cần tuyên truyền nhiều hơn đối với các em học sinh, đặc biệt ở lứa tuổi THCS và THPT thông qua các hoạt động chào cờ, ngoại khóa, buổi nói chuyện với chuyên gia.

Gia đình cũng cần quan tâm tới những thay đổi, hoạt động hàng ngày, bạn bè, biểu hiện tâm lý của các em. Những điều này sẽ giúp phụ huynh giải quyết hoặc cùng nhà trường kịp thời nắm bắt để động viên, chia sẻ, ủng hộ hoặc giúp đỡ, tháo gỡ để các em giảm bớt áp lực, thay đổi suy nghĩ, hành vi.

Hoàng Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thua-thien-hue-lanh-dao-nganh-giao-duc-noi-gi-ve-tinh-trang-hoc-sinh-noi-chuyen-voi-nhau-bang-nam-dam-16923102515100721.htm